Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao dự án ĐH Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc vẫn ì ạch sau 20 năm?

Hơn 200 hộ được giao đất tái định cư (TĐC) nhưng do nơi TĐC còn thiếu điện, nước nên nhiều hộ dân vẫn sống trong dự án và không bàn giao mặt bằng.

DH Quoc gia Hoa Lac anh 1

Một số dự án thành phần trong Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đang triển khai.

Đi không được, ở không xong

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu TĐC cho Dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc cho thấy, dù đã bàn giao nhiều năm nhưng đường sá và hạ tầng kỹ thuật của khu vực này vẫn chưa hoàn thiện. Một số người dân thôn 5 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) cho biết, họ đã đề nghị hoàn thiện hạ tầng khu TĐC để người dân ổn định cuộc sống nhưng đến nay chưa triển khai thêm gì.

Ông Đông (thôn 5) cho biết, hiện người dân phải mua điện giá cao qua Ban quản lý dự án. Nước sạch chưa có, nước giếng không đảm bảo chất lượng. “Chính vì thế nhiều hộ gia đình đã chọn ở lại chỗ cũ”, ông Đông nói.

Theo tìm hiểu của PV, công tác xây dựng khu TĐC do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư từ năm 2007. Hiện có hơn 200 hộ được giao TĐC, 9 hộ dân đã xây dựng nhà ở khu vực này nhưng do thiếu điện, nước nên nhiều hộ dân vẫn sống trong dự án và không bàn giao mặt bằng, dù đã được cấp đất TĐC. Hiện có khoảng 100 hộ dân còn vướng mắc liên quan đến chế độ TĐC. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ĐHQGHN (Ban QLDA) tại Hòa Lạc đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất đề nghị đẩy nhanh tiến độ xét TĐC cho các hộ dân nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến.

Dự án ĐHQGHN nằm trên đất của huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây. Năm 2002, Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Với diện tích hơn 11,13 km2, ĐHQGHN là đại học rộng nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án bị chậm tiến độ và 20 năm sau (năm 2022), 2.000 sinh viên mới được chuyển lên đây học tập. Năm 2023, có 6.000 sinh viên học tập. Dự kiến, năm 2025, có 15 nghìn sinh viên học tập. Theo quy hoạch, ĐHQGHN đáp ứng nhu cầu học tập của 60.000 sinh viên.

Cần cơ chế đặc thù tháo gỡ cho dự án

Theo số liệu từ UBND huyện Thạch Thất, hết tháng 1/2024, dự án ĐHQGHN và các dự án thành phần triển khai trên địa bàn xã Thạch Hòa và xã Tiến Xuân giải phóng được khoảng 1.001,3/1.218,1ha đất các loại (đạt 82%), còn hơn 216,8ha đất chưa giải phóng mặt bằng (GPMB).Trong số diện tích còn lại chưa GPMB, riêng dự án ĐHQGHN còn hơn 109 ha.

Vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ GPMB là việc xác minh nguồn gốc đất của các hộ thuộc diện GPMB dẫn đến tình trạng một số hộ dân không đủ điều kiện giao đất TĐC. Trong trường hợp được xét TĐC còn vấn đề chênh lệch giá đầu đi - đầu đến, dẫn đến các hộ không đồng ý nhận tiền bồi thường hỗ trợ.

Để tháo gỡ, thời gian qua, UBND huyện Thạch Thất đã báo cáo vướng mắc trong công tác GPMB dự án gửi UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xin hướng dẫn.

Theo Ban QLDA, đến hết năm 2023, tỷ lệ giải ngân dự án đạt 28,3 tỷ/98,3 tỷ đồng, đạt 24% dự toán. Nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn GPMB chậm do công tác bồi thường, kiểm đếm, chi trả tiền cho các hộ dân chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung vào các vị trí ưu tiên. Thời gian từ khi kiểm đếm đến lúc các hộ dân nhận được tiền chi trả mất 3-4 tháng, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản trả lời UBND huyện Thạch Thất về giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Theo đó, đối với các trường hợp chỉ có quyết định giao đất, biên bản giao đất không có tên trong danh sách giao đất do Nông trường 1A lập tháng 6/2001, UBND huyện Thạch Thất rà soát các chính sách đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho dự án để thực hiện bồi thường hỗ trợ và tái định cư theo quy định.

Ban QLDA kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, xử lý dứt điểm các nội dung: Trả lời dứt điểm các kiến nghị của UBND huyện Thạch Thất về một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách trong công tác GPMB để làm cơ sở triển khai.

Liên quan đến thu hồi mặt bằng đối với các hộ dân đã nhận đủ chế độ và các hộ dân tái lấn chiếm, Ban QLDA đề nghị các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát thu hồi các phần diện tích này, tránh tình trạng tái lấn chiếm, gây lãng phí tài sản nhà nước và khó khăn khi thu dọn mặt bằng để triển khai thi công các công trình.

Dùng xăng đốt nhà khiến 4 người thương vong

Chiều 1/7, UBND xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ cháy nhà khiến một cháu nhỏ tử vong và 3 người bị thương.

Thứ trưởng Bộ GTVT: Mở rộng 5 tuyến cao tốc 2 làn xe là ưu tiên số một

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, mở rộng 5 tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên, Hòa Lạc - Hòa Bình, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Cam Lộ - La Sơn là ưu tiên số một.

'Thung lũng silicon' Hà Nội: Làm sao để thu hút nhân tài?

Được ví như “thung lũng Silicon” của Thủ đô và cả nước, nhưng 25 năm qua, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc chưa phát triển được như kỳ vọng.

https://tienphong.vn/sieu-du-an-dh-quoc-gia-ha-noi-tai-hoa-lac-hon-20-nam-van-vuong-mat-bang-post1621079.tpo

Trần Hoàng/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm