Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Taliban: 'Chúng tôi đã thắng'

Một tháng trước hạn chót để Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, tổ chức Taliban đang liên tiếp gửi đi những thông điệp khẳng định đã chiến thắng cuộc chiến.

Taliban chien thang anh 1

Những ngày qua, những động thái ngày càng phô trương của Taliban cho thấy vị thế của lực lượng này đang lên cao chưa từng có kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Afghanistan năm 2001, theo New York Times.

Sau khi phó thủ lĩnh Taliban "khoe khoang" về những chiến dịch "chinh phạt", chế giễu sự thất bại của "quan thầy ngoại quốc" đứng sau chính phủ Kabul, website của Taliban bắt đầu "kiểm đếm" số binh sĩ chính phủ Afghanistan - mà lực lượng này miêu tả là "những con rối" - bị sát hại.

Thông điệp của Taliban rất rõ ràng: Chúng tôi đã thắng.

Taliban chien thang anh 2

Các chiến binh Taliban được hoan nghênh sau chiến thắng ở tỉnh Laghman. Ảnh: AFP.

Chuyện gì đang xảy ra ở Afghanistan?

Sự tự tin của Taliban, xuất phát từ thực tế diễn biến quân sự - chính trị, đang tạo ra tình thế mong manh tại Afghanistan. Trong các cuộc đàm phán sắp tới diễn ra vào tháng 4, bởi đang ở thế "cửa trên", Taliban sẽ không hứng thú với việc nhượng bộ hay chia sẻ quyền lực như đề xuất của Mỹ.

Trong khi những luận điệu của Taliban cũng một phần mang tính tuyên truyền, viễn cảnh lực lượng này một lần nữa trở lại và nắm quyền kiểm soát đất nước khiến chính phủ Afghanistan rơi vào tuyệt vọng.

Lực lượng chính phủ đã rời bỏ nhiều trạm kiểm soát an ninh, trong khi sĩ khí của quân đội sa sút nghiêm trọng. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Kabul cho biết lực lượng chính phủ thiệt hại 3.000 binh sĩ mỗi tháng vì Taliban, đây là một tỷ lệ báo động.

Việc buộc Mỹ, đối thủ chính trong suốt 20 năm qua, ngồi vào bàn đàm phán và đồng ý rút toàn bộ lực lượng trước ngày 1/5/2021 là dấu mốc Taliban coi là một thắng lợi rõ ràng. Đổi lại, Taliban đồng ý ngừng tấn công vào các lực lượng nước ngoài, đồng thời cắt đứt liên hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế như Al Qaeda.

Đây là thỏa thuận đạt được giữa Taliban và chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, chính quyền mới chưa khẳng định chắc chắn Mỹ có rút quân kịp thời hạn này hay không.

"Không chiến binh thánh chiến nào từng nghĩ vị thế của chúng ta sẽ đạt được như ngày hôm nay, hay chúng ta có thể đè bẹp sự kiêu ngạo của những tên đế quốc làm loạn, và buộc chúng thừa nhận đã thất bại dưới tay chúng ta", phó thủ lĩnh Taliban Sirajuddin Haqqan tuyên bố trong một bài phát biểu gần đây.

Gần như mỗi ngày, website của Taliban lại đưa tin về những vụ đào tẩu của binh sĩ chính phủ sang phe mình, dù chi tiết dường như bị phóng đại, cũng như cách cả hai phe phóng đại số thương vong của đối phương.

Taliban chien thang anh 3

Các thành viên thuộc một đơn vị tinh nhuệ của Taliban ở tỉnh Laghman. Ảnh: New York Times.

Đối với Taliban, chỉ cần buộc người Mỹ ra đi, việc đối phó chính quyền Kabul ở lại sẽ chỉ là "trò trẻ con". Cuộc chiến cơ bản đã kết thúc.

"Taliban nghĩ họ đã đánh bại người Mỹ, vì vậy họ sẽ tiếp tục đánh bại các lực lượng khác ở Afghanistan và giành quyền kiểm soát đất nước", Jawed Kohistani, một cựu quan chức an ninh của chính quyền Afghanistan, nhận xét.

Taliban là lực lượng nắm quyền Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001 trước khi liên quân phương Tây can thiệp và lật đổ. Ông Kohistani cho biết Taliban không hào hứng với đề nghị chia sẻ quyền lực.

"Kế hoạch của Taliban là tái lập vương quốc Hồi giáo, và họ sẽ trừng trị bất cứ ai bị coi là tham nhũng hay chiếm đoạt đất đai", ông Kohistani nói.

Trong khi đó, ông Antonio Giustozzi, chuyên gia về Taliban, cho rằng Taliban chưa chắc sẽ tái lập một chế độ Hồi giáo hà khắc như trong quá khứ.

"Mục tiêu của Taliban là trở lại vị trí nắm quyền thống trị, miễn là họ giành được quyền lực, có thể thông qua dàn xếp chính trị, có những lựa chọn giữa thiết lập vương quốc Hồi giáo hoặc nền dân chủ", ông Giustozzi nói.

Chính phủ Afghanistan lâm nguy

Có một thực tế rằng Afghanistan là quốc gia phụ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài. 80% chi tiêu của nước này đến từ tiền của các nhà tài trợ quốc tế. Vì thế, Taliban hiểu việc bị quốc tế cô lập sẽ là một thảm họa cho Afghanistan.

Dù vẫn cấm sử dụng điện thoại thông minh ở những khu vực chiếm giữ, Taliban lại đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, website tiếng Anh. Ngôn từ tuyên truyền của tổ chức này cũng đã thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại.

Với những chuyển biến quyết định trên chiến trường, giọng điệu của Taliban ngày càng quyết đoán và tự tin, lực lượng này đang ở vị thế mà 3 năm trước là điều không thể tưởng tượng, các chuyên gia nhận định.

Taliban càng "lớn tiếng", chính phủ Afghanistan càng đinh ninh họ sẽ phải đối mặt với kết cục "một mất một còn" với tổ chức này. Các quan chức chính phủ hiếm khi tuyên bố Kabul, chứ không phải Taliban, là bên chiến thắng, bởi đơn giản là họ không thể.

Bằng chứng ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Taliban đã hiển hiện quá rõ ràng, từ các vụ tấn công liên tục ở vùng nông thôn, sự xâm nhập có hệ thống ở các thành phố, cùng vô số căn cứ quân sự mới.

Các nhà đàm phán Mỹ đang thúc đẩy ý tưởng nhượng bộ và chia sẻ quyền lực, thông qua việc thành lập một chính quyền quản lý tạm thời. Nhưng đa phần quan chức chính phủ Afghanistan phản đối đề xuất này, một phần bởi chính quyền chia sẻ quyền lực sẽ buộc đương kim Tổng thống Ashraf Ghani từ chức.

Taliban chien thang anh 4

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ảnh: AP.

Chính phủ Kabul nhiều lần khẳng định cuộc chiến đẫm máu với Taliban sẽ chỉ ngày càng khốc liệt. Đầu tháng 3, một quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết một chính phủ liên minh sẽ chẳng khác gì "con ngựa thành Troy" giúp Taliban âm thầm thâu tóm quyền lực.

Quan chức này nói nếu nhìn vào tư tưởng của Taliban, việc hy vọng lực lượng này chấp nhận thực sự chia sẻ quyền lực là "hoàn toàn phi thực tế".

"Tôi không thể hứa tình hình sẽ tốt hơn trong tương lai. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu", quan chức này cho biết.

Phát biểu tại Viện Aspen hồi tháng 1, Tổng thống Ghani tỏ ra bi quan.

"Trong giáo lý của Taliban, Afghanistan là nơi trận chiến cuối cùng diễn ra. Chúng tôi hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến, nhưng phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất xảy ra", Tổng thống Ghani nói.

Tương lai ảm đạm của chính quyền Tổng thống Ghani song hành với tốc độ mở rộng lãnh thổ của Taliban. Kandahar vốn là vùng ủng hộ mạnh mẽ của Taliban. Tháng 12/2020, quân chính phủ đã rời bỏ gần 200 điểm kiểm soát an ninh tại Kandahar.

"Tôi nghĩ những gì Taliban nói đúng đến 90%. Chúng ta rõ ràng đã thua cuộc chiến này. Rõ ràng mọi thứ đã đi sai hướng, tình hình trở nên tồi tệ hơn dưới thời Ghani. Diễn biến đang có lợi cho Taliban", ông Giustozzi nói.

Tương lai nào tiếp theo?

Một số nhà phân tích cảnh báo, trong khi Taliban tự tin đã chiến thắng, các lực lượng vũ trang khác ở Afghanistan sẽ khiến quá trình lực lượng này thâu tóm quyền lực trở nên phức tạp hơn.

Đó là thực tế đã xảy ra vào thập niên 1990, khi Taliban phải giao tranh với các lực lượng ở phía Bắc và Đông Afghanistan, cuối cùng không thể giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

Mới đây, một số lãnh chúa địa phương, các lực lượng ở phía Tây và Bắc Afghanistan đã kêu gọi đoàn kết để chống lại Taliban.

Trong khi đó, chiến thuật chủ yếu của Taliban là dùng sự sợ hãi để kiểm soát người dân ở các vùng nông thôn. Một công cụ hữu hiệu của tổ chức này là áp dụng mạng lưới nhà tù ngầm dưới mặt đất, nơi họ tra tấn và trừng phạt những người bị nghi làm việc hoặc cộng tác với chính phủ.

Nhưng một số người cho rằng, dưới chế độ Taliban, tình trạng tham nhũng ít nghiêm trọng như những gì đang diễn ra. Các thẩm phán của Taliban được miêu tả là công minh hơn, xét xử các tranh chấp dân sự và tài sản hiệu quả hơn so với chính quyền hiện nay.

Taliban chien thang anh 5

Các tù binh Taliban được Mỹ trả tự do. Ảnh: New York Times.

Tại một số khu vực do Taliban kiểm soát, họ vẫn cho phép trường học dành cho nữ sinh tiếp tục hoạt động. Thomas Ruttig, giám đốc Mạng lưới Phân tích Afghanistan, cho rằng hiện tượng này có thể là một chiến thuật chính trị hơn là có sự thay đổi trong hệ tư tưởng của Taliban.

Trong hàng ngũ Taliban, sự tự tin ngày càng tăng lên, phần lớn bởi những diễn biến thực tế trên chiến trường, với ưu thế ngày càng nghiêng về lực lượng này.

"Người ta nói là không thể đánh được quân Mỹ. Người ta nói nòng súng sẽ bị bẻ cong nếu bắn vào họ. Nhưng chúng tôi vẫn tấn công họ, và sau đó chẳng có gì xảy ra. Chúng tôi liên tục tấn công và buộc họ phải rời đi", Muslim Mohabat, một cựu thành viên của Taliban ở tỉnh Kunar, nói.

Taliban tin rằng những chiến thắng liên tiếp của họ cuối cùng sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Kabul.

"Trên chiến trường, tâm lý chung của các chiến binh Taliban là họ đang 'mạnh hơn bao giờ hết'. Chia sẻ quyền lực và dân chủ, đó là những khái niệm báng bổ với văn hóa chính trị của họ", Ashley Jackson, chuyên gia về Taliban tại tổ chức tư vấn quốc tế Overseas Development Institute, nhận xét.

Afghanistan bác bỏ kế hoạch hòa bình của chính quyền ông Biden

Các lãnh đạo Afghanistan đã bác bỏ kế hoạch do chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất nhằm chấm dứt xung đột quân sự với lực lượng Taliban.

Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn nhưng sự thách thức vươn xa

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đứng trước sức ép mới cần sớm đưa ra cách tiếp cận với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Quan chức Mỹ gốc Á chịu bất công, bị coi là dân ngoại quốc ở quê nhà

Tình trạng phân biệt đối xử với quan chức ngoại giao Mỹ gốc Á đã diễn ra trong thời gian dài, nguyên nhân bởi dân gốc Á luôn bị coi là người nước ngoài.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm