Ông Aharon Barak trong văn phòng tại nhà của ông ở Tel Aviv hôm 7/5. Ảnh: New York Times. |
Căn hộ một phòng ngủ của Aharon Barak ở trung tâm Tel Aviv lẽ ra là nơi nghỉ hưu yên tĩnh sau sự nghiệp của ông với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp Israel và sau đó là thẩm phán Tòa án Tối cao.
Khi ông Barak, hiện 86 tuổi, chuyển từ Jerusalem đến ngôi nhà 13 năm trước, ông đã đặt bộ sưu tập gậy chống độc đáo của mình - hơn 200 chiếc - ở cửa trước. Ông treo những bức tranh sơn dầu của vợ trên tường. Và vợ ông, bà Elisheva, cũng 86 tuổi, đặt giá vẽ cạnh cửa trượt dẫn đến khu vườn nhỏ của ngôi nhà.
Nhưng bây giờ, nhà của ông Barak không thể gọi yên tĩnh, nói đúng hơn là đang bị bao vây, theo New York Times.
"Ông ấy là kẻ thù"
Trong những tuần gần đây, đám đông biểu tình thường xuyên tập trung trên con đường rợp bóng cây bên ngoài ngôi nhà để cáo buộc vị quan chức đã nghỉ hưu cách đây 17 năm, là tội phạm, thậm chí là kẻ thù của đất nước.
“Hãy nhìn xem, đây không phải những gì trong kế hoạch tuổi già của tôi”, ông Barak nói trong cuộc phỏng vấn vào tuần qua, ngay trước khi một cuộc biểu tình ồn ào khác bắt đầu bên ngoài tư gia. “Tình huống này nằm ngoài dự tính”, ông trải lòng.
Ông Barak là một người sống sót sau thảm họa Holocaust, và đã giúp hàn gắn hòa bình với Ai Cập. Những rắc rối ồn ào đang vây quanh ngôi nhà nghỉ hưu của ông bắt nguồn từ việc ông từng lãnh đạo và giúp trao quyền cho Tòa án Tối cao của Israel - một di sản mà chính phủ cánh hữu đang muốn đảo ngược.
Liên minh cầm quyền của đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đề xuất một cuộc đại tu tư pháp để trao cho chính phủ nhiều quyền kiểm soát hơn đối với việc lựa chọn các thẩm phán của tòa án, hạn chế ảnh hưởng của tòa án đối với Nghị viện và trao cho các nhà lập pháp quyền bác bỏ các phán quyết của tòa án.
Sau khi các cuộc biểu tình diện rộng đã thuyết phục được chính phủ tạm dừng đề xuất, nhà của ông Barak đã và đang trở thành tâm điểm phản đối của những người ủng hộ cuộc đại tu.
“Ông ấy là kẻ thù”, kỹ sư Hagai Himmelblau, 53 tuổi, một người biểu tình bên ngoài nhà của ông Barak, nói. “Hết cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác, cánh hữu đã thắng, nhưng chúng tôi không thể có quyền hành”, ông Himmelblau nói. “Ông ta là người đã bắt đầu mọi thứ và gây ra việc này”.
Những người biểu tình ủng hộ kế hoạch đại tu tư pháp của chính phủ, tập trung gần nhà của ông Barak. Ảnh: New York Times. |
Là một thẩm phán của Tòa án Tối cao trong 28 năm cho đến năm 2006, với 11 năm cuối cùng với tư cách là lãnh đạo cao nhất của cơ quan này, ông Barak đã tham gia vào nhiều quyết định gây tranh cãi nhất, bao gồm lệnh cấm hầu hết cơ quan an ninh sử dụng tra tấn và phán quyết chống lại các chính sách của chính phủ khiến người Ả Rập không thể sinh sống ở một số khu vực Do Thái.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Barak ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án; vào năm 1995, ông đã đưa ra một quyết định quan trọng giúp trao quyền cho Tòa án Tối cao bãi bỏ các luật mà tòa cho là vi hiến.
Kể từ đó, Tòa án Tối cao đã thực hiện điều đó 20 lần, từ chối cấp phép cho một số khu định cư của Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng - một động thái khiến phe ủng hộ khu định cư tức giận - và vô hiệu hóa luật miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho những người Do Thái Chính thống cực đoan.
Hai góc nhìn
Đối với nhiều người Israel thế tục, ông Barak là một biểu tượng cho việc cố gắng giữ cho Israel vừa là nước Do Thái vừa dân chủ, trong khi các thẩm phán bên ngoài nước này coi ông là người khơi nguồn cho sự độc lập tư pháp. Bà Elena Kagan, thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, mô tả ông Barak là “anh hùng tư pháp của tôi” .
Nhưng đối với những người Israel theo khuynh hướng cánh hữu, cũng như một số thẩm phán bảo thủ ở Mỹ, ông Barak đã đặt quá nhiều quyền lực vào tay một tòa án không qua bầu cử, gây bất lợi cho các nhà lập pháp được bầu cử dân chủ.
“Không có gì nghi ngờ về việc ông ấy là một luật gia vĩ đại”, Daniel Friedman, cựu Bộ trưởng Tư pháp Israel và là người chỉ trích ông Barak, nói trong một bộ phim tài liệu năm 2009 về vị thẩm phán. “Nhưng ông Barak coi các đạo luật của Quốc hội như một bản thảo thô cần được viết lại”, ông Friedman nói.
Ông Barak cho biết lý tưởng tư pháp của ông một phần được hình thành từ thời thơ ấu. Sinh năm 1936 tại Litva, ông Barak gần 5 tuổi khi binh lính Đức Quốc xã chiếm đóng thành phố Kovno của ông, nay là Kaunas. Binh lính Đức Quốc xã đã giết hàng nghìn người Do Thái và vây bắt hàng nghìn nạn nhân khác, bao gồm cả gia đình ông Barak, trong khu ổ chuột Kovno.
Ông Barak sống sót sau khi được giấu đưa đi trong một chiếc bao tải, đến một vùng khác của Kovno, và sau đó được những người nông dân Litva che chở. Ông cùng cha mẹ di cư đến Palestine vào năm 1947, một năm trước khi nhà nước Israel ra đời.
Những trải nghiệm đó đã dạy cho ông Barak ba điều: Sự cần thiết của một nhà nước Do Thái làm quê hương cho người Do Thái; Sự cần thiết của nhà nước đó để bảo vệ các quyền cá nhân, bao gồm cả quyền của các nhóm thiểu số không phải là người Do Thái; Và nhu cầu tòa án giúp giải quyết những căng thẳng không thể tránh khỏi giữa hai nguyên lý đầu tiên đó.
Ông Barak nói: “Công việc của tôi với tư cách là một thẩm phán, trong bất kỳ thời điểm nào, là tìm ra giải pháp phù hợp với cả hai bên”.
Phe cánh hữu nói rằng phép kiểm tra chéo đã khiến tòa án của ông Barak quá quan tâm đến quyền của người Palestine, và không đủ quan tâm đến an ninh của Israel, như khi tòa ngăn các sĩ quan tình báo dùng các phương pháp tra tấn thường nhắm vào người Palestine lúc thẩm vấn.
Những người cánh tả nói rằng tòa án của ông Barak thường quá bảo vệ cho hành động thái quá của Israel, như khi họ ủng hộ việc xây dựng một bức tường dài gần 725 km, để hạn chế việc người Palestine vào Israel từ Bờ Tây, chỉ yêu cầu những điều chỉnh rất nhỏ trong vấn đề này.
Quan điểm thông suốt của ông Barak về bản chất của quốc gia Do Thái cũng đã gây ra phản ứng dữ dội. Những người Do Thái cực đoan muốn cai trị Israel theo luật Do Thái.
