Chính phủ Đức chưa bao giờ thẳng thừng phản đối việc xuất khẩu vũ khí hạng nặng cho Ukraine, dù thực tế Berlin có nhiều lý do để ngăn các tập đoàn công nghiệp quốc phòng chuyển giao vũ khí cho Kyiv.
Bởi vậy, việc Thủ tướng Olaf Scholz ngày 26/4 tuyên bố cho phép chuyển giao pháo phòng không cho Ukraine vừa là điều gây bất ngờ, vừa là tín hiệu cho thấy sự chuyển hướng đáng chú ý trong chính sách của Berlin, theo New York Times.
Những lý do khiến Đức chần chừ
Chỉ mới tuần trước, Thủ tướng Scholz vẫn kiên trì với lập luận rằng ưu tiên hàng đầu của NATO là tránh đối đầu với Nga. Để bảo vệ mục tiêu này, việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine cần được cân nhắc kỹ, tránh khiêu khích Moscow châm ngòi cho Chiến tranh thế giới 3.
Đó chỉ là một trong nhiều lý do mà Berlin viện dẫn để lý giải vì sao Đức không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kyiv - điều mà nhiều nước đồng minh phương Tây đã làm.
Những lý do khác mà chính phủ Đức vin vào gồm quân đội nước này không còn đủ mức độ vũ khí dự trữ để bảo đảm an ninh quốc phòng trong nước, hoặc binh sĩ Ukraine cần nhiều thời gian để học sử dụng các vũ khí mà Đức có.
Berlin chọn cách hỗ trợ tài chính cho Kyiv, đồng thời cung cấp các loại vũ khí hiện đại cho các thành viên NATO ở Đông Âu, sau đó các nước này sẽ chuyển giao vũ khí sản xuất từ thời Liên Xô cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng 40 nước dự hội nghị tại căn cứ không quân Ramstein hôm 26/4. Ảnh: Reuters. |
Đức đang chịu những sức ép nào?
Sức ép yêu cầu Berlin hỗ trợ vũ khí cho Kyiv đã có từ trước khi Nga đưa quân vào Ukraine. Khi chiến sự nổ ra, Đức phản ứng hời hợt bằng cách viện trợ Ukraine 5.000 mũ chống đạn.
Nhưng khi chiến sự ngày càng kéo dài, sức ép càng đè nặng lên chính quyền Thủ tướng Scholz yêu cầu thay đổi chính sách hỗ trợ Kyiv.
Không chỉ từ vị đại sứ Ukraine ở Berlin, sức ép còn đến từ các đồng minh phương Tây. Nhưng sức ép gay gắt nhất đến từ đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh thuộc liên minh cầm quyền của ông Scholz.
Trong tháng này, 3 nghị sĩ Đức đã tới Kyiv, tất cả đều ủng hộ cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Một trong số đó là Marie Agnes Strack-Zimmermann của đảng FDP. Nghị sĩ này thậm chí đặt câu hỏi liệu ông Scholz có thích hợp làm nhà lãnh đạo đất nước trong thời khắc khó khăn hiện nay.
Anton Hofreiter, nghị sĩ thuộc đảng Xanh, nói rằng rào cản lớn nhất để Đức hỗ trợ Ukraine nhiều hơn "nằm tại văn phòng thủ tướng". Nhiều tuần qua, đảng Xanh đã đẩy mạnh vận động hành lang để tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Trong khi đó, đảng đối lập lớn nhất là Liên minh Dân chủ Thiên chúa (CDU) dự kiến đệ trình lên Quốc hội Đức yêu cầu cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Bước đi này nếu diễn ra sẽ nhận được ủng hộ của FDP và đảng Xanh, gây tổn hại nặng nề cho uy tín chính trị của Thủ tướng Scholz cũng như đảng SPD tại Quốc hội.
Bước đi mở đường cho các vũ khí khác?
Các đồng minh NATO như Mỹ, Anh, Pháp hay Hà Lan đều đã cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Thực tế này khiến Đức có nguy cơ bị cô lập nếu không thay đổi lập trường về viện trợ Kyiv.
Phát biểu tại cuộc họp tại căn cứ không quân Ramstein hôm 26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng các nước phương Tây "có thể làm nhiều hơn để giúp Ukraine tự vệ".
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết chính phủ Đức đã nhất trí sẽ cung cấp pháo tự hành phòng không Gepard Flakpanzer cho Kyiv. Hiện chưa rõ bao nhiêu pháo tự hành sẽ được đưa đến Ukraine.
Gepard là một loại xe tăng được trang bị 2 khẩu pháo phòng không 35 mm, có thể nâng cấp thành tên lửa phòng không Stinger. Vũ khí phòng không này hiện được sử dụng trong quân đội nhiều nước như Brazil, Jordan, Qatar hay Romania.
Tập đoàn vũ khí Krauss-Maffei Wegmann của Đức cho biết hiện có sẵn 50 pháo Gepard trang bị đầy đủ, sẵn sàng được chuyển giao trực tiếp cho Ukraine, theo Politico.
Pháo tự hành phòng không Gepard. Ảnh: AFP. |
Dù đã công bố kế hoạch viện trợ Ukraine vũ khí hạng nặng, phe đối lập vẫn tiếp tục gây sức ép đòi chính phủ của Thủ tướng Scholz đi xa hơn.
Roderich Kiesewetter, nghị sĩ thuộc CDU, nói cung cấp pháo tự hành Gepard là "bước khởi đầu tốt đẹp".
Bộ Kinh tế Đức, cơ quan phụ trách phê duyệt đơn hàng xuất khẩu vũ khí, không bình luận về câu hỏi việc phê chuẩn chuyển giao pháo phòng không Gepard có đồng nghĩa cho phép xuất khẩu xe tăng Đức tới Ukraine hay không.
Theo tạp chí Welt, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rheinmetall đã đề nghị chính phủ Đức cho phép xuất khẩu 88 xe tăng Leopard 1A5 cùng 100 xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine.
Trong khi đó, tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann cho biết họ sẵn sàng chuyển giao 100 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 nếu được chính phủ Đức bật đèn xanh.