Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sức ép nào đang chờ Phần Lan, Thụy Điển khi vào NATO?

Các chuyên gia cho rằng mọi yếu tố cho việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều thuận lợi trong thời điểm này.

phan lan thuy dien gia nhap nato anh 1

Báo chí Phần Lan và Thụy Điển ngày 25/4 đồng loạt đưa tin chính phủ của hai nước sẽ cùng lúc nộp đơn xin gia nhập NATO, cụ thể là trong khoảng ngày 16-22/5. Hai lá đơn sẽ chấm dứt nhiều năm dài trung lập của hai quốc gia này, cũng như những tuần lễ đồn đoán kể từ khi Nga bắt đầu đưa quân vào Ukraine.

Phần Lan thay đổi quan điểm

Theo các cuộc khảo sát gần đây của nhật báo Phần Lan Helsingin Sanomat, số người ủng hộ gia nhập NATO tại quốc gia Bắc Âu này đã ổn định ở mức khoảng 60%. Con số hồi tháng 1 chỉ là 28%, theo Helsinki Times.

Theo giáo sư Maurice Carrez, chuyên gia về lịch sử Phần Lan tại Đại học Strasbourg, Pháp, vị trí đặc biệt của Phần Lan khiến các lực lượng ủng hộ NATO ít có cơ hội thể hiện trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn tồn tại và trở nên mạnh mẽ hơn sau khi Liên Xô sụp đổ.

Dù vậy, chính sách của Nga trong những năm qua mới là nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi trong quan điểm của người Phần Lan.

phan lan thuy dien gia nhap nato anh 2

Một binh sĩ biên phòng Phần Lan ở khu vực biên giới với Nga. Ảnh: Biên phòng Phần Lan.

“Trước khi bán đảo Crimea bị sáp nhập tháng 2/2014, chưa đầy 20% người Phần Lan nghĩ việc từ bỏ vị thế trung lập là điều chính đáng. Sau sáp nhập, con số này tăng lên 25%, nhưng giảm xuống khoảng 19% vào cuối năm 2017”, ông phân tích với Zing.

Tuy vậy, kể từ đó, căng thẳng giữa Nga và các nước Baltic, cũng như cuộc xung đột tại Ukraine, đã khiến tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO cao như hiện nay. Theo giáo sư Carrez, điều này đến từ sự phẫn nộ và sợ hãi của người dân Phần Lan, quốc gia có biên giới dài với Nga.

Bên cạnh đó, giáo sư Carrez cũng chỉ ra cảm xúc này còn được duy trì bởi báo giới, bộ phận ủng hộ hội nhập Đại Tây Dương, cũng như tính toán của các nhà lãnh đạo tại Helsinki.

“Các phát biểu gần đây của Tổng thống (Sauli) Niinisto và Thủ tướng (Sanna) Marin cho thấy họ đã có quyết định của riêng mình, và sẽ bảo vệ quyết định này khi vấn đề được đưa ra một cách chính thức”, vị giáo sư chia sẻ.

“Dù vậy, các tiến triển gần đây (trong quan điểm) của Liên minh cánh Tả, đảng Xanh, đảng Trung dung và lực lượng dân túy cánh hữu về vấn đề này cho thấy sự ủng hộ với NATO không chỉ là nhất thời”, ông nói.

Đảng Xanh và đảng Trung dung đã ra tuyên bố ủng hộ gia nhập NATO. Trong khi đó, Liên minh cánh Tả, lực lượng chính trị có truyền thống phản đối NATO, tuyên bố sẽ không rời liên minh cầm quyền nếu Quốc hội Phần Lan ủng hộ tư cách thành viên của khối, Reuters đưa tin.

Theo vị chuyên gia, việc Phần Lan gia nhập NATO chắc chắn nhận được phản ứng tiêu cực từ Nga. Từ một nước láng giềng ít gây quan ngại, Phần Lan sẽ trở thành một đối thủ tiềm tàng với Moscow.

“Đối với tôi, tư cách thành viên NATO là nguồn gây nên các vấn đề trong tương lai, thay vì đem lại an ninh. Người Phần Lan nên nghĩ đến điều này thay vì hành động theo cảm xúc”, ông nói.

phan lan thuy dien gia nhap nato anh 3

Phần Lan nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Nga. Biên giới trên bộ giữa Phần Lan với Nga dài hơn 1.300 km, khoảng hai phần ba độ dài biên giới Nga - Ukraine. Đồ họa: Economist.

Trước việc Phần Lan và Thụy Điển có khả năng gia nhập NATO, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 14/4 cảnh báo Moscow sẽ trả đũa bằng cách tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm triển khai vũ khí hạt nhân.

Dù vậy, giáo sư Carrez nhận định Phần Lan ít có khả năng bị Nga tấn công. “Với các khó khăn mà quân đội Nga đang gặp phải tại Ukraine, tôi không nghĩ có khả năng xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ trong tương lai gần”, giáo sư Carrez nói.

“Nói tóm lại, thời cơ đã đến với những người mong muốn gia nhập liên minh quân sự phương Tây”, ông chia sẻ.

Thụy Điển tính cách tự vệ

Giống như giáo sư Carrez, tiến sĩ Michael Jonsson, chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng thuộc chính phủ Thụy Điển, tin tưởng Nga ít có khả năng trả đũa mạnh mẽ, dù sẽ hành động như những lần Thụy Điển bàn thảo về khả năng gia nhập NATO trước đó.

“Có thể dự đoán về hành động di chuyển quân, các cuộc tập trận chớp nhoáng ở khu vực sát chúng tôi, cũng như khả năng không phận Thụy Điển bị xâm nhập - những điều xảy ra khá thường xuyên trong những năm qua”, ông nói với Zing. “Các hành động trả đũa mạnh mẽ hơn ít có khả năng xảy ra, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn”.

Trước các thách thức an ninh, bên cạnh tính phương án gia nhập NATO, Thụy Điển cũng đang tính phương án nâng cao năng lực quốc phòng. Tiến sĩ Jonsson chỉ ra Stockholm đang dần tăng cường chi tiêu quốc phòng từ mức xấp xỉ 1,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến 2% GDP.

“So sánh với chỉ vài năm trước, mặc dù từ cơ sở thấp, năng lực phòng thủ của Thụy Điển đã gia tăng đáng kể, bao gồm các năng lực cấp cao như máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm, hệ thống phòng không tầm trung hay tàu ngầm”, ông nói.

Bên cạnh đó, Stockholm cũng tìm cách tăng cường khả năng của lục quân như nâng số lữ đoàn chính quy từ 2 lên 4, tăng cường lực lượng dự bị động viên, tăng gấp đôi số tân binh được huấn luyện mỗi năm, cũng như cải thiện năng lực pháo binh tầm xa.

“Do đó, dù có tư cách thành viên NATO hay không, Thụy Điển cũng đang nhanh chóng tăng cường năng lực phòng vệ”, ông Josson nhận định.

Theo ông Josson, quyết định về vấn đề gia nhập NATO của Thụy Điển sẽ bị ảnh hưởng bởi lựa chọn của người láng giềng Phần Lan.

phan lan thuy dien gia nhap nato anh 4

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin trong chuyến thăm của bà Marin tới Stockholm hôm 13/4. Ảnh: Reuters.

“Thụy Điển và Phần Lan đang hợp tác chặt chẽ về quân sự. Dù đều không tham gia liên minh quân sự, hai bên đã lên kế hoạch hợp tác ‘bao gồm trong khủng hoảng và chiến tranh’, tùy thuộc vào quyết định chính trị”, ông chỉ ra.

Ông cũng cho biết hai quốc gia chia sẻ nhiều nét lịch sử, văn hóa và cả địa chiến lược tương đồng. Ví dụ, Nga không thể mở cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Thụy Điển nếu không đi qua lãnh thổ Phần Lan.

“Phần Lan nhiều khả năng sẽ xin gia nhập NATO. Nếu điều này không xảy ra, vấn đề trên ít có khả năng sẽ được thảo luận một cách nghiêm túc tại Thụy Điển, khi đảng cầm quyền còn đang có khác biệt nội bộ”, tiến sĩ Josson nói.

Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tại Thụy Điển có truyền thống phản đối NATO và đề cao sự trung lập. Dù vậy, tình thế có thể đang thay đổi. Hôm 20/4, tờ báo Aftonbladet, cơ quan truyền thông phản ánh “quan điểm độc lập của đảng viên Dân chủ Xã hội”, đăng tải một bài viết kêu gọi Stockholm gia nhập NATO, theo Local.

Khảo sát của Aftonbladet được công bố hôm 20/4 cũng cho thấy lần đầu tiên phần nhiều đảng viên Dân chủ Xã hội Thụy Điển ủng hộ gia nhập NATO, với tỷ lệ tán thành là 41%, so với tỷ lệ phản đối chỉ 25%.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ trong toàn dân số Thụy Điển đã ở mức 57%, tăng 6% so với số liệu hồi tháng 3.

“Giờ đây, nhiều khả năng chúng tôi sẽ nộp đơn xin gia nhập, có thể là cùng với Phần Lan”, tiến sĩ Josson nhận định với Zing vào ngày 19/4.

Theo các thông tin mới nhất, dự đoán của ông Josson có thể thành sự thật vào giữa tháng 5.

Nga tung video phóng tên lửa Iskander tiêu diệt mục tiêu Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/4 đăng video cho thấy tổ hợp tên lửa Iskander được sử dụng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Điều gì xảy ra nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết gia nhập NATO?

Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến hai đất nước vốn trung lập phải suy nghĩ lại về cách thức tối ưu để đảm bảo an ninh quốc gia của mình.

Nga dọa triển khai vũ khí hạt nhân nếu Thụy Điển, Phần Lan vào NATO

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Moscow sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm triển khai vũ khí hạt nhân.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm