Đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai chính thức bị xóa sổ, kèm theo đó là khoản đầu tư lên tới trên 100 tỷ trôi ra sông ra biển. Ảnh: T.P/Tuổi Trẻ. |
Thực ra, việc đội bóng 3 lần liên tiếp lọt vào chung kết ở 3 mùa 2012/2013/2014 với một danh hiệu vô địch này bị giải tán là chuyện bình thường ở làng bóng chuyền Việt. Cái “chết” của Đức Long Gia Lai được dự báo trước khi doanh nghiệp “mẹ” gặp khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bản thân ông chủ Tập đoàn tư nhân Bùi Pháp lại chán ngán bóng chuyền, nhất là sau những vụ lùm xùm liên quan đến chuyện đi, ở của chủ công Nguyễn Hữu Hà.
Việc thầy trò HLV Bùi Quang Ngọc thi đấu bết bát, phải nỗ lực và may mắn lắm mới giành quyền trụ hạng đã trở thành một cái cớ cho sự giải tán của cả một thế lực của bóng chuyền Việt Nam. Bầu Pháp thậm chí chỉ lý giải cho cái “chết” của đội bóng đơn giản là vì “một số lý do tế nhị”.
Trước Đức Long Gia Lai, chỉ trong khoảng 10 năm, có hàng loạt đội bóng nhà giàu, theo mô hình xã hội hóa, do doanh nghiệp đứng sau, đã bỗng dưng biến mất theo những cách khác nhau. Đầu tiên là trường hợp của đội bóng nữ Bảo Long Hà Tây hồi 2006, chỉ sau 2 năm hình thành, với những khoản đầu tư lớn để chiêu mộ cả một lứa cầu thủ trẻ đầy triển vọng của “nôi” bóng chuyền Thái Bình.
Trong 2 năm trở lại đây, có tới 5 đội bóng nhà giàu bị “khai tử” gồm nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nữ Vietsov Petro, nữ Bia Sài gòn Thái Bình Dương, nữ Cao Su Phú Riêng và bây giờ là nam Đức Long Gia Lai.
Điều đáng nói, trong số này, hầu hết đều là các đội đã lọt vào nhóm hàng đầu quốc gia, và không có đội nào thuộc nhóm yếu. Có nghĩa là, xét về mặt lực lượng và chuyên môn, không có lý do gì để xóa sổ các đội bóng này. Thế nhưng, điều đó vẫn xảy ra một cách bất ngờ và dễ dàng, đến mức người ta không hiểu vì sao các ông chủ, những người có trách nhiệm lại coi rẻ số phận của một đội bóng chuyền đến vậy.
Xuất phát từ chủ trương tái cơ cấu chung, ngành dầu khí đã giải thể cả hai đội bóng nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nữ Vietsov Petro, bất chấp ai cũng thấy đó là một việc làm cứng nhắc và cực đoan. Hay nữ Bảo Long Hà Tây, nữ Bia Sài gòn Thái Bình Dương hay kể cả nam Đức Long Gia Lai chỉ đơn giản là ông chủ không còn thiết tha nữa. Nhất là trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn chung, việc nuôi một đội bóng chuyền, có thể chưa đến nỗi như một “gánh nặng” kinh phí song rõ ràng không còn phù hợp và được quan tâm chú ý nữa.
Thêm nữa, đây là thời điểm “cơn sốt” bóng chuyền, đặc biệt bóng chuyền nữ, đã hạ nhiệt rất nhiều so với hồi đỉnh cao của những năm 2004/2009. Khi ấy, chỉ cần tài trợ, chứ chưa nói thành lập một đội bóng chuyền, doanh nghiệp đã có thể giải quyết được quá nhiều cho mảng quảng bá tiếp thị, chưa kể còn đáp ứng được sở thích và nâng cao vị thế của lãnh đạo doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, quá nửa số đội bóng do doanh nghiệp thành lập, đầu tư đã bị “chết yểu”. Đó là cái giá đắt phải trả cho một thời kỳ phát triển “nóng” và chạy theo xu hướng thời thượng của bóng chuyền Việt Nam.
Trong tương lai, quá khó để có một đội bóng mới được doanh nghiệp cho ra đời và đầu tư.