Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Eximbank, Sacombank và ABBank thua lỗ?

Cùng lỗ thảm hàng trăm tỷ đồng trong quý IV/2015, Eximbank, Sacombank và ABBank cùng có chung “tử huyệt”.

Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại khiến nhà đầu tư thất vọng khi có thêm một quý lợi nhuận tăng trưởng âm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2015, trong kỳ Eximbank lỗ 463,02 tỷ đồng, lũy kế cả năm chỉ lãi 62,47 tỷ đồng

Đây không phải quý đầu tiên Eximbank thua lỗ. Trong quý 4/2014, ngân hàng này thậm chí còn “bốc hơi” tới 677,88 tỷ đồng. Điều đó khiến cổ phiếu EIB không được nhà đầu tư quan tâm nhiều. Chốt phiên giao dịch 24/2- ngày cổ phiếu ngân hàng bùng nổ, hàng loạt mã tăng trần, EIB chỉ tăng 100 đồng/CP lên 10.400 đồng/CP.

Cũng trong tháng 2, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã khiến giới tài chính bất ngờ khi công bố những khoản thua lỗ nặng nề của quý IV/2015 trong cả báo cáo tài chính riêng lẻ và báo cáo tài chính hợp nhất.

Ba ngân hàng lỗ thảm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, riêng ngân hàng Sacombank lỗ tới 583,26 tỷ đồng trong quý 4/2015. Trong khi đó, Sacombank lãi 406,17 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014. Lũy kế lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 chỉ còn 1.013,42 tỷ đồng, giảm 1.265,24 tỷ đồng, tương ứng 55,53% so với 2014.

Do được các khoản lợi nhuận từ công ty con bù sang nên toàn hệ thống Sacombank trong quý 4/2015 “chỉ” còn thua lỗ 521,44 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2014, Sacombank lãi 328,56 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Sacombank lãi 1.146,26 tỷ đồng, giảm 1.060,17 tỷ đồng, tương ứng 48,05% so với cả năm 2014.

Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cũng ghi tên mình vào danh sách các ngân hàng thua lỗ trăm tỷ đồng. Cụ thể, trong quý 4/2015, lỗ sau thuế của ABBank là 153,84 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 48,69 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.

Đâu là “tử huyệt”?

Eximbank, Sacombank và ABBank có điểm giống nhau là đây không phải quý đầu tiên thua lỗ. Bên cạnh đó, cả  3 ngân hàng có đặc điểm chung nữa là “tử huyệt” mang tên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chính chỉ tiêu này gia tăng khiến lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm.

Dù kinh doanh không thuận lợi nhưng Eximbank vẫn đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 4/2015 là 364,83 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kỳ, ngân hàng trích lập tới 935,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 545,07 tỷ  đồng so với cùng kỳ năm 2014.

Điều ngạc nhiên là Eximbank tăng mạnh trích lập dư phong rủi ro tín dụng khi tăng trưởng tín dụng âm, giảm từ 87.146,54 tỷ đồng cuối năm 2014 xuống còn 84.759,79 tỷ đồng cuối năm 2015. Đi cùng với nó là nợ xấu giảm xuống còn 1.573,47 tỷ đồng. Nợ xấu chỉ chiếm 1,86% tổng dư nợ tín dụng.

Trong kỳ, hoạt động kinh doanh ngoai hối và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khiến Eximbank thua lỗ hơn 60 tỷ đồng.

Cũng giống như Eximbank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là nguyên nhân chính khiến Sacombank thua lỗ nặng nề trong quý 4/2015. Sacombank phải đẩy mạnh chi phí này vì trong quý 4, Sacombank hoàn thành thương vụ thâu tóm ngân hàng Phương Nam (PNB) – ngân hàng có khoản nợ xấu “khủng”. PNB khiến nợ xấu của Sacombank đạt 3.450 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.520 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm 2015. Nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 1.005,65 tỷ đồng lên 3.070,69 tỷ đồng.

Ngoài chi phí này, một số chỉ tiêu khác cũng góp phần không nhỏ khiến Sacombank thua lỗ. Đó là chi phía lãi và các thu nhập tương tự tăng mạnh. Trong kỳ, chi phí này đạt  3.251,07 tỷ đồng, tăng  1.170,21 tỷ đồng, tương ứng 56,21% so với quý 4/2014.

Điều đó khiến thu nhập từ lãi – thu nhập lớn nhất trong ngành ngân hàng chỉ đạt 913,52 tỷ đồng, giảm 340,47 tỷ đồng, tương ứng 27,15% so với quý 4/2014; lũy kế cả năm 2015 đạt 6.614,94 tỷ đồng.

Tiếp tục giống Eximbank, kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư khiến Sacombank thua lỗ. Hai chỉ tiêu này lần lượt khiến Sacombank mất 29,45 tỷ đồng56,79 tỷ đồng. Điều đáng chú ý chính là cùng kỳ năm 2014, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư  giúp Sacombank lãi tới 233,61 tỷ đồng.

Với ABBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng không tăng vọt nhưng con số 284,19 tỷ đồng cũng đủ xóa đi khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. 

http://vtc.vn/tu-huyet-cua-3-ngan-hang-lo-tham-eximbank-sacombank-va-abbank.1.596419.htm

Theo Bảo Linh/VTCNews

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm