Bốn ngày sau khi liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tấn công Afghanistan năm 2001, Tổng thống Mỹ lúc đó George W. Bush xuất hiện trong bản tin giờ vàng, gửi đi thông điệp trấn an quốc dân, khi đó vẫn còn mang tâm trạng sợ hãi xen lẫn tức giận sau vụ tấn công khủng bố 11/9, theo Washington Post.
Dù đa phần cử tri Mỹ ủng hộ quyết định tấn công Afghanistan của chính quyền Bush, nhiều người băn khoăn trước tương lai cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào và kéo dài bao lâu.
Từ Nhà Trắng, tối 11/10/2001, Tổng thống Bush cam đoan với quốc dân rằng nước Mỹ đã học được bài học trong quá khứ, và rằng Washington quyết không sa lầy thêm lần nữa trong một cuộc chiến cách xa nửa vòng Trái Đất.
Tổng thống George W. Bush phát biểu với quốc dân về cuộc chiến Mỹ phát động ở Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
"Chúng ta đã nhận được những bài học rất quan trọng từ quá khứ. Đây là một kiểu chiến tranh khác hẳn, đòi hỏi cách tiếp cận và tâm lý hoàn toàn khác", ông Bush tuyên bố.
Ông Bush không đưa ra câu trả lời về thời gian kết thúc cuộc chiến, chỉ hứa hẹn sẽ giành chiến thắng cuối cùng.
"Cuộc chiến này sẽ kéo dài tới khi chúng ta buộc al-Qaeda phải trả giá. Chiến thắng có thể đến vào ngày mai, có thể trong một tháng, có thể từ một đến hai năm, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ thắng", ông Bush nói.
Những lời hứa của tổng thống Mỹ
Ban đầu, mục tiêu cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan là tiêu diệt al-Qaeda, bảo đảm tổ chức khủng bố này không thể tiếp tục sử dụng Afghanistan làm căn cứ tiến hành những vụ tấn công khác vào Mỹ.
Chỉ trong 6 tháng, mục tiêu này đã hoàn thành. Các lãnh đạo của al-Qaeda người thì bị tiêu diệt, người bị bắt, số còn lại phải bỏ trốn khỏi Afghanistan, trong đó có ông trùm Osama bin Laden.
Nhưng thay vì tuyên bố kết thúc cuộc chiến, Tổng thống Bush đã mở rộng nhiệm vụ của lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Tháng 4/2002, ông Bush công bố các mục tiêu chính trị và quân sự mới tại Afghanistan.
Tổng thống Bush tuyên bố Mỹ sẽ giúp các đồng minh Afghanistan xây dựng một đất nước hiện đại, với nền dân chủ ổn định, một quân đội quốc gia vững mạnh, hệ thống chăm sóc y tế phát triển, và hệ thống giáo dục công bình đẳng cho cả trẻ em trai và gái.
"Chúng tôi biết hòa bình thực sự sẽ chỉ đạt được khi chúng ta mang tới cho người dân Afghanistan công cụ để giúp họ hoàn thành nguyện vọng. Chúng ta (quân đội Mỹ) sẽ ở lại (Afghanistan) tới khi hoàn thành nhiệm vụ", Tổng thống Bush phát biểu.
Quân đội Mỹ chiến đấu ở Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
Hai tổng tư lệnh tiếp theo của nước Mỹ là Barack Obama và Donald Trump cũng hứa hẹn sẽ giành chiến thắng tại Afghanistan. Những lời hứa ấy làm cử tri Mỹ trông đợi vào một thắng lợi quyết định trước kẻ thù.
Nhưng cũng như ông Bush, các nhà lãnh đạo Obama và Trump không xác định rõ quân đội Mỹ cần phải làm gì để có thể chấm dứt cuộc chiến, họ cũng không chỉ mặt điểm tên chính xác kẻ thù trên chiến trường Afghanistan.
Kẻ thù liệu có phải là al-Qaeda, hay Taliban, hay những phe nhóm vũ trang khác đe dọa khiến đất nước rơi vào bất ổn?
Tướng Dan McNeill, chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan dưới thời Tổng thống Bush, cho biết Washington luôn mù mờ về mục tiêu cuối cùng.
"Tôi đã cố đề nghị họ định nghĩa chính xác chiến thắng là gì, và chưa ai từng cho tôi câu trả lời. Một số người nghĩ tới ý tưởng xây dựng một nền dân chủ theo lý tưởng của Jefferson, nhưng điều đó sẽ không xảy ra ở Afghanistan", ông McNeill nói.
Cuộc chiến ngày càng kéo dài, các quan chức vẫn kiên quyết tuyên bố Mỹ đang chiến thắng, bất chấp những bằng chứng hiển hiện cho thấy điều ngược lại. Còn ở phía sau hậu trường, họ hoài nghi chính những tuyên bố của mình.
Đến năm 2006, Taliban dần khôi phục sức mạnh, mở rộng chiến tranh du kích, lúc này hoài nghi về cuộc chiến ngày càng gia tăng.
"Chúng ta sẽ không chiến thắng ở Afghanistan", Đại sứ Mỹ Ronald Newmann cảnh báo các quan chức ở Washington trong bức điện ngày 29/8/2006, cho biết các đồng minh Afghanistan của Mỹ đang lo sợ chiến thắng đang ngày một xa khỏi tầm tay.
Hai năm sau, các chỉ huy chiến trường Mỹ cầu xin Lầu Năm Góc gửi quân tăng viện, bởi họ đang thua trong cuộc đối đầu với Taliban. Lực lượng Taliban lúc này được ước tính đã tăng lên 11.000 quân.
Nhưng giới chức Washington không sẵn sàng tăng quân, bởi điều này sẽ đi ngược với những tuyên bố thắng trận của họ trước đó.
Tháng 9/2008, chỉ huy lực lượng Mỹ ở phía đông Afghanistan, tướng Jeffrey Schloesser, đã bị báo giới gây sức ép phải nói ra nhận định của ông về tình hình chiến sự.
"Tôi sẽ chỉ nói rằng không có chuyện chúng ta đang thua trong cuộc chiến. Đây là một chiến thắng chậm rãi, tôi đoán như vậy", tướng Schloesser nói với các phóng viên.
Không thể thắng dù nhiều lần tăng quân
Khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, chính quyền mới quyết định mở rộng can dự tại Afghanistan, bổ sung hàng chục nghìn binh sĩ, cùng khoản chi hàng chục tỷ USD để củng cố chính quyền Afghanistan.
"Gửi tới những bè lũ khủng bố ngoài kia, thông điệp của tôi vẫn là như vậy: Chúng tôi sẽ đánh bại các người", ông Obama phát biểu hồi tháng 3/2009.
Đến năm 2011, các quan chức chính quyền Tổng thống Obama tự rơi vào mâu thuẫn. Một mặt, họ bắt đầu thừa nhận chiến thắng quân sự toàn diện là điều khó có thể xảy ra. Con đường thực tế để chấm dứt chiến tranh là các phe phái ở Afghanistan đạt được một giải pháp chính trị.
Nhưng mặt khác, lực lượng Mỹ ở Afghanistan, lúc này lên đến 100.000 binh sĩ, tiếp tục các chiến dịch truy quét Taliban, thay vì khuyến khích các biện pháp ngoại giao.
Binh sĩ Mỹ sát cánh cùng lực lượng chính phủ Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
"Chúng ta khi đó đối mặt với chiến tranh du kích bởi không có một giải pháp chính trị", Barnett Rubin, cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Ông Rubin tiết lộ các quan chức Lầu Năm Góc và CIA cho rằng không có lý do để đàm phán với Taliban, và hòa giải chỉ là giải pháp với "những người đã đầu hàng".
Trước công luận, các quan chức chính quyền Obama bắt đầu tránh khẳng định tương lai cuộc chiến. Khi được hỏi liệu Mỹ đang thắng hay thua tại Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã thẳng thừng né tránh.
"Tôi đã học được vài điều trong 4 năm rưỡi vừa qua, một trong số đó là tránh những từ ngữ được mớm sẵn như thắng hay thua. Điều tôi sẽ nói là tôi tin chúng ta đang thành công trong thực hiện chiến lược của tổng thống", Bộ trưởng Gates nói.
Chiến lược của ông Obama là đào tạo và vũ trang cho lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan, với quân số 352.000 người, giúp họ đảm đương trọng trách chiến đấu với Taliban.
Trong phần lớn nhiệm kỳ của ông Obama, các chỉ huy quân đội hoàn toàn tin tưởng vào cách tiếp cận này, dự đoán rằng với sự giúp đỡ của Mỹ, lực lượng chính phủ Afghanistan sẽ chiến thắng.
Tổng thống Obama hứa hẹn sẽ rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan vào cuối nhiệm kỳ hai của ông. Nhưng sau đó, ông Obama lật lại lời hứa này, quyết định để lại 8.400 binh sĩ, cho thấy lực lượng an ninh Afghanistan không đủ khả năng tự mình chống lại Taliban.
Vào thời điểm ông Trump được bầu làm tổng thống, tình hình càng trở nên ảm đạm. Thay vì suy yếu, Taliban trở nên ngày càng mạnh hơn. Trong 8 năm cầm quyền của ông Obama, Taliban chiêu mộ khoảng 60.000 tay súng.
Lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan hứng chịu vô số thiệt hại nhân mạng, con số thực tế luôn bị chính quyền Kabul giữ bí mật, nhằm tránh làm mất nhuệ khí của binh sĩ.
"Chúng ta sẽ không chiến thắng cuộc chiến Afghanistan ngay lúc này", Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis thừa nhận trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện tháng 6/2017.
Mỹ sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan vào tháng 9. Ảnh: Reuters. |
Hai tháng sau, Tổng thống Trump công bố chiến lược mới của riêng mình. Ông Trump cam kết sẽ không chỉ đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến khi đó đã kéo dài sang năm thứ 16, mà sẽ chiến thắng một lần và mãi mãi.
"Quân đội của chúng ta sẽ đánh đến khi chiến thắng. Kể từ nay, chiến thắng sẽ có định nghĩa rõ ràng: Tấn công kẻ thù, tiêu diệt IS, nghiền nát al-Qaeda, ngăn Taliban giành lại Afghanistan, và trấn áp những cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn từ trong trứng nước", ông Trump tuyên bố.
Để đạt được mục tiêu ấy, ông Trump tăng số quân Mỹ ở Afghanistan lên 14.000. Ông cũng ra lệnh tổ chức những chiến dịch không kích dữ dội vào các vị trí của Taliban. Số lượng bom và tên lửa được thả xuống chiến trường Afghanistan dưới thời ông Trump nhiều hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Nhưng Tổng thống Trump không thực sự tin rằng ông có thể giành được chiến thắng quân sự hoàn toàn. Chiến lược của ông Trump chỉ đơn giản là nhằm làm suy yếu Taliban, qua đó giành thêm lợi thế trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Đến tháng 2/2020, chính quyền Tổng thống Trump đạt được một thỏa thuận với Taliban, làm cơ sở cho tiến trình rút dần binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan. Thỏa thuận này đặt dấu chấm hết cho mọi lời hứa rằng Washington sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.