Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao dòng tiền ngoại rút mạnh khỏi chứng khoán Việt Nam?

Áp lực tỷ giá và các vấn đề về thương mại toàn cầu khiến nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để tìm nơi trú ẩn.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục trong tháng 5. Ảnh: ShutterStock.

Bất chấp những tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam gần một tháng trở lại đây, khối ngoại vẫn mạnh tay bán ròng khoảng 19.000 tỷ đồng trong tháng 5. Tính riêng trên HoSE, dòng tiền của các nhà đầu tư ngoại rút ròng xấp xỉ 15.600 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần giai đoạn tháng 4 và là giá trị bán ròng theo tháng cao nhất từ trước đến nay tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Sell in May” kinh hoàng

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Lê Minh Nguyên, Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân tại Chứng khoán Rồng Việt, đánh giá hiệu ứng “Sell in May” diễn biến mạnh mẽ trên thị trường trong tháng 5 với áp lực chủ yếu từ khối ngoại.

Mặc dù không chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị giao dịch trên thị trường (dưới 10%), động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng có tác động nhất định đến thị trường chung.

Dù vậy, dự báo trong ngắn hạn, vị chuyên gia tin rằng xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước đã và đang có nhiều giải pháp ổn định tỷ giá cũng như nâng nền lãi suất.

Tháng 5 vừa qua, khối ngoại có xu hướng cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa lớn ra khỏi danh mục. Trong đó, cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu quy mô bị bán ròng trong tháng với 4.774 tỷ đồng.

Trên thực tế, mã chứng khoán đại diện doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam đã liên tục bị bán bởi nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm.

bao cao rong viet,  bao cao vpbanks,  chuyen gia vpbanks,  khoi ngoai ban rong anh 1

Khối ngoại bán ròng với quy mô kỷ lục trong tháng 5. Ảnh: Finx.

Tính đến nay, khối ngoại đã bán ròng 10.400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu VHM. Dữ liệu từ HoSE cũng cho thấy tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty con của Vingroup đã thu hẹp từ 22,5% xuống 17,3%, tức room ngoại đang hở ra tới 32,7%, tương đương khối lượng 1,4 tỷ cổ phiếu.

Bên cạnh VHM, một số cổ phiếu bất động sản khác như VRE (Vincom Retail), VIC (Vingroup) hay KBC (Đô thị Kinh Bắc) cũng bị bán dữ dội hàng trăm tỷ đồng.

Với nhóm dịch vụ tài chính - ngân hàng, dòng tiền ngoại chuyển hướng khỏi CTG (-1.709 tỷ đồng), VPB (-809 tỷ đồng), HDB (-723 tỷ đồng), VND (-673 tỷ đồng), VCB (-628 tỷ đồng), SSI (-579 tỷ đồng), MBB (-521 tỷ đồng), VCI (-446 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào những mã chứng khoán có câu chuyện riêng, điển hình như MWG (+1.550 tỷ đồng) với câu chuyện vực dậy ngành bán lẻ, DBC (+672 tỷ đồng) với giá heo hơi tăng cao hay HVN (+483 tỷ đồng) với xu hướng hồi phục của ngành hàng không, du lịch.

Trước tâm lý bi quan, tiền ngoại vẫn chảy vào một số cổ phiếu như NLG (+328 tỷ đồng), NVL (+242 tỷ đồng), PVT (+151 tỷ đồng), POW (+101 tỷ đồng).

Khi nào tiền ngoại trở lại?

Chia sẻ thêm về phản ứng của khối ngoại, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS, cho rằng một trong những lý do quan trọng dẫn tới áp lực rút vốn mạnh không những ở Việt Nam mà còn ở quy mô khu vực châu Á, phần lớn đến từ độ trễ trong kỳ vọng Fed hạ lãi suất.

Tình trạng này ảnh hưởng đến diễn biến tăng giá của USD trong 5 tháng đầu năm, có lúc lên tới hơn 5%, và tác động lớn đến tỷ giá của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Sự chênh lệch lãi suất kéo dài cùng những bất ổn từ địa chính trị, thương mại gia tăng dẫn tới áp lực rút vốn của các dòng vốn carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) và tạo lực bán mạnh trên thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể đã rút một phần vốn khỏi Việt Nam để phân bổ sang các thị trường khác nhằm phòng ngừa rủi ro

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS

Nếu tính lũy kế từ đầu năm, lượng bán ròng trên toàn thị trường của khối ngoại đã lập đỉnh 2 năm, khoảng 32.739 tỷ đồng. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến diễn biến điều chỉnh của thị trường trong tháng 4 vừa qua.

Vị chuyên gia đánh giá đây là thời kỳ khá biến động khi cấu trúc dòng vốn toàn cầu đang thay đổi theo các chính sách điều hành của các ngân hàng trung ương.

Trước mắt, ECB đã có động thái hạ lãi suất. Còn với thị trường Mỹ, những chỉ báo hiện tại giúp giới đầu tư duy trì kỳ vọng về đợt giảm lãi suất có thể rơi vào cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay.

Hiện tại, tỷ giá trong nước đang dần hạ nhiệt và kỳ vọng có thể ổn định trở lại trong quý III. Trên cơ sở đó, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng có thể kỳ vọng khối ngoại sẽ giảm dần áp lực rút vốn và sớm quay trở lại mua ròng khi gần đến thời điểm Fed và các ngân hàng trung ương lớn hạ lãi suất.

Số lượng tài khoản chứng khoán cao kỷ lục

Trong tháng 5, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng thêm 132.220 đơn vị lên 7,9 triệu tài khoản, mức cao nhất từ trước đến nay.

Chứng khoán có vượt đỉnh trong tháng 6?

VN-Index có tháng 5 giao dịch tốt khi hồi phục trở về mức đỉnh cao nhất 2 năm. Tuy nhiên, chỉ số đang vấp phải áp lực chốt lời mạnh mẽ và chờ đợi động lực mới để bứt phá.

Chứng khoán đứt chuỗi tăng

Sau 3 phiên tăng liên tiếp, VN-Index mất chuỗi khi áp lực chốt lời kéo chỉ số lùi dưới tham chiếu. Thanh khoản tính riêng trên HoSE đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 8%.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm