New York Times đưa tin hai vụ tấn công đã xảy ra khi các nhân viên rời khỏi trụ sở để trở về nhà. Một người phụ nữ khác bị thương và đã được đưa đến bệnh viện.
Nhân viên bệnh viện đang di chuyển xác của người phụ nữ bị bắn chết trong cuộc tấn công ngày 2/3. Ảnh: Getty. |
Juma Gul Hemat, Cảnh sát trưởng tỉnh Nangarhar, cho biết lực lượng an ninh đã bắt giữ một đối tượng có vũ trang sau các vụ xả súng trên. Theo nhận định, nghi phạm có thể là một thành viên của Taliban và được trang bị súng giảm thanh. Tuy nhiên, người phát ngôn Taliban đã phủ nhận trách nhiệm của nhóm trong vụ việc này.
Bà Shaharzad Akbar, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan, đã miêu tả cuộc tấn công vào ngày 2/3 là “kinh khủng". Bà chia sẻ: "Phụ nữ Afghanistan là đối tượng mục tiêu bị nhắm đến và tấn công quá thường xuyên”.
Vào tháng 12/2020, một người dẫn chương trình truyền hình tại đài phát thanh Enikass cũng đã bị bắn chết. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan đã thừa nhận họ đứng sau cuộc tấn công này.
Người dân tham dự lễ chôn cất nạn nhân Malalai Maiwand, người đã bị bắn chết vào tháng 12/2020. Ảnh: Reuters. |
Theo các quan chức địa phương, số lượng các vụ tấn công vào nhân viên truyền thông và nhà báo tại Afghanistan đã tăng lên mức báo động trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, từ năm 2018 đến nay, hơn 30 nhân viên truyền thông và các nhà báo đã bị giết ở Afghanistan.
Tổ chức Taliban được xem là chủ mưu đứng sau làn sóng ám sát tại Afghanistan. Các nhà báo, thẩm phán, công tố viên và các nhà hoạt động dân sự đều trở thành mục tiêu hàng đầu của làn sóng ám sát vì động cơ chính trị.
Thương vong dân sự tại đất nước này vẫn gia tăng nhanh chóng sau khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ và lực lượng Taliban được khởi động từ tháng 9/2020.
Trước sự bất ổn tại Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc có nên tuân thủ kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan trước thời hạn 1/5 mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết trước đó hay không.