Trước đó, chính quyền của Tổng thống Biden gây sức ép để Afghanistan chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban, trong bối cảnh đàm phán giữa các phe phái ở Afghanistan đang rơi vào bế tắc, Reuters ngày 23/3 đưa tin.
Washington đề xuất thay thế chính phủ hiện nay ở Kabul bằng một chính phủ tạm quyền, theo cơ chế chia sẻ quyền lực giữa phe đang nắm quyền với lực lượng Taliban.
Tuy nhiên, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani kiên quyết phản đối mọi giải pháp buộc chính phủ của ông từ chức mà không qua bầu cử. Ông Ghani cho biết sẽ giới thiệu một đề nghị khác tại hội nghị hòa bình quốc tế diễn ra ở Istanbul vào tháng 4.
"Phương án chúng tôi đề nghị bao gồm tổ chức bầu cử tổng thống sớm nếu Taliban đồng ý ngừng bắn", một quan chức cấp cao trong chính quyền Afghanistan nói.
Mỹ hiện có khoảng 2.500 quân đồn trú ở Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Afghanistan cho biết giải pháp của Tổng thống Ghani sẽ đề nghị Liên Hợp Quốc tham gia giám sát cuộc bầu cử để bảo đảm minh bạch.
Washington hiện chạy đua với thời gian để tìm ra giải pháp chính trị cho tình hình ở Afghanistan, trước khi hạn chót rút toàn bộ quân đội Mỹ đến vào ngày 1/5.
Chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách vận động các nước trong khu vực ủng hộ giải pháp chia sẻ quyền lực không qua bầu cử. Tuy nhiên, giới ngoại giao nhận định mọi giải pháp của Washington sẽ bất khả thi nếu Tổng thống Ghani từ chối hợp tác.
Washington đang đánh giá kế hoạch hoàn thành rút quân vào ngày 1/5. Đây là hạn chót đạt được theo thỏa thuận giữa chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và Taliban. Mỹ hiện có 2.500 binh sĩ đóng tại Afghanistan.
Tuần trước, trả lời phỏng vấn đài ABC, Tổng thống Biden cho biết "khó" có thể rút quân kịp thời hạn nói trên.
Trong khi đó, Taliban đe dọa sẽ có hậu quả nếu Mỹ không rút quân kịp thời hạn hai bên đã thống nhất.