Bình luận viên hàng đầu Việt Nam cho rằng yếu tố thương mại trong chuyển nhượng cầu thủ là điều tất yếu để phát triển bóng đá chuyên nghiệp. |
Sau khi HAGL công bố 3 bản hợp đồng chuyển nhượng Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu từ mùa giải 2016, nhiều ý kiến cho rằng yếu tố thương mại lấn át chuyện chuyên môn.
Với tư cách một bình luận viên (BLV) đã có 20 năm gắn bó với bóng đá nước nhà, BLV Vũ Quang Huy ủng hộ cách làm của bầu Đức dù anh khẳng định yếu tố thương mại chiếm phần không nhỏ giúp 3 bản hợp đồng của HAGL thành công trong tháng 12/2015.
"Tôi đánh giá cao Xuân Trường, cậu ấy là cầu thủ có chuyên môn vượt trội so với các bạn cùng lứa ở Việt Nam. Tuy nhiên, trình độ cầu thủ Việt mà chỉ vì chuyên môn thuần túy thì chưa chắc đã chuyển nhượng được sang thi đấu cho các CLB Hàn Quốc, Nhật Bản", BLV Quang Huy chia sẻ nhận định của mình.
Theo BLV giàu kinh nghiệm, bầu Đức là người làm kinh doanh, nên đằng sau yếu tố chuyên môn có những câu chuyện thương mại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, BLV Quang Huy hoàn toàn ủng hộ cách làm chuyên nghiệp của bầu Đức.
"Bóng đá chuyên nghiệp phải kiếm được tiền để nuôi sống chính mình. Vì vậy, chúng ta nên có cái nhìn tích cực về yếu tố thương mại trong 3 bản hợp đồng chuyển nhượng Tuấn Anh, Công Phượng và Xuân Trường. Tôi thấy mừng vì bầu Đức đã làm được điều đó, để bóng đá Việt Nam tiến gần hơn với cách làm của các nền bóng đá hàng đầu thế giới".
BLV Quang Huy đặt kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu trong thời gian tới. |
Cụ thể về trường hợp của Lương Xuân Trường, BLV Quang Huy chia sẻ anh đã có dịp tới thành phố Incheon (Hàn Quốc), nơi tiền vệ HAGL sẽ thi đấu từ mùa giải 2016.
"Theo tôi biết 40.000 người Việt đang làm việc ở Incheon là yếu tố không nhỏ khiến đội bóng này muốn chiêu mộ cầu thủ Việt Nam. Tôi từng đến đây và gặp rất nhiều anh em đồng hương. Họ sẵn sàng nghỉ làm để phủ đỏ sân vận động mỗi khi có đội bóng Việt Nam sang thi đấu".
Nhằm giải thích kỹ hơn về yếu tố thương mại, BLV Quang Huy nói, việc bán vé, bán áo đấu, kỷ niệm chương cho 40.000 người Việt Nam ở Incheon đã có thể giúp CLB này có nguồn thu lớn và khá ổn định. Bên cạnh đó, K.League được phát sóng trực tiếp tại hệ thống truyền hình cáp Việt Nam 2016. Xuân Trường sẽ đóng vai trò đại sứ để hút khản giả Việt quan tâm tới giải bóng đá xứ sở kim chi.
"Cầu thủ HAGL sẽ giúp đội bóng mới kiếm tiền và thu hút người hâm mộ. Tuy nhiên đổi lại, Xuân Trường sẽ được thi đấu ở giải bóng đá hàng đầu châu Á, nhằm tích lũy kinh nghiệm quý báu cho bản thân".
Kết luận lại vấn đề, BLV Quang Huy khẳng định dù có yếu tố thương mại nhưng việc 3 cầu thủ HAGL xuất ngoại thi đấu là tín hiệu mừng cho bóng đá Việt Nam.
"Từ trước tới nay, Việt Nam từng có Huỳnh Đức (sang Trung Quốc), Việt Thắng (Porto B), Hữu Thắng (LA Galaxy).... xuất ngoại. Nhưng đó là những hợp đồng thời vụ mang đậm tính thương mại, quảng cáo, chứ chưa đúng ý nghĩa là hợp tác học hỏi, giao lưu. Tôi mong 3 em HAGL sẽ tiếp bước đàn anh Công Vinh, chăm chỉ tập luyện, học hỏi những điều tốt đẹp từ bóng đá nước ngoài để trở về cống hiến cho đội tuyển quốc gia".
Tính đến năm 2015, ngoài bóng đá, có 4 tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam ra nước ngoài thi đấu (chủ yếu đầu quân cho các CLB Thái Lan) gồm Ngô Văn Kiều, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Kim Liên.
Theo đánh giá từ chính các chuyên gia Thái Lan, họ mua tuyển thủ Việt Nam đơn thuần vì năng lực chuyên môn. Bởi so với bóng đá, bóng chuyền hoàn toàn lép vế trong việc quảng cáo và thu hút thương mại từ các nguồn bên ngoài, trừ nhà tài trợ chính.