Sáng 2/6, ngay sau khi Công Phượng mang hành lý rời Incheon về hội quân tuyển Việt Nam dự King’s Cup, trang chủ Incheon United đăng thông báo xác nhận: Công Phượng chia tay đội bóng. Ít giờ sau, Fanpage chính thức của Incheon bỏ theo dõi Công Phượng trên mạng xã hội.
Rất nhanh, rất bất ngờ, không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước, mối tình giữa Incheon và Công Phượng kết thúc chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, khác hẳn sự rộn ràng ngày Công Phượng ra mắt đội bóng.
Cầu thủ mang áo số 10 của tuyển Việt Nam rời Incheon khi chưa kịp để lại bất kỳ dấu ấn đáng kể nào về chuyên môn. Đây là chuyến xuất ngoại thất bại thứ 2 trong sự nghiệp của Công Phượng, là lần thất bại thứ 4 của bầu Đức kể từ khi lứa 1995 “hạ sơn” hồi năm 2015.
Công Phượng thất bại ở Incheon và chia tay CLB sau chỉ 4 tháng. Ảnh: Incheon. |
Công Phượng chưa từng là mục tiêu hàng đầu
Ngày 11/2, không lâu sau khi thông tin Công Phượng gia nhập Incheon được thông báo, báo thể thao Sport Seoul tiết lộ mục tiêu theo đuổi ban đầu của đội bóng Hàn Quốc là Nguyễn Quang Hải.
Incheon đặc biệt ấn tượng với màn trình diễn của Quang Hải tại các giải đấu châu lục và đã liên hệ với số 19. Nhưng thời điểm ấy, Quang Hải đang nhận được những đề nghị từ Đan Mạch và Tây Ban Nha. Phía Quang Hải cũng muốn đặt châu Âu làm ưu tiên lớn hơn trong các kế hoạch của mình.
Không thể thuyết phục Quang Hải, Incheon tìm tới Công Phượng. Mối quan hệ thân mật với HAGL và sự hỗ trợ của HLV Park Hang-seo giúp họ nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Suốt thời gian ở Incheon, Công Phượng thi đấu 8 trận nhưng vào sân từ ghế dự bị 5 lần. Anh đá tổng cộng 352 phút tại K.League và chỉ là lựa chọn thứ 4 trên hàng công. Từng ấy thời gian thi đấu không nhiều nhưng không hề ít. Tuy nhiên, Công Phượng không thể để lại dấu ấn đáng kể nào, không có bàn thắng, không có kiến tạo trong tất cả trận chính thức.
Dù vậy, vấn đề không chỉ đến từ Công Phượng. Số 10 của tuyển Việt Nam đến Incheon vào thời điểm tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây của đội bóng. HLV Jorn Andersen - người trực tiếp theo dõi Phượng ở Asian Cup và quyết định chiêu mộ anh - bị sa thải sau 7 vòng đấu.
Trong CLB không có thông dịch viên tiếng Việt sao? Tôi muốn nói chuyện với Công Phượng.
HLV Yoo Sang-Chul
Trong những buổi tập đầu tiên, ông Yoo hỏi thẳng: “Trong CLB không có thông dịch viên tiếng Việt sao? Tôi muốn nói chuyện với Công Phượng”.
Với một tân binh, điều quan trọng nhất là sự ổn định của CLB chủ quản. Không may, Phượng chẳng có điều đó. Anh lần đầu thi đấu tại Hàn Quốc, phải làm việc với 2 HLV, 2 triết lý khác nhau trong thời gian ngắn. Anh có mặt đúng thời điểm Incheon chơi tệ. Càng chơi tệ, đội bóng càng khát điểm. Càng khát điểm, họ càng thiếu kiên nhẫn. Càng thiếu kiên nhẫn, cơ hội cho cầu thủ mới như Phượng càng ít.
Quan trọng hơn, cả HLV Andersen và ông Yoo đều không thể định hình cho Incheon một lối đá rõ ràng. Rất nhiều trận, Công Phượng đá tiền đạo hoặc hộ công nhưng phải lùi về tận sân nhà để lấy bóng. Rất nhiều tình huống, anh phải nhận bóng trong thế quay lưng. Rất nhiều lần, Phượng di chuyển tốt nhưng đồng đội không chuyền.
Bối cảnh khách quan mang tới quá nhiều khó khăn cho Công Phượng.
Xuân Trường (giữa) là cầu thủ HAGL duy nhất còn đang chơi bóng tại nước ngoài. Ảnh: Buriram. |
Chiến lược của HAGL có vấn đề?
Công Phượng là cầu thủ thứ 2 của HAGL thi đấu tại Incheon trong những năm qua. Trước Phượng, đồng đội Lương Xuân Trường từng thất bại tại Incheon hồi năm 2016.
“Phải nhanh hơn, dồn sức hơn nữa. Hãy chú ý tới tốc độ”, HLV Incheon đã hét lên với Phượng như thế trong một buổi tập. 3 năm sau ngày Xuân Trường thất bại tại đây, một cầu thủ HAGL khác tiếp tục gặp vấn đề tương tự. Họ đều thể lực kém, tốc độ không đủ, xử lý bóng chậm chạp, bối rối trước lối chơi đầy sức mạnh của K.League.
Sự khác biệt ấy là điều rất dễ nhận ra. BLV của SPOTV từng nhận xét: “Công Phượng hợp với bóng ngắn của Việt Nam trong khi Incheon United lại thích sử dụng bóng dài. Công Phượng rõ ràng không phù hợp với lối đá đang áp dụng cho Incheon”.
Ai cũng nhận ra điều đó. Còn HAGL thì sao?
Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng là 3 cầu thủ Gia Lai đã chơi bóng ở các giải đấu đỉnh cao vài năm qua. Họ từng đá tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Đó là 3 quốc gia khác nhau với 3 trình độ, 3 phong cách hoàn toàn khác biệt. Điều đó cho thấy HAGL không hề có một chiến lược rõ ràng, không nhắm tới một thị trường cụ thể. Cầu thủ của họ vì thế không tìm được một bến đỗ phù hợp, không có môi trường vừa sức để phát huy năng lực.
So với bóng đá Việt Nam, người Thái xuất khẩu cầu thủ hiệu quả hơn rất nhiều. Ảnh: Minh Chiến. |
Có tình cờ không khi cầu thủ Gia Lai cuối cùng còn chơi bóng tại nước ngoài đang đá ở Thái Lan - nền bóng đá gần gũi nhất với Việt Nam, đang chơi cho một đội bóng ban bật, chuyền ngắn là Buriram?
Thử lấy bóng đá Thái Lan làm ví dụ. Sau thành công của Chanathip Songkrasin tại Consadole Sapporo hồi năm 2017, người Thái đồng loạt hướng về Nhật Bản. Mùa 2018, đội trưởng, đội phó và ngôi sao lớn nhất tuyển Thái đều ở J.League. Sang năm 2019, người Thái có 5 cái tên đang đá tại Nhật Bản.
So với HAGL, người Thái xuất ngoại muộn hơn nhưng họ có đích đến rõ ràng, có chiến lược dài hạn. Họ hiểu điểm mạnh của cầu thủ Thái, hiểu điều đối tác cần. Họ xuất ngoại ít nhưng chất, chỉ tập trung vào một điểm đến. Chiến lược rõ ràng giúp cầu thủ Thái có xác suất đá chính ở nước ngoài cao hơn hẳn Việt Nam.
Không có những điều đó, Công Phượng thất bại ở Incheon là điều dễ hiểu.