Nhà tù Taliban có thể là một căn nhà đổ nát, một tầng hầm bẩn thỉu trong tòa nhà bỏ hoang hay một nhà thờ Hồi giáo trong làng, theo New York Times.
Đánh đập là điều chắn chắn, còn bản án cho các tù nhân thường vô thời hạn. Thức ăn, nếu có, là bánh mì cũ và đậu nguội. Giường của họ là sàn nhà hoặc một tấm thảm dơ dáy. Sự đe dọa ám ảnh của cái chết luôn hiện hữu nơi đây.
Việc Mỹ có thể chuẩn bị rút quân trong khi lực lượng an ninh của Afghanistan suy yếu khiến nước này khó có thể tự vệ, đồng nghĩa với việc Taliban có khả năng tiếp tục duy trì quyền lực và các hành động tàn bạo.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Một trong những công cụ đáng sợ nhất của Taliban là mạng lưới nhà tù đầy sự ngược đãi và đau đớn - nơi họ thường dùng để giam giữ những người Afghanistan. Đối tượng đa phần là binh lính và nhân viên chính phủ.
Chính phủ Afghanistan cũng bị cáo buộc ngược đãi trong các nhà tù của họ, khi Liên Hợp Quốc gần đây phát hiện ra rằng gần một phần ba tù nhân của quân đội Afghanistan phải chịu tra tấn.
Tại các nhà tù của Taliban, các tù nhân bị nhốt trong các phòng giam tạm thời và thường phải di chuyển qua nơi khác - từ một căn nhà đổ nát cho đến nhà thờ Hồi giáo biệt lập, rồi quay trở lại - mà không biết sự giam giữ sẽ kéo dài bao lâu.
“Ký ức về nơi đó thường quay lại với tôi trong giấc ngủ”, ông Hiatullah nói về 25 ngày bị giam cầm của mình. Ảnh: New York Times. |
Sayed Hiatullah, một người bán hàng 42 tuổi ở Faizabad, cho biết: "Ký ức về nơi đó thường quay lại với tôi trong giấc ngủ". Năm 2020, ông Hiatullah bị buộc tội oan tại một trạm kiểm soát của Taliban vì làm việc cho an ninh nhà nước. Ông bị giam cầm trong 25 ngày.
"Tôi luôn thức dậy và gào thét", ông nói. "Đó là thời kỳ đen tối nhất, cay đắng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã bị sốc trong suốt sáu tháng".
Atiqullah Hassanzada, 31 tuổi, một cựu binh bị bắt cùng năm khi đang trên đường đến bệnh viện quân y ở Kabul, kể lại lúc đã về nhà: "Tôi nhớ hết tất cả ký ức đó, từng giây, từng phút. Tôi đã bị đánh vào đùi và vai".
Bắt giữ hàng loạt
Faizabad, một thị trấn ở cực bắc Afghanistan và là thủ phủ của tỉnh Badakhshan, là nơi sinh sống của nhiều cựu tù nhân Taliban, khi lực lượng này kiểm soát nhiều tuyến đường từ đó đến thủ đô Kabul.
Tại Faizabad, Taliban sẽ giam giữ và trừng phạt trước khi đặt câu hỏi. Tại đây không có thẩm phán và tòa án, trong khi dân làng địa phương buộc phải cung cấp thức ăn. Mặc dù hàng nghìn người Afghanistan đã bị giam giữ theo cách này, không có số liệu nào thống kê cụ thể.
Faizabad, một thị trấn ở cực bắc Afghanistan và là thủ phủ của tỉnh Badakhshan, là nơi sinh sống của nhiều cựu tù nhân Taliban, khi lực lượng này kiểm soát nhiều con đường từ đây đến thủ đô Kabul. Ảnh: New York Times. |
Các lực lượng đặc biệt Afghanistan cho biết gần đây họ đã giải thoát hơn 40 người bị giam giữ khỏi một nhà tù của Taliban ở tỉnh Baghlan - một thông tin không hiếm gặp trên các chương trình truyền hình thời sự địa phương. Vào hôm 22/2, 23 người khác đã được trả tự do tại tỉnh Kunduz, sau khi bị Taliban "tra tấn nghiêm trọng", Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết.
Naqibullah Monand, người bị bắt khi lái xe đến nhà riêng ở tỉnh Kunduz vào năm 2020. Ảnh: New York Times. |
"Taliban đã chặn xe lại và bắt giữ tôi", Naqibullah Monand, người bị bắt khi lái xe đến nhà riêng ở tỉnh Kunduz vào năm 2020, cho biết. "Họ đặt tay lên ngực để kiểm tra nhịp tim của tôi", người dẫn chương trình truyền hình 26 tuổi nói.
Đối với Taliban, nhịp tim đập nhanh đồng nghĩa với việc có tội. Monand đã buộc mình phải giữ bình tĩnh, song anh vẫn phải trải qua 29 ngày bị nhốt trong một ngôi nhà hai phòng với 20 người khác. Anh ngủ trên một tấm thảm bẩn trên sàn, chỉ có một bóng đèn duy nhất chiếu sáng suốt đêm, trước khi những kẻ bắt giữ anh thừa nhận anh không phải thành viên của quân đội Afghanistan.
Khi nhà thờ không còn là chốn tôn nghiêm
Song, việc bắt giữ chỉ là khởi đầu của sự dày vò. Các chỉ huy địa phương, thường còn rất trẻ, có quyền tự do kiểm soát đối với tù nhân của họ.
"Hành vi của các thành viên Taliban cấp thấp rất tệ", Fazul-Ahmand Aamaj, một nhà hòa giải không chính thức lớn tuổi ở Faizabad, cho biết. Những người có người thân bị bắt thường tìm đến ông Aamaj để được giúp đỡ. Ông đã đảm bảo việc thả hàng chục người qua đàm phán.
Fazul-Ahmad Aamaj đã đảm bảo việc thả hàng chục tù nhân của nhóm thông qua các cuộc đàm phán. “Hành vi của các thành viên Taliban cấp thấp là rất tệ,” ông Aamaj nói. Ảnh: New York Times. |
Rahmatullah Danishjo, một sinh viên đại học bị bắt trên đường đến Kabul từ tỉnh Wardak vào tháng 9/2019. Anh bị trói và đưa đến một nhà thờ Hồi giáo trong làng.
Đối với các chỉ huy địa phương, nhà thờ Hồi giáo là một nhà tù lý tưởng. "Đó là trung tâm của ngôi làng. Tại nhiều nơi, nhà thờ Hồi giáo đồng nghĩa với Taliban", Ashley Jackson, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nhóm vũ trang, cho biết.
Taliban vận hành song song một mạng lưới tòa án dân sự, nơi xét xử các tranh chấp đất đai và các cuộc cãi vã trong gia đình. Những tòa án này, với phán quyết nhanh chóng, rất hiệu quả và được nhiều người Afghanistan hoan nghênh, đặc biệt khi so sánh với hệ thống tư pháp đầy sai sót của chính phủ.
Tòa án của Taliban cũng xét xử các vụ giết người cùng những hành vi vi phạm đạo đức và tôn giáo. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong một báo cáo năm 2020 rằng hệ thống pháp luật này "dựa vào đánh đập và các hình thức tra tấn khác".
Những tội phạm về chính trị - như làm việc cho chính phủ Afghanistan, hoặc ủng hộ chính phủ - đều không cần xét xử. Các chỉ huy địa phương của Taliban có quyền tuyệt đối "bắt giữ bất cứ ai mà họ cho là khả nghi", theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Mohammed Aman, 31 tuổi, một kỹ sư chính phủ, cho biết anh đã bị bắt khi đang từ Ghazni đến Kabul vào một buổi chiều tháng 11/2020. Ảnh: New York Times. |
Mohammed Aman, 31 tuổi, một kỹ sư làm việc cho chính phủ Afghanistan, cho biết anh đã bị bắt khi đang từ Ghazni đến Kabul vào một buổi chiều tháng 11/2020. Anh bị còng tay và đưa đến một nhà thờ Hồi giáo sau đó. Anh cho biết: "Có 10 hoặc 11 người khác cũng bị còng tay vào dây xích bên trong nhà thờ".
"Họ đến và đánh chúng tôi khi chúng tôi đang cầu nguyện vào buổi sáng", Danishjo, người bị giam trong một nhà thờ Hồi giáo khác, cho biết. "Họ đánh chúng tôi bằng gậy trong khoảng 5 phút vào lưng và tay".
Abdel Qadir Sharifi, 25 tuổi, người bị bắt khi căn cứ quân sự của anh bị đánh bại, nói: "Một trong những tay súng Taliban đã đánh chúng tôi trong sân nhà thờ. Tôi tin rằng họ sẽ giết tôi".
"Kẻ thù của nhân loại"
Ám ảnh của cái chết luôn hiện hữu nơi đây. Malik Mohammadi, một người nông dân 60 tuổi hiền lành, đã chứng kiến Taliban giết chết cậu con trai 32 tuổi Masrullah, một sĩ quan quân đội, trong một nhà tù như vậy.
Trong khoảng 9 ngày vào cuối năm 2020, Nasrullah bị những kẻ bắt giữ ngược đã, không cho uống thuốc mặc dù anh bị động kinh. Ông Malik thấy máu chảy ra từ miệng con trai và những vết bầm tím khắp người do bị đánh đập. Nasrullah qua đời vào ngày thứ 10.
Khi được triệu tập cùng với các già làng để thương lượng việc trả tự do cho con trai mình để đổi lấy các tù nhân Taliban, ông Mohammadi chỉ có thể thấy con trai mình ba lần trong thời gian ngắn ngủi Nasrullah bị giam cầm.
"Chúng cố gắng dựng con trai tôi dậy. Song nó liên tục ngã xuống", ông Mohammadi kể lại.
Ngày hôm sau, Taliban chuyển Nasrullah đến một ngôi nhà đổ nát. Đến ngày thứ chín, Nasrullah bất tỉnh. Trên người anh dính đầy nước tiểu và phân. "Taliban đã hành hạ con trai tôi", ông Mohammadi nói. "Tôi đã chứng kiến cái chết của con trai mình".
Em trai của Ruhollah Hamid bị Taliban bắt làm con tin và chết vì bị đối xử thậm tệ. Ảnh: New York Times. |
Những cái chết như vậy là một phần trong chiến lược kiểm soát của Taliban trên các lãnh thổ do lực lượng này cai trị. Trong khi chính phủ Afghanistan và các đại diện của Taliban ở Qatar vẫn đang đàm phám, ngay cả khi ý tưởng về hòa bình thực sự đã lùi xa.
Một người con trai khác của ông, Rohullah Hamid, 35 tuổi, một luật sư ở Kabul - người đã tham gia vào nỗ lực giải cứu em trai mình - cho biết: "Mỗi ngày, hàng chục người Afghanistan chết vì Taliban. Họ là kẻ thù của nhân loại".