Vụ khủng bố 11/9/2001 kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến tưởng chừng diễn ra chớp nhoáng, nhưng rốt cuộc kéo dài 20 năm tại Afghanistan. Giờ đây, khi Tổng thống Joe Biden quyết định rút hoàn toàn quân đội khỏi quốc gia Trung Á, một câu hỏi nhanh chóng được đặt ra: Các tổ chức khủng bố có một lần nữa trỗi dậy từ Afghanistan?
Về lâu dài, đây là câu hỏi khó trả lời. Một số quan chức cảnh báo Mỹ có thể phải đưa quân quay trở lại Afghanistan như những gì từng xảy ra ở Iraq, theo New York Times.
Al-Qaeda có trở lại?
Al-Qaeda, tổ chức khủng bố khét tiếng đầu thế kỷ 21, lên kế hoạch vụ khủng bố 11/9 từ lãnh thổ Afghanistan.
Chỉ vài tuần sau vụ khủng bố đánh sập tòa tháp đôi ở New York, Mỹ cùng các đồng minh tấn công Afghanistan, hất cẳng al-Qaeda khỏi "đất thánh" của tổ chức này.
Taliban, chính quyền hỗ trợ chỗ ẩn náu cho al-Qaeda, bị lật đổ sau khi quân Mỹ tiến vào Afghanistan.
Cuộc chiến do Nhà Trắng phát động ở Afghanistan đã mở màn cho 20 năm Washington sa lầy trong những trận đánh tốn kém, đẫm máu, dưới danh nghĩa ngăn chặn các vụ khủng bố mới nhắm vào nước Mỹ.
Đến hiện tại, trên lãnh thổ Afghanistan, ba nguồn tin tình báo Mỹ xác nhận các nhánh của al-Qaeda và phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã "suy yếu".
Với IS, nhóm này hiện ưu tiên mở rộng địa bàn hoạt động và tranh giành phạm vi ảnh hưởng với những nhóm khác, vì thế không có nguồn lực tổ chức các vụ khủng bố quốc tế. Hơn nữa, Taliban có thái độ thù địch với IS.
Nhưng quan hệ giữa al-Qaeda và Taliban phức tạp hơn nhiều. Trước vụ tấn công 11/9, chính phủ Afghanistan - do Taliban điều hành - cung cấp nơi trú ẩn cho al-Qaeda.
Theo thỏa thuận hòa bình ký với Mỹ năm 2020, Taliban đồng ý cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố, trong đó có al-Qaeda. Taliban cũng cam kết ngăn chặn al-Qaeda hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan.
Các tổ chức khủng bố như Al Qaeda có nguy cơ trỗi dậy từ Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ý định thực sự của Taliban với những cam kết này là điều khó nói trước. Không ai có thể dự đoán al-Qaeda sẽ mất bao lâu để trỗi dậy lần nữa ở Afghanistan.
Một số quan chức tin rằng Mỹ sẽ không "mù thông tin" nếu mối đe dọa từ al-Qaeda quay trở lại. Suốt 20 năm qua, Mỹ đã đầu tư lớn vào năng lực chống khủng bố và mạng lưới thu thập thông tin tình báo tại Afghanistan.
"Đe dọa khủng bố từ Afghanistan không phải là không có, nhưng vào lúc này, đe dọa thấp hơn so với ở các điểm nóng khác. Vì thế câu hỏi là liệu chúng ta có thể trấn áp mối đe dọa khủng bố ở Tây Nam Á mà không cần hiện diện quân sự tại Afghanistan hay không?", Hạ nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viên, bình luận.
Nếu Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, chưa thể nói trước khả năng al-Qaeda sẽ tái lập căn cứ, để từ đó tiến hành các vụ tấn công khủng bố trong tương lai.
Một số nghị sĩ cũng hoài nghi rằng nếu thực sự al-Qaeda trỗi dậy, liệu tổ chức này sẽ chọn Afghanistan hay một vùng đất hỗn loạn khác.
"Hôm nay không phải là thập niên 1990. Khi đó, al-Qaeda thiết lập căn cứ ở Afghanistan thì được Taliban (che chở) và không ai chú ý đến hoạt động của họ", Hạ nghị sĩ Dân chủ Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nói.
Chống khủng bố sẽ khó hơn trước
Các quan chức Mỹ thừa nhận một khi quân đội đã rút đi, việc thu thập thông tin tình báo sẽ gian nan hơn rất nhiều.
Dù một số hoạt động chống khủng bố ở Afghanistan có thể tiến hành từ các căn cứ bên ngoài nước này, những chiến dịch như vậy sẽ mạo hiểm hơn và khó đạt hiệu quả mong muốn.
Vài tháng qua, quân đội chính phủ Afghanistan chật vật chống đỡ trước các cuộc tấn công của Taliban. Hy vọng hai bên đạt được một thỏa thuận hòa bình trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh chính phủ Afghanistan ngày càng suy yếu trước sức ép từ Taliban, tình hình chính trị - quân sự cũng sẽ tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của al-Qaeda.
"Khoảng trống quyền lực, chưa kể việc một tổ chức như Taliban điều hành đất nước, sẽ khiến Afghanistan sẽ trở thành vùng đất lý tưởng để các tổ chức khủng bố tìm nơi ẩn náu", Marc Polymeropoulos, cựu quan chức CIA từng có nhiều năm kinh nghiệm ở Afghanistan, nhận định.
Một cựu quan chức CIA khác là Michael Mulroy cho rằng dù đe dọa khủng bố quốc tế từ Afghanistan lúc này không cao, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng trong tương lai.
Một khi quân đội Mỹ rút hết, sức ép lên các nhóm khủng bố sẽ giảm mạnh, đồng thời khả năng thu thập thông tin tình báo sẽ bị ảnh hưởng.
Các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ sẽ khó khăn hơn sau khi rút quân. Ảnh: AFP. |
"Tái bố trí các lực lượng chống khủng bố ra bên ngoài Afghanistan sẽ làm giảm đáng kể năng lực thu thập thông tin tình báo, cũng như khả năng đơn phương tiến hành các chiến dịch chống lại những mối đe dọa trực tiếp", ông Mulroy nhận xét.
Một số tướng lĩnh Mỹ ủng hộ thỏa thuận hòa bình với Afghanistan từ lâu có chung nhận định rằng yếu tố bản lề của thỏa thuận là gắn tiến trình rút quân với tình hình an ninh trên thực địa.
Tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm quân đội Mỹ, cho biết mục tiêu chiến lược của Mỹ là ngăn chặn các tổ chức khủng bố, gồm al-Qaeda và IS, sử dụng Afghanistan làm nơi trú ẩn, làm bàn đạp cho các cuộc tấn công trong tương lai.
Với Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo Mỹ lúc này, cuộc tranh luận trọng điểm là hiệu quả các chiến dịch chống khủng bố phát động từ bên ngoài Afghanistan.
Bài học lịch sử cho thấy những chiến dịch như vậy đôi khi thành công, đôi lúc thất bại.
Năm 1980, lực lượng đặc nhiệm Delta của Mỹ thất bại thảm hại trong chiến dịch giải cứu người Mỹ ở Iran. Bên cạnh đó, tên lửa hành trình, phóng từ tàu chiến ở khoảng cách xa, nhắm vào các mục tiêu ở Afghanistan thường có tỷ lệ chính xác thấp.
Các quan chức nhận định các đơn vị đặc nhiệm xuất phát từ điểm cách mục tiêu càng xa thì khả năng nhiệm vụ thất bại càng lớn.