Sau khi hủy bỏ chương trình nói trên của chính phủ tiền nhiệm, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết sẽ ưu tiên các sáng kiến xóa đói khác, bao gồm mở rộng chương trình tem phiếu, và các kế hoạch phân phối thực phẩm của chính phủ, Reuters đưa tin ngày 14/4.
Chương trình "Hộp thức ăn từ nông dân tới các gia đình" được chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khởi động từ tháng 5/2020, nhằm phân phát thực phẩm thu mua từ nông dân tới đối tượng là người Mỹ thất nghiệp.
Thực phẩm được đóng trong các hộp giấy tại Chicago, Illinois. Ảnh