Các cuộc đột kích của cảnh sát Israel vào nhà thờ Hồi giáo linh thiêng nhất Jerusalem, các chiến dịch quân sự chống lại chiến binh ở Bờ Tây và những bình luận chống Palestine của quan chức Tel Aviv bị các nhà lãnh đạo Arab lên án - những diễn biến này đang "giội gáo nước lạnh" vào nỗ lực của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng Trung Đông.
"Đóng băng"
Khi ông Netanyahu trở lại chiếc ghế quyền lực vào tháng 12/2022, vị thủ tướng tuyên bố ưu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia, sau khi Israel bình thường hóa quan hệ vào năm 2020 với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và ba quốc gia khác có đa số dân theo đạo Hồi, qua các thỏa thuận được gọi là Hiệp định Abraham.
Đầu năm nay, các nhà lãnh đạo Israel bày tỏ sự lạc quan rằng họ có thể ký một thỏa thuận cùng Riyadh trong vòng vài tháng, với sự giúp đỡ từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, vì những lo ngại về an ninh đối với Iran đã đưa các nước Arab xích lại gần Israel hơn.
Tuy nhiên, các quan chức Israel và vùng Vịnh hiện nay cho rằng mối quan tâm của Saudi với việc cởi mở đón nhận Israel đã nguội lạnh khi bạo lực giữa người Palestine và Israel gia tăng và liên minh cánh hữu của ông Netanyahu thúc đẩy xây dựng thêm nhiều ngôi nhà của người Do Thái trên vùng đất ở Bờ Tây mà người Palestine coi là một phần của quốc gia độc lập của họ.
Lửa và khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel ở Dải Gaza hôm 7/4. Ảnh: Zuma Press. |
Một quan chức Israel nói với Wall Street Journal: “Tình hình đã làm nguội lạnh những nỗ lực nhiệt thành”.
Trong khi sự hợp tác thầm lặng giữa Israel và Saudi Arabia về an ninh, tình báo và quan hệ kinh doanh vẫn tiếp tục, những nỗ lực mở rộng quan hệ với vương quốc vùng Vịnh hùng mạnh và các quốc gia Hồi giáo khác đã chậm lại, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bất mãn của Saudi là hàng loạt chỉ trích công khai đối với Israel được đưa ra kể từ khi Thủ tướng Netanyahu nhậm chức vào tháng 12/2022.
Cho đến nay, Riyadh lên án thẳng thừng các hành động của Israel trong hàng loạt vấn đề, từ việc mở rộng khu định cư ở Bờ Tây cho đến những nhận xét gây tranh cãi của một bộ trưởng kêu gọi phá hủy hoàn toàn ngôi làng của người Palestine ở tâm điểm làn sóng bạo lực gần đây.
Năm 2022, Saudi Arabia chỉ lên án Israel trong hai trường hợp.
“Tiến trình bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia lúc này đang bị đóng băng. Israel đã quá hy vọng tiến trình này sẽ xảy ra nhanh chóng”, ông Sanam Vakil, giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, tổ chức tư vấn có trụ sở ở London, nhận định.
Sự lên án thẳng thừng hiếm thấy
Các quan chức Israel cho biết họ không còn nghĩ rằng có thể đảm bảo một thỏa thuận cho phép người Hồi giáo bay thẳng từ Israel đến Saudi để dự cuộc hành hương Hajj linh thiêng đến Mecca vào mùa hè này. Họ đã đặt nhiều kỳ vọng vào mục tiêu sẽ có chuyến bay đầu tiên trong năm nay.
Những người tham gia vào các cuộc thảo luận tiết lộ rằng giới chức Mỹ đã cố gắng đứng ra làm trung gian nhưng các bên vẫn không thể đi đến một thỏa thuận như vậy vào mùa hè năm ngoái khi Tổng thống Biden công du Trung Đông, và những nỗ lực mới trong năm nay cũng không thành công.
Biến động chính trị trong nước về một cuộc đại tu tư pháp do Thủ tướng Netanyahu thúc đẩy đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình rầm rộ và kéo mọi sự chú ý rời khỏi những nỗ lực trung gian cho một thỏa thuận với Saudi Arabia.
Ông Ron Dermer, cựu Đại sứ Israel tại Washington, là nhân vật được chỉ định dẫn dắt các cuộc đàm phán với Saudi Arabia. Ông cũng là “kiến trúc sư” chủ chốt của Hiệp định Abraham. Vậy nhưng, Thủ tướng Netanyahu lại đang yêu cầu ông tập trung vào những rắc rối trong nước.
Nhà lãnh đạo Israel coi việc mở rộng quan hệ với các quốc gia Arab và Hồi giáo là mục tiêu then chốt có thể thúc đẩy nỗ lực của Israel nhằm ngăn chặn tham vọng quân sự của Iran và giảm sự ủng hộ toàn cầu đối với việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Với sự hỗ trợ rộng rãi của Mỹ, Israel đã phát triển mối quan hệ kinh tế và quân sự mạnh mẽ hơn với UAE, Morocco và Bahrain, kể từ khi các nước này ký thỏa thuận bình thường hóa với ông Netanyahu vào năm 2020.
Năm ngoái, Israel đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cấp cao với sự tham gia của các nhà ngoại giao hàng đầu từ Mỹ, Ai Cập, Bahrain, Morocco và UAE trong nỗ lực thắt chặt mối quan hệ. Tuy nhiên, kế hoạch cho một cuộc nhóm họp thứ hai như vậy trong năm nay ở Morocco vẫn chưa thực hiện được, khiến tiến trình này bị mất đà.
Israel đã đạt được những bước tiến lớn nhất trong mối quan hệ với UAE, quốc gia có phần hào hứng hơn cả khi đón nhận mối quan hệ mới. Song, ngay cả mối liên kết đó cũng đang gặp thách thức vì chính phủ mới của Israel.
Hai tuần trước, UAE cử một phái viên hàng đầu tới Israel để gửi lời cảnh báo riêng tới ông Netanyahu, rằng các hành động của chính phủ của ông đang gây ra những căng thẳng mới cho mối quan hệ chớm nở.
Nguồn thạo tin tiết lộ rằng các quan chức Israel chia sẻ họ ghi nhận thực tế rằng thông điệp được gửi bởi ông Khaldoon Al Mubarak, quan chức cấp cao của Abu Dhabi thân cận với gia đình cầm quyền, người đứng đầu nhiều tổ chức của UAE, bao gồm một trong những quỹ lớn nhất nước này Mubadala Investment Co. Quỹ này đã đầu tư một tỷ USD vào ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên của Israel.
Khaldoon Al Mubarak, quan chức cấp cao của Abu Dhabi. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Netanyahu đã cử một phái đoàn đặc biệt tới Abu Dhabi trước khi ông trở lại ghế thủ tướng vào tháng 12/2022 và khẳng định ông muốn thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng tới UAE.
Ban đầu UAE đồng ý, nhưng chuyến đi đã bị hủy bỏ sau khi Bộ trưởng An ninh quốc gia mới của ông Netanyahu, Itamar Ben-Gvir, đến thăm nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa và khu phức hợp Núi Đền ở Jerusalem, nơi ông muốn thay đổi các quy tắc lâu đời nhằm cho phép những người theo đạo Do Thái được cầu nguyện công khai.
Vẫn còn hy vọng
Vùng đất cao nguyên khoảng 15 hecta ở trung tâm thành phố cổ Jerusalem (còn được gọi là Old City) được cho là vấn đề nan giải nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Đây là nơi linh thiêng nhất đối với người Do Thái vì là địa điểm từng có hai ngôi đền bị phá hủy. Trong khi đó, Kinh Qur'an của đạo Hồi nói rằng đây là nhà tiên tri Muhammad đã bay lên, khiến nó trở thành thánh địa linh thiêng nhất đối với người Hồi giáo bên ngoài Saudi Arabia.
Khi Israel chiếm giữ địa điểm này trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, họ đã trao quyền kiểm soát vùng đất đó cho Jordan.
Một số phần tử cực đoan Israel muốn phá hủy nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa và Mái vòm đá bằng vàng nằm trên cao nguyên để có thể xây dựng một ngôi đền Do Thái mới. Điều đó khiến cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng sự kiểm soát của Israel và sự thờ phụng của người Do Thái tại địa điểm này đều là một động thái kích động.
Chính phủ liên minh cánh hữu của Israel đã thúc đẩy xây dựng thêm những ngôi nhà của người Do Thái trên đất Bờ Tây. Ảnh: AP. |
UAE công khai lên án hành động của ông Ben-Gvir - và đó là phản ứng chống đối đầu tiên trong số nửa tá cuộc chỉ trích như vậy trong ba tháng qua.
Shibley Telhami, thành viên cấp cao của Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings, nhận định: “Các nước Arab đang kéo chậm lại. Điều đó không có nghĩa là họ sẽ thay đổi quyết định chiến lược đối với Israel, nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ ‘hãm phanh’”.
Tiến sĩ Moran Zaga, nhà nghiên cứu chuyên về UAE tại Đại học Haifa, cho biết UAE có những mối quan tâm lớn hơn trong khu vực, đặc biệt là trong việc chống lại Iran, khiến mối quan hệ đối tác với Israel trở thành ưu tiên ngày càng lớn.
“Israel có tầm quan trọng chiến lược đáng kể đối với UAE và đó là lý do tại sao một mặt các hành động tức thời hoặc lời lẽ gay gắt có thể gây khó chịu, nhưng sẽ không có khả năng thay đổi bộ khung tổng thể của quá trình bình thường hóa giữa UAE và Israel”, nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.