Luôn được xem là đội tuyển mạnh bậc nhất châu Á, nhưng bóng đá tại Nhật Bản chưa bao giờ sánh ngang được với bóng chày. Báo chí Nhật Bản, trong những bản tin thưa thớt về môn thể thao vua tại đây, vẫn gọi bóng đá bằng cái tên "soccer" thay vì "football".
Bất chấp việc chỉ là môn thể thao thứ yếu, Nhật Bản vẫn phát triển bóng đá bài bản nhất châu Á. J1 League luôn được các nhà cái coi là giải đấu "sạch" thứ nhì thế giới, chỉ sau ông vua Premier League.
Các khán đài đầy ắp khán giả là đặc sản của J1 League. Ảnh: Getty. |
Phát triển từ những điều cơ bản
Một cột mốc đáng nhớ của bóng đá Nhật Bản đến vào năm 1993, thời điểm J1 League ra đời. Cuốn sách "Bóng đá Nhật Bản và thể thao thế giới: Phát triển môn thể thao vua tại văn hóa địa phương" nhấn mạnh công ty quảng cáo hàng đầu xứ sở phù tang, Dentsu, không tin đây sẽ là một giải đấu ăn khách nên từ chối tham gia quảng bá J1 League ngày đó.
Dentsu sớm hối hận vì quyết định này. Ba năm sau khi được ra đời, J1 League thu hút trung bình 17.000 khán giả tới sân mỗi trận. Con số này tụt xuống gần 10.000 vào năm 1997 nhưng việc "Samurai xanh" giành vé dự World Cup 1998 khiến những khán đài huyên náo trở lại.
Năm 1996, Nhật Bản hợp sức cùng Hàn Quốc để giành quyền đăng cai World Cup 2002. Từ đó, sức hút của bóng đá tại xứ sở hoa anh đào không bao giờ thuyên giảm. Năm 2017, con số ghi nhận trên các khán đài J1 League lên tới 33.000 người/trận, cao không kém những giải đấu hàng đầu châu Âu.
Những ông lớn về nhãn hiệu trên thế giới đẩy sự chú ý tới bóng đá trong thập niên 90. Và họ không bỏ qua mảnh đất màu mỡ mang tên Đông Á với Nhật Bản. Sức hút từ hàng loạt nhãn hàng đỉnh cao như Adidas, Nike, JVC, Canon... giúp J1 League sống khỏe nhờ tiền tài trợ.
Thu hút được những nhãn hiệu lớn, bản quyền truyền hình của J1 League tăng giá phi mã. Năm 2002, bản quyền J1 League được bán với giá 2,5 tỷ yen (21 triệu USD). Năm 2016, ông lớn truyền thông DAZN bỏ ra tới 240 tỷ yen (khoảng 1,9 tỷ USD) để mua bản quyền J1 League trong 10 năm.
Đường hướng phát triển sạch sẽ và được đánh giá cao thế nào, J1 League cũng sẽ không thể được đánh giá cao nếu không có tiền, thậm chí rất nhiều tiền.
Minamino là sản phẩm của đào tạo bóng đá trẻ từ cấp độ trung học tại Nhật Bản. Ảnh: Việt Linh. |
Phong cách Nhật Bản
Bằng nhiều cách, Nhật Bản luôn biết cách nuôi dưỡng tình yêu với thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cho trẻ em. Hệ thống phát triển bóng đá từ học đường của quốc gia này là hình mẫu cho không chỉ Việt Nam mà còn là nhiều quốc gia khác tại châu Á.
Năm 2011, Nhật Bản thành lập giải U18 Premier League, sân chơi để những cầu thủ trẻ phát huy tài năng. Ra đời khá muộn, nhưng sự phát triển của giải trẻ Nhật nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào. Đến lúc này, giải U18 Premier League Nhật đã có tới 20 đội tham dự, chia thành 2 miền Đông - Tây, thi đấu theo thể thức vòng tròn, có nhà vô địch, có đội xuống hạng.
Giải đấu này có sự tham dự của rất nhiều đội bóng từ các trường trung học thay vì chỉ là từ lò đào tạo của những CLB. Năm 2016, trường trung học Aomori Yamada thậm chí vô địch giải miền Đông dù giải đấu này quy tụ những “ông kẹ” như Kashima Antlers, Kashiwa Reysol và FC Tokyo.
Hệ thống phát triển bóng đá trẻ ở Nhật Bản đủ toàn diện để tìm thấy tài năng ở khắp nơi, kể cả giờ ra chơi của một trường trung học. Đào tạo bóng đá trẻ ở Nhật Bản chia thành 5 cấp độ cho lứa tuổi từ 8-14: bắt đầu là chó con, bulldogs, sư tử, học viện và siêu sao học viện.
