Đoàn đàm phán Taliban gồm 21 người đàn ông, hầu hết có râu dài và từng tham gia cuộc chiến chống Liên Xô. Gần như tất cả phục vụ trong “chính quyền bóng tối” của nhóm phiến quân. Một vài trong số họ có liên quan tới các cuộc tấn công chết người, gồm cả thường dân, số khác cơ bản không được biết đến bên ngoài Taliban. Ảnh: AFP. |
Các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu vào tháng 9 tại Doha nhưng đã bị đình trệ do hai bên còn tranh cãi về các nguyên tắc cơ bản để đi đến thống nhất trên phạm vi lớn hơn: Lực lượng nào sẽ kiểm soát an ninh? Quyền của ai sẽ được bảo vệ?. Đây là sự kiện hiếm hoi khi các nhà đàm phán của phong trào Hồi giáo cực đoan khét tiếng có mặt tại thủ đô của Qatar. Ảnh: Reuters. |
Đại diện phía Taliban có trưởng đoàn Abdul Hakim, cấp phó của ông ta, Abbas Stanikzai, và năm tù nhân Taliban được trả tự do trong cuộc trao đổi với Mỹ tại Vịnh Guantánamo (Cuba) năm 2014. Ngoài ra, còn có Anas Haqqani, một trong những người có ảnh hưởng nhất và gây ra nhiều cái chết nhất của Taliban, theo Washington Post. Ảnh: Reuters. |
Abdul Hakim (thứ hai từ phải sang) chỉ vài tháng trước là chánh án của mạng lưới tòa án Taliban, không phải cái tên nổi tiếng bên ngoài phong trào. Trước khi được bổ nhiệm dẫn đầu đàm phán, ít người biết ông là học giả Hồi giáo được tôn trọng, từng làm giảng viên trường học Hồi giáo ở Quetta, Pakistan, nơi ông đào tạo nhiều thành viên cấp cao trong hàng ngũ. Ảnh: AP. |
Ashley Jackson, chuyên gia về Taliban của Viện Phát triển Hải ngoại (Anh), cho biết: “Việc chỉ định ông Hakim làm trưởng đoàn gửi đi thông điệp rằng Taliban không có ý gì khác ngoài việc thành lập một chính phủ Hồi giáo”. Ảnh: Reuters. |
Sher Mohammad Abbas Stanikzai (ảnh), người từng đến đàm phán tại Moscow (Nga) tháng 2/2019, giờ là phó đoàn tại Doha. “Nếu dùng một từ để mô tả Stanikzai, thì đó là ‘người sống sót'", Andrew Watkins, nhà phân tích cấp cao về Afghanistan từ viện nghiên cứu International Crisis Group (Washington), nói. Stanikzai được đào tạo quân sự ở Ấn Độ vào đầu những năm 1980 trước khi tham chiến chống Liên Xô ở Afghanistan. Trong thời gian Taliban kiểm soát Afghanistan, ông phục vụ trong các cơ quan ngoại giao và y tế của tổ chức. Ảnh: AP. |
“Taliban Five” (ảnh) - năm người tù nhân cũ ở Guantánamo - là những phiến quân kỳ cựu với gần 20 năm trên chiến trường và đến nay vẫn là những nhân vật được kính trọng của Taliban. “Trước khi vào tù, họ là những người được kính trọng, nhưng vào tù, họ cũng không bao giờ thay đổi niềm tin của mình”, Abdul Salam Zaeef, cựu đại sứ Taliban tại Pakistan, người cũng bị giam giữ nhiều năm tại Guantánamo, cho biết. Ảnh: AFP. |
Chưa đầy một năm kể từ khi Anas Haqqani (ảnh), 26 tuổi, ra tù ở Afghanistan, anh trở thành thành viên đội đàm phán. Là con trai út của Jalaluddin Haqqani, người sáng lập một trong những mạng lưới phiến quân nguy hiểm nhất liên hệ với Taliban, Anas là nhân vật chủ chốt có khả năng kiểm soát các phiến quân Taliban. “Thời gian trong tù càng khiến tôi khát khao, mong mỏi hòa bình hơn”, anh nói. Ảnh: Stars and Stripes. |
Sherin Akhund tham gia chiến trường gần đây nhất trong nhóm đàm phán. Ông là thân tín lâu năm của thủ lĩnh Taliban, Mohammad Omar, người chết năm 2013 nhưng đến 2015 mới được công khai. Sau một lần Sherin giúp Omar chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân đội Mỹ, nhà riêng của ông bị tấn công khiến 17 thành viên trong gia đình thiệt mạng. Ảnh: Reuters. |
“Đó được coi là sự hy sinh cá nhân lớn lao cho Taliban”, cựu phiến quân Taliban Muhammad Manzoor Hussaini nói. Đổi lại, Sherin được bổ nhiệm phụ trách an ninh cá nhân cho thủ lĩnh. Hussaini mô tả Sherin là nhà quân sự nhạy bén, giàu kinh nghiệm và từng được huấn luyện bởi các chiến binh Pakistan, Arab trong và ngoài Afghanistan. Ảnh: Reuters. |