Nhưng đối với ông Barak, một quốc gia Do Thái nên được định hình bởi khái niệm mềm mỏng hơn về các giá trị Do Thái, bao gồm cả những diễn giải về kinh thánh Do Thái cũng như ý tưởng của các nhà tư tưởng Do Thái thế tục.
Ông Barak nói trong cuộc phỏng vấn: “Kinh thánh là nguồn gốc của mối quan hệ của chúng tôi với đất nước này”.
“Nhưng, nó không phải là nguồn duy nhất", ông nhấn mạnh.
Gia đình sát cánh
Ông Barak xuất thân từ một gia đình luật gia. Cha ông là luật sư. Vợ ông, người ông gặp ở trường trung học, cũng là một thẩm phán nổi tiếng. Ba con gái và con trai của cặp đôi đều được đào tạo thành luật sư, và tất cả đã tập trung tại căn hộ của cha mẹ mình để thể hiện sự ủng hộ, khi người biểu tình vây quanh ngôi nhà những ngày gần đây.
Ông Barak trong phòng khách với các con. Ảnh: New York Times. |
Sau khi dành phần đầu sự nghiệp với tư cách là một giáo sư luật, ông Barak bắt đầu hoạt động chính trường vào năm 1975, khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Thủ tướng Yitzhak Rabin.
Tuy nhiên, sau đó ông Barak đã truy tố vợ của ông Rabin, bà Leah, sau khi có thông tin cho rằng bà có một tài khoản ngân hàng ở Mỹ, điều này là bất hợp pháp vào thời điểm đó theo luật của Israel. Vụ việc đã buộc ông Rabin phải từ chức và góp phần mang lại chiến thắng trong cuộc bầu cử sau đó cho Likud, đảng cánh hữu mà ông Netanyahu lãnh đạo hiện nay.
Ông Menachem Begin, lãnh đạo của Likud khi đó, đã chỉ định ông Barak làm nhà đàm phán trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Trại David năm 1978 với Ai Cập. Tổng thống Mỹ lúc đó Jimmy Carter cho rằng việc ký kết hiệp ước hòa bình sau đó - hiệp ước đầu tiên của Israel với một quốc gia Ả Rập - một phần là nhờ công sức của ông Barak.
“Người hùng ở Trại David, trong toàn bộ quá trình, là Aharon Barak”, ông Carter.
Ông Barak chào đón con gái Tamar về nhà. Ảnh: New York Times. |
Được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao năm 1978, ông Barak đã giúp tăng dần các loại vụ án do tòa án này xét xử, ông thường lập luận rằng nếu không có sự can thiệp của tư pháp, chính phủ sẽ luôn có ưu thế hơn cá nhân.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cảm thấy ông Barak đã đi quá xa vào những năm 1990, khi ông giúp dẫn dắt quy trình giúp các thẩm phán của tòa án đôi khi bác bỏ giới lập pháp.
Chính Nghị viện đã khơi mào quá trình đó bằng cách thông qua luật quy định các quyền cơ bản của con người. Với hành động đó, các nhà lập pháp thừa nhận rằng tòa án bây giờ sẽ cần phải hủy bỏ các luật trong tương lai vi phạm quyền đó. Nhưng ông Barak, vào năm 1995, đã viết một trong những quyết định mang tính bước ngoặt khẳng định khả năng bác bỏ đó của tòa án.
“Tôi có viết nên một trang mới trong lịch sử pháp lý của chúng tôi hay không?”, ông Barak nêu lên suy nghĩ trong bài phát biểu khi nghỉ hưu vào năm 2006. “Chỉ có lịch sử mới trả lời được điều đó”.
Giờ đây, kế hoạch đại tu của chính phủ làm cho câu hỏi đó ít mang tính giả thuyết hơn.
Một số người sẽ nói rằng ông Barak đã “viết một phần chứ không viết cả trang”, ông Barak cho hay, trong khi những người khác sẽ nói “ông ấy đã viết quá nhiều trang”.
Những người Israel phản đối cuộc đại tu tư pháp cũng biểu tình gần nhà của ông Barak. Ảnh: New York Times. |
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.