Takumi Minamino lừng danh của Nhật Bản ngày nay là người đi theo đúng con đường này. Takefusa Kubo cũng vậy.
Với người Nhật Bản, triết lý phát triển bóng đá đặt cầu thủ làm trung tâm thay vì thành tích. Cầu thủ từ khi còn nhỏ đã được phát triển toàn diện 5 kỹ năng: tự tin, trung thành, kiểm soát, tập trung và giao tiếp. Họ không ép chín bất kỳ cầu thủ nào để làm công cụ chinh phục thành tích theo tính nhiệm kỳ của đơn vị quản lý.
Nhật Bản luôn là nền bóng đá số một châu Á. Ảnh: Getty. |
Sức mạnh từ giấc mơ
Bất kỳ sự phát triển nào cũng cần cú hích về tinh thần. Bóng đá Nhật Bản không thiếu motip này. Trong thập niên 1990, người Nhật có Kazu Miura làm hình mẫu cho trẻ em đam mê trái bóng tròn.
Câu chuyện "King Kazu" rời quê hương tới Brazil từ khi còn là cậu thanh niên chưa đủ 18 tuổi để theo đuổi giấc mơ bóng đá, chu du tới tận Serie A để thi đấu, trở thành "Cầu thủ hay nhất châu Á" năm 1993 và tỏa sáng ở ĐT Nhật Bản là điều người Nhật nào cũng nằm lòng cho đến tận ngày nay.
Trong thập niên 2000, Hidetoshi Nakata là siêu sao số một Nhật Bản khi vô địch Serie A cùng AS Roma. Sau đó, những ngôi sao khác nổi lên như nấm sau mưa từ Shunsuke Nakamura tới Yasuhito Endo.
10 năm trở lại, Keisuke Honda có thể xem là hình mẫu khi chu du qua 5 châu lục trên toàn thế giới để thi đấu và tỏa sáng. Trên The Player Tribune, Honda từng kể anh mơ làm siêu sao túc cầu giáo từ những thước phim về Pele trong cuộn băng cũ của bố và là ngôi sao bóng đá Nhật Bản đầu tiên đặt mục tiêu vô địch World Cup.
Ngày nay, Takumi Minamino đang là niềm cảm hứng khác. Ngôi sao sinh năm 1995 nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá từ khán đài đầy ắp của J1 League đầu những năm 2000 và từ những thước phim về Ronaldo "béo" tại World Cup 2002.
Người Nhật thậm chí có nhiều hơn một Minamino. 17 trong 28 cầu thủ Nhật Bản tới Việt Nam lần này đang thi đấu tại châu Âu. Không phải người nào cũng tập luyện cùng Mohamed Salah, Virgil van Dijk như Minamino, nhưng việc ra sân đều đặn tại khu vực bóng đá phát triển nhất thế giới giúp Nhật Bản luôn duy trì vị thế ông lớn mà không cần đao to búa lớn trong ngôn từ.
Không chỉ nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá của chính mình, Nhật Bản đẩy chúng ra thế giới bằng nhiều hình thức khác, không chỉ bằng sự phát triển khó tin của J1 League hay các hình mẫu Kazu Miura, Nakata... Tsubasa, bộ truyện tranh huyền thoại của Nhật Bản, là niềm cảm hứng cho hàng loạt siêu sao túc cầu giáo như Fernando Torres, Andres Iniesta, Alessandro Del Piero...
Người Nhật Bản không chỉ phát triển bóng đá, họ còn tạo ra một hệ sinh thái quanh nó và khiến phần còn lại của thế giới ngưỡng mộ.
Bất kể kết quả có ra sao trong trận đấu tại Mỹ Đình lúc 19h ngày 11/11 này, bóng đá Nhật Bản vẫn là hình mẫu để Việt Nam học hỏi, từ cách họ làm ra rất nhiều tiền ở giải VĐQG, thu hút khán giả tới sân, đào tạo cầu thủ trẻ từ bóng đá học đường, xuất khẩu những ngôi sao đó sang châu Âu và bán những sản phẩm phái sinh với bóng đá.
Quang Hải, Công Phượng... sẽ so kè từng mét vuông cỏ với Minamino, Tomiyasu... trong trận đấu tại Mỹ Đình tối nay, nhưng khoảng cách giữa hai nền bóng đá Việt Nam và Nhật Bản vẫn là vạn dặm xa.