Dư luận Quảng Ngãi những ngày qua xôn xao việc 4 con lãnh đạo Quảng Ngãi được địa phương chi tiền cho đi du học nước ngoài nhưng không về tỉnh làm việc. Những người này bị buộc bồi hoàn gấp đôi kinh phí đã chi với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.
Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Zing.vn đã liên hệ với phía gia đình các du học sinh để tìm câu trả lời.
Không làm việc vì khó phát triển sự nghiệp
Bốn người du học nhưng không về làm việc tại Quảng Ngãi như cam kết đều là con của người đứng đầu các đơn vị của tỉnh này, gồm con của nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi.
Trao đổi với Zing.vn ngày 13/12, ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi, nói rằng sau khi con gái du học trở về, vợ chồng ông nhiều lần động viên, khuyên con về tỉnh làm việc. Tuy nhiên con gái ông Chánh xin cha mẹ vào TP.HCM tìm cơ hội việc làm vì ở địa phương khó phát triển sự nghiệp.
Giờ đây, con gái Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi đã mở công ty kinh doanh riêng, cam kết trả lại tiền cho tỉnh trong vòng 2 năm. "Trong bản kiểm điểm cá nhân năm nay, tôi cũng nhận một phần thiếu sót, phần lỗi do chưa giáo dục con chấp hành cam kết của tỉnh”, ông Chánh nói.
Còn Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho hay sau khi tốt nghiệp về nước, con trai ông nộp hồ sơ chờ địa phương bố trí công việc. Do đợi lâu quá nên con trai ông rời quê tiếp tục học tập lấy thêm bằng cấp. "Hiện con tôi làm việc ở TP.HCM và cam kết sẽ trả dần số tiền ngân sách cho tỉnh", vị lãnh đạo này bày tỏ.
Sở Nội vụ Quảng Ngãi, cơ quan chịu trách nhiệm thu hồi số tiền bồi hoàn của 4 trường hợp con lãnh đạo tỉnh đi du học không về địa phương công tác. Ảnh: Minh Hoàng. |
Cũng có con nằm trong số 4 trường hợp này, ông Phạm Thanh Hải, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nói rất buồn khi con gái là Phạm Thị Mỹ Hạnh không về tỉnh làm việc.
Ông Hải nói giữa năm 2017 có nhận được công văn của Sở Nội vụ yêu cầu Hạnh nộp hồ sơ để phân công công tác. Lúc này, con gái ông Hải đang học thêm sư phạm ngoại ngữ ở TP.HCM để định về giảng dạy tại một trường đại học ở Quảng Ngãi. Nhưng rồi Hạnh trúng tuyển vào một ngân hàng.
"Tôi có viết đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND, HĐND và Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi trình bày nguyện vọng của con. Nếu không được chấp nhận sẽ về quê nhận nhiệm vụ”, ông Hải nói và phân trần rằng sau đó, ông không nhận được văn bản trả lời từ phía tỉnh nên cứ nghĩ địa phương đã xem xét hoàn cảnh cho ở lại TP.HCM làm việc.
Ông Nguyễn Chín, nguyên Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cũng xác nhận gia đình đã nhận được quyết định từ Sở Nội vụ Quảng Ngãi yêu cầu con gái ông là Lê Ngọc Hà nộp lại gần 2,4 tỷ đồng.
Khác với 3 trường hợp trên, con gái ông Chín sau khi về nước được bố trí làm việc tại Sở Tài chính Quảng Ngãi. Sau thời gian ngắn, chị Hà theo chồng vào TP.HCM và được UBND tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo Sở Nội vụ cho phép chuyển công tác.
“Sở Nội vụ Quảng Ngãi thu hồi gấp đôi số tiền hỗ trợ cho con tôi đi du học như vậy là không hợp lý. Vì con tôi đã về tỉnh làm việc, trước khi chuyển công tác vào TP.HCM, gia đình đã xin và nhận được sự đồng ý của UBND tỉnh và Sở Nội vụ. Tuy nhiên con tôi hứa sẽ hoàn trả lại số tiền cho ngân sách theo đúng cam kết ban đầu”, ông Chín lý giải.
