Trong nhiều thập niên qua, Phần Lan và Thụy Điển nổi tiếng với chính sách trung lập. Khác với đa số thành viên Liên minh châu Âu (EU), hai quốc gia này không phải thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thậm chí, trung lập đã trở thành bản sắc của hai quốc gia trên. Trước năm 2022, các cuộc thăm dò dư luận tại Phần Lan đều cho thấy đa số người dân không mặn mà với việc gia nhập NATO. Thậm chí, trong cuộc khảo sát tháng 1 năm nay, khi quân đội Nga đã áp sát biên giới Ukraine, số người muốn gia nhập chỉ là 28%.
Dù vậy, sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, tình hình đã chuyển biến chóng mặt. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số người Phần Lan muốn gia nhập NATO đã lên tới 60%. Con số này ở Thụy Điển cũng đạt 51% trong một cuộc khảo sát đầu tháng 3, theo Reuters.
Phần Lan, Thụy Điển đang làm gì?
Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tại Thụy Điển của Thủ tướng Magdalena Andersson - vốn chủ trương giữ trung lập, không liên kết về quân sự - đã khởi động tranh luận về việc gia nhập NATO.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, “vị thế an ninh của Thụy Điển đã thay đổi về căn bản”, đảng này ra thông cáo. Tổng thư ký Tobias Baudin cho biết quá trình xem xét sẽ hoàn tất “trước mùa hè”.
Trong khi đó, Quốc hội Phần Lan sẽ nghe báo cáo an ninh quốc gia của chính phủ trong tuần này để quyết định có nộp đơn gia nhập NATO hay không. Theo Guardian, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có 6/200 nghị sĩ sẽ bỏ phiếu chống.
“Chúng tôi sẽ thảo luận cẩn thận, nhưng sẽ không tốn nhiều thời gian hơn mức cần thiết”, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói hôm 8/4. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ kết thúc thảo luận trước khoảng giữa mùa hè”.
Lý do của Phần Lan
Phần Lan có đường biên giới dài khoảng 1.340 km với Nga. Trong lịch sử, hai nước từng xảy ra xung đột. Điều này khiến người Phần Lan luôn nâng cao cảnh giác ở phần phía đông.
Trong Chiến tranh Lạnh, Phần Lan thực thi chính sách trung lập nổi tiếng và được các nhà quan sát phương Tây đặt cho tên gọi “Phần Lan hóa”. Với chính sách này, Helsinki cam kết không gia nhập NATO và chấp nhận chịu sự ảnh hưởng của Liên Xô cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Đổi lại, Phần Lan nhận được cam kết về an ninh và có thể lựa chọn con đường phát triển khác với nước láng giềng.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Phần Lan vẫn quyết định không gia nhập NATO. Cùng với đó, nước này thiết lập quan hệ đối tác với NATO và vẫn giữ lực lượng quốc phòng tinh, gọn, mạnh để tự vệ.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến người Phần Lan nghĩ lại về cách thức cần thiết để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa an ninh bên ngoài. Gia nhập NATO được nhiều người coi là lựa chọn cần thiết để tăng cường năng lực phòng thủ tập thể trong trường hợp đất nước bị tấn công.
Lý do của Thụy Điển
Khác với Phần Lan, Thụy Điển không có biên giới chung với Nga. Dù vậy, sự hiện diện của các tàu ngầm và tàu chiến Nga ở biển Baltic trong thời gian qua cũng khiến Stockholm lo ngại.
Giống như nước láng giềng, tư duy an ninh của Thụy Điển đã thay đổi đáng kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Điều này được thể hiện qua các phát ngôn của Thủ tướng Andersson về vấn đề gia nhập NATO.
Khi chiến sự mới bùng phát, bà tuyên bố việc giữ trung lập “đáp ứng tốt lợi ích của Thụy Điển”. Theo bà, việc nước này xin gia nhập NATO sẽ khiến tình hình thêm bất ổn và gia tăng căng thẳng.
Một thời gian sau, bà chuyển sang tuyên bố “sẵn sàng thảo luận” về chính sách này, trước khi cho biết Stockholm “không loại bỏ khả năng” gia nhập khối.
Các đảng cánh hữu tại Thụy Điển cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc gia nhập NATO. Dù vậy, đảng Xanh và đảng Cánh Tả - hai đảng ủng hộ chính phủ thiểu số của đảng Dân chủ Xã hội - vẫn bày tỏ nghi ngại trước quyết định này.
Hai nước cần làm gì để gia nhập?
Điều 10 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - cơ sở của NATO - quy định rõ điều kiện và cách thức các quốc gia có thể gia nhập khối.
Theo đó, các nước thành viên tiềm năng phải nằm ở châu Âu và cần nhận được sự chấp thuận của toàn bộ thành viên của khối nếu muốn gia nhập. Chỉ một quốc gia phản đối cũng có thể ngăn cản quá trình này.
Sau khi nộp đơn xin gia nhập, mỗi nước sẽ có một kế hoạch hành động riêng để có thể đáp ứng các điều kiện về quân sự, chính trị, kinh tế và pháp lý theo chuẩn NATO. Khi các yêu cầu được đáp ứng và toàn bộ thành viên chấp thuận, nghị định thư gia nhập hiệp ước sẽ được ký kết.
Theo EURACTIV, các nhà ngoại giao Phần Lan đang chia nhau tới thăm các thủ đô châu Âu. Mục tiêu của họ có thể là chuẩn bị cho quá trình gia nhập.
Hệ quả nếu hai nước gia nhập NATO
Với việc bổ sung Phần Lan và Thụy Điển, sức mạnh của NATO sẽ tăng đáng kể ở sườn đông bắc. Biên giới giữa khối này và Nga sẽ được nối liền từ Bắc Băng Dương tới biển Baltic tới Belarus.
Ngoài ra, dù chưa chính thức gia nhập, quân đội Phần Lan và Thụy Điển vẫn thường xuyên tập trận chung với quân đội các nước thành viên NATO, trong khuôn khổ quan hệ đối tác giữa NATO và hai quốc gia này.
Kinh nghiệm làm việc chung sẽ giúp Stockholm và Helsinki nhanh chóng hòa nhập và đóng góp tích cực cho khối, thay vì chỉ nhận sự bảo vệ mang tính một chiều.
Với các lợi ích trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ sự hoan nghênh nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập khối.
Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 11/4 cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan không nên gia nhập NATO vì động thái này sẽ không mang lại ổn định cho châu Âu, theo TASS. Dù vậy, Moscow chưa tiết lộ họ sẽ đưa ra biện pháp trả đũa nào nếu điều này được hiện thực hóa.