Theo CNN, Israel đã tấn công vào phong trào Hồi giáo Hamas và nhóm vũ trang Hezbollah tại miền Nam Lebanon và dải Gaza vào hôm 6/4 để trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa lớn nhất từ Lebanon vào quốc gia Do Thái này kể từ năm 2006.
Các cuộc tấn công được thực hiện sau khi cảnh sát Israel 2 lần đột kích bằng vũ lực vào đền thờ Hồi giáo Jerusalem chỉ trong 24 giờ vào ngày 5/4.
Cho đến nay vẫn chưa có trường hợp thiệt mạng nào được ghi nhận sau các cuộc tấn công tại cả Israel, Lebanon và dải Gaza.
Tuy nhiên, tại các thành phố của Israel và những khu dân cư lân cận, tình trạng bạo lực vẫn diễn ra trong những ngày sau đó. Vào hôm 7/4, một vụ xả súng đã xảy ra nhằm vào một nhóm người dân tại một khu định cư ở Bờ Tây khiến 2 chị em người Israel gốc Anh thiệt mạng và khiến mẹ của 2 em bị thương nặng.
Phong trào Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo đã gọi vụ tấn công là "một chiến dịch anh dũng".
Các vụ tấn công cũng xảy ra trong bối cảnh xã hội Israel đang trải qua giai đoạn bất ổn do những cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp được Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất. Theo Guardian, ngoài ra, các vụ việc trên cũng diễn ra vào tháng lễ Ramadan thiêng liêng của đạo Hồi giáo với tình trạng bạo lực ở khu vực Bờ Tây luôn ở mức cao trong những tháng trước đó.
"Hiện trạng" khó giữ
Khu vực đền thờ al-Aqsa, được người Hồi giáo gọi là Al Haram Al Sharif, là địa điểm linh thiêng thứ 3 trong Hồi giáo và cũng là nơi linh thiêng nhất đối với các tín đồ Do thái.
Hiện tại, đền thờ al-Aqsa và những khu vực lân cận thuộc về khu phố cổ ở phía đông thành phố Jerusalem. Đây là khu vực do Israel kiểm soát và được quốc gia này chiếm vào năm 1967. Israel coi toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của nước này.
Một thỏa thuận chung nhấn mạnh việc "giữ nguyên hiện trạng" giữa Israel và Jordan đang giúp phân chia quyền quản lý thành phố này.
Các cuộc đột kích hôm 5/4 của lực lượng an ninh Israel tại đền thờ al-Aqsa là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực bùng phát trong những ngày qua. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ông Mairav Zonszein, nhà phân tích cấp cao về quan hệ Israel - Palestine tại tổ chức Khủng hoảng Quốc tế tại thủ đô Brussel (Bỉ) cho biết những chi tiết cụ thể của thỏa thuận thường xuyên thay đổi.
Các cuộc đột kích của lực lượng an ninh Israel vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa được tín đồ của tôn giáo này coi là những hành động khiêu khích nghiêm trọng, khiến tình hình có thể leo thang thành cuộc xung đột nghiêm trọng.
Một cuộc đột kích vào đền al-Aqsa đã dẫn đến cuộc chiến năm 2021 giữa phong trào Hamas và Israel.
Theo thỏa thuận "giữ nguyên hiện trạng", Jordan là quốc gia nắm quyền kiểm soát khu vực đền thờ al-Aqsa. Tuy nhiên, lực lượng an ninh Israel lại kiểm soát toàn bộ miền Đông Jerusalem.
Trả lời CNN, bà Francesca Albanese, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng cho biết các lực lượng an ninh Israel thường xuyên đột kích vào địa điểm linh thiêng của cộng đồng Hồi giáo trong tháng lễ hội Ramadan.
Tuy nhiên, những cuộc đột kích năm nay xảy ra trong bối cảnh căng thẳng và tình trạng bạo lực giữa người dân Israel và Palestine đang ở mức cao chưa từng thấy.
Những lời kêu gọi tín đồ Hồi giáo ở lại qua đêm tại thánh địa này đã tăng lên sau khi những nhóm Do Thái cực đoan khuyến khích những thành viên của mình thực hiện lễ hiến tế dê tại đền thờ này. Đây là một truyền thống cũ trong ngày lễ Vượt qua của người Do Thái - cùng thời điểm với lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Cảnh sát Israel cho biết đã xông vào al-Aqsa sau khi "hàng trăm người tiến hành bạo loạn và cố thủ trong đền thờ". Lực lượng này cho hay sau khi các sĩ quan tiến vào đền thờ, họ đã bị những người "gây hấn" tấn công bằng đá và pháo hoa.
Trong khi đó, những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội hôm 5/4 lại cho thấy cảnh sát Israel dùng gậy đánh những người Hồi giáo trong đền thờ cũng như đập phá cửa sổ, cửa ra vào, dùng súng bắn đạn cao su và đạn hơi cay.
Quân đội Israel tiến hành không kích các mục tiêu tại dải Gaza hôm 6/4. Ảnh: Reuters. |
Cuộc đột kích đã gây ra sự phẫn nộ lớn trong cộng đồng người Arab và khiến Israel gặp phải những chỉ trích từ đồng minh thân cận là Mỹ.
Mặc dù thỏa thuận quản lý chung không nghiêm cấm tín đồ Hồi giáo ở lại qua đêm tại al-Aqsa, trả lời CNN, người phát ngôn lực lượng cảnh sát Israel Dean Elsdunne cho biết "người Hồi giáo không được ở lại trong khu vực này".
Theo ông Zonszein, đã có một "thỏa thuận ngầm" với chính phủ Jordan về việc tín đồ Hồi giáo không ở lại qua đêm tại thánh địa này và nhiều khả năng chính quyền Palestine sẽ không đồng ý nếu những điều khoản này được công khai.
Trong truyền thống, vào tháng Ramadan, người hồi giáo sẽ tụ tập tại đền thờ trong đêm để thực hiện nghi lễ có tên "itikaf".
"Theo thời gian, nghi lễ này trở thành một công cụ nữa của sự tranh chấp. Chính quyền Israel bắt đầu cấm nghi lễ itikaf khi phát hiện ra nó có thể tạo ra sự bất hòa với cộng đồng người Do thái tại quốc gia này", ông Zonszein trả lời CNN.
Truyền thông Israel cho biết những người không phải tín đồ Hồi giáo sẽ bị cấm vào đền thờ này trong 10 ngày cuối của tháng Ramadan, giống với những năm trước đó.
Tuy nhiên, sau các cuộc đột kích ngày 5/4, Waqf, cơ quan quản lý những thánh địa Hồi giáo tại thành phố Jerusalem do Jordan bổ nhiệm, cho biết đền thờ al-Aqsa sẽ tiếp tục mở cửa cho những người cầu nguyện muốn thực hiện lễ itikaf trong suốt tháng này.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Theo Guardian, quân đội Israel đã rất cẩn thận trong việc chọn mục tiêu trả đũa nhằm tránh để tình trạng căng thẳng với nhóm vũ trang Hezbollah vượt khỏi tầm kiểm soát.
Mặc dù các mối đe dọa an ninh thường có tác dụng thống nhất xã hội Israel, nhiều người lo ngại một hành động quân sự quá mức có thể sẽ phản tác dụng.
Hiện trường vụ tấn công bằng ôtô tại thành phố Tel Aviv của Israel hôm 7/4 khiến một người thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Ảnh: Reuters. |
"Người dân luôn ủng hộ những động thái đáp trả quân sự bước đầu của Israel", ông Chuck Freilich, cựu phó cố vấn an ninh tại Israel và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh (INSS) cho biết.
"Hy vọng rằng chính phủ Israel sẽ cố gắng để hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, tôi không chắc rằng họ sẽ thành công. Bên cạnh đó, cả phong trào Hamas và nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon nhiều khả năng sẽ tận dụng tối đa việc xã hội Israel đang rối loạn", ông Freilich nhận định.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.