Theo ông Chín không có văn bản nào của Chính phủ quy định thu gấp đôi số tiền hỗ trợ đi du học như quyết định của Sở Nội vụ Quảng Ngãi. Theo nguyên trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, việc ra quyết định như Sở Nội vụ Quảng Ngãi là sai quy định của cấp trên.
Phải hoàn trả tiền nếu không làm việc đủ 5 năm
Về thắc mắc của ông Chín, ông Trần Văn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi, nói: "Anh Chín có gặp trực tiếp nói với tôi tạo điều kiện cho con gái chuyển công tác, theo chồng vào TP.HCM. Thời điểm đó, anh ấy là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi nên anh em nể nang nhau tạo điều kiện, chứ về nguyên tắc thì không được".
Theo ông Thanh, quyết định 89 của UBND tỉnh về Đề án đào tào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 ghi rõ các trường hợp đi du học không trở về địa phương, gắn bó công tác từ 5 đến 7 năm sẽ phải trả gấp đôi chi phí ngân sách đã chi trả.
"Thời điểm đó, công chức hay sinh viên đi học thạc sỹ nước ngoài, ai cũng ký bản cam kết trở về địa phương làm việc theo quyết định 89 do UBND tỉnh ban hành. Giờ đây, con gái của anh Chín trở về tỉnh làm việc không đúng thời gian như cam kết ban đầu thì phải chấp hành nộp gấp đôi chi phí ngân sách đã chi trả theo đúng quy định của địa phương", ông Thanh nhấn mạnh.
Phóng viên Zing.vn đặt câu hỏi vì sao 4 trường hợp này đều là con lãnh đạo đứng đầu các sở ngành? Phải chăng các du học sinh này là con lãnh đạo nên được ưu ái?
Về vấn đề này, ông Trần Văn Thanh cho hay thời điểm đó, đơn vị thông báo, tiếp nhận hồ sơ rộng rãi, xét duyệt công bằng, minh bạch. Hàng loạt hồ sơ gồm con em dân thường và lãnh đạo huyện, tỉnh cũng bị loại từ vòng đầu do không đủ tiêu chuẩn ngoại ngữ đạt IELTS từ 6.0 trở lên. Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi khẳng định không có chuyện ưu ái con em lãnh đạo hay tiêu cực gì ở đây. Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong nước và đại học nước ngoài xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí.
Giai đoạn 2012-2015, Quảng Ngãi chỉ có 3 công chức và 6 sinh viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xét đi du học tại Anh, Austrailia, Philippines để đào tạo trình độ thạc sĩ kinh tế, tài chính doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản lý kinh tế quốc tế. Trong số này, có 2 công chức và 3 sinh viên sau khi đi du học ở nước ngoài (có một số là con dân thường) đã được bố trí công việc.
Trước ý kiến cho rằng Quảng Ngãi chậm bố trí công việc cho các du học sinh, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ, khẳng định tất cả các trường hợp tốt nghiệp về địa phương đều được xem xét, bố trí công việc phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo. Tuy nhiên, 4 trường hợp con lãnh đạo ở Quảng Ngãi không trở về, hoặc công tác thời gian ngắn ở địa phương rồi chuyển đến nơi khác là vi phạm cam kết.
"Theo quy định, nếu trong vòng 12 tháng cơ quan chức năng không bố trí được việc làm thì họ có quyền ra đi. Đằng này, họ mới về quê thời gian ngắn mà bảo chờ lâu quá thì không đúng", đại diện Sở Nội vụ Quảng Ngãi nói.
4 con lãnh đạo ở Quảng Ngãi đi du học không về tỉnh làm việc:
1. Bà Huỳnh Thị Lan Viên (tháng 4/2014 đi du học thạc sĩ ở Anh), con gái của ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi.
2. Bà Nguyễn Lê Ngọc Hà (4/2015 đi du học thạc sĩ ở Anh), con của ông Nguyễn Chín, nguyên Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi (vừa về hưu).
3. Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh (9/2012, đi du học thạc sĩ ở Austrailia) con ông Phạm Thanh Hải, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
4. Ông Phạm Thành Việt (4/2014, đi du học thạc sĩ ở Anh), con ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi.