Thông báo này được một quan chức cao cấp trong chính quyền xác nhận. Tổng thống Biden sẽ đưa ra tuyên bố chính thức vào ngày 14/4, theo giờ địa phương, theo Guardian.
Hiện khoảng 2.500 lính Mỹ ở Afghanistan, phục vụ bên cạnh 7.000 binh lính từ NATO. Hầu hết các đồng minh NATO của Mỹ cũng có khả năng rút quân sau động thái nói trên của chính quyền Biden.
“Chúng tôi sẽ sát cánh với họ trong chiến dịch này. Chúng tôi đã cùng nhau vào cuộc, cùng nhau thích ứng và bây giờ sẽ cùng nhau rút quân”, một quan chức Mỹ cho biết.
Công lý đã được thực thi
Việc rút quân của Mỹ sẽ bắt đầu trước ngày 1/5, thời hạn rút quân mà chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump đã thống nhất với Taliban. Việc rút quân sẽ được hoàn thành vào ngày 11/9 năm nay.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết: “Chúng tôi đến Afghanistan thực thi công lý với những đối tượng gây ra vụ tấn công ngày 11/9/2001, ngăn chặn khủng bố tìm cách dùng Afghanistan như một nơi trú ẩn an toàn”.
Vị này khẳng định mục tiêu nói trên "đã đạt được" cách đây vài năm. "Chúng tôi có thể xử lý mối đe dọa từ Afghanistan đối với Mỹ mà không cần tiếp tục can dự quân sự, cũng như duy trì cuộc chiến với Taliban ở đây".
Sự hiện diện quân sự duy nhất còn lại của Mỹ sau ngày 11/9 sẽ chỉ nhằm đảm bảo an ninh cho đại sứ quán Mỹ - nhiệm vụ vốn do nhóm lính thủy đánh bộ đảm nhận.
Chính quyền Biden cho biết họ sẽ đàm phán với chính phủ Afghanistan về các thỏa thuận an ninh chính xác cho phái đoàn ngoại giao ở Kabul.
Tổng thốnng Biden kết thúc can dự quân sự trực tiếp ở Afghanistan sau 20 năm. Ảnh: AP. |
Một cuộc chiến nhiều đánh đổi
Khoảng 800.000 binh sĩ Mỹ phục vụ tại Afghanistan kể từ khi chiến dịch của Mỹ bắt đầu vào năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố chấn động.
Tại Afghanistan, những cuộc chiến làm gần 50.000 thường dân thiệt mạng. Năm 2020, mặc dù số thương vong đã giảm, số vụ giết người có chủ đích lại gia tăng, trong đó nhiều nạn nhân là phụ nữ.
Theo Liên Hợp Quốc, 65 nhà báo, chuyên gia truyền thông... thiệt mạng ở quốc gia Trung Đông này trong giai đoạn 1/1/2018-31/1/2021.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ ở Kabul và Taliban bắt đầu từ tháng 9/2020, nhưng đổ vỡ trong tuần này khi quân nổi dậy quyết định không tham dự hội nghị thượng đỉnh do Mỹ tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị dự kiến diễn ra trong vài ngày tới.
Ông Muhammad Naeem, người phát ngôn của Taliban, khẳng định lực lượng này không tham gia bất kỳ hội nghị nào “cho đến khi tất cả các lực lượng nước ngoài hoàn toàn rút khỏi quê hương của chúng tôi”.
Bà Fawzia Koofi, một chính trị gia Afghanistan và nhà hoạt động vì phụ nữ, cho biết: “Vài tháng tới là cơ hội cho hoà bình. Taliban muốn Mỹ rút quân, họ đã có điều đó. Còn bây giờ, những gì chúng tôi muốn từ Taliban là một cuộc sống trong hoà bình, hòa hợp và bảo vệ phẩm giá con người".
Quan điểm của quân đội Mỹ là bất kỳ cuộc rút quân nào khỏi Afghanistan sẽ phải "dựa trên điều kiện", phụ thuộc vào tình hình an ninh và mối đe dọa do Taliban gây ra đối với các lợi ích dân chủ và xã hội trong 20 năm qua.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden cũng cam kết rút quân khỏi Afghanistan.
Trong một chương trình trên CBS, khi được hỏi nguy cơ vấn đề nhân quyền ở Afghanistan, đặc biệt là với phụ nữ, có thể bị tổn hại do việc rút quân, ông Biden đã nói: "Trách nhiệm của tôi là bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ".
2.500 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan sẽ về nước trước ngày 11/9. Ảnh: Reuters. |
Cách tiếp cận mới
Mỹ cho biết họ cũng sẽ giữ đủ quân số để phản ứng trong trường hợp al-Qaeda hoặc các nhóm khủng bố khác tái lập các trại huấn luyện bên trong Afghanistan.
Dù vậy, việc các lực lượng khủng bố phân tán, thay vì tập trung tại một điểm, khiến việc duy trì lực lượng thường trực ở đây không còn hợp lý.
“Đây là năm 2021 chứ không phải 2001,” một quan chức cấp cao của Mỹ nói.
“Năm 2021, mối đe dọa khủng bố Mỹ phải đối mặt là có thật. Nó xuất phát từ một số quốc gia, hay thực ra là từ một số châu lục. Đó là Yemen, Syria, Somalia và các khu vực khác của châu Phi. Bây giờ, chúng ta phải tập trung vào sự phân tán của các mối đe dọa khủng bố”, vị này nói thêm.
Vụ khủng bố ngày 11/9 để lại những dư chấn kéo dài đến tận 20 năm sau. Ảnh: Reuters. |
Một số người lo sợ nếu Taliban giành lại quyền kiểm soát, một câu hỏi sẽ dấy lên trong công chúng: "Vậy mọi chuyện có nghĩa lý gì?". Dù vậy, nhiều người tin rằng mối đe dọa khủng bố đối với các nước phương Tây đã giảm bớt.
Mỹ cho biết sẽ có hành động đáp trả với bất kỳ cuộc tấn công nào của Taliban nhằm vào quân đội Mỹ và đồng minh trong thời gian rút quân.
Tuy nhiên, quân đội và dân thường Afghanistan vẫn là đối tượng bị nhắm đến, bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban.
Thông báo rút quân của chính quyền Biden cũng hứng chỉ trích từ các lãnh đạo đảng Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, cho biết: “Những kẻ khủng bố nước ngoài sẽ không để Mỹ yên, vì các chính trị gia của chúng ta đã cảm thấy mệt mỏi khi phải chiến đấu với họ".
Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Biden “cần giải thích cho người dân Mỹ rằng vì sao việc từ bỏ đồng minh và rút lui khi đối mặt với Taliban lại giúp nước Mỹ an toàn hơn".
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, đảng viên Dân chủ, cho rằng việc rút quân "làm xói mòn cam kết của chúng ta đối với người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ Afghanistan".
Bà Shaheen viết: “Tôi kêu gọi chính quyền Biden nỗ lực hết sức từ nay đến tháng 9 để đảm bảo cam kết đã đạt được và hỗ trợ các đối tác hình thành một chính phủ chuyển tiếp, toàn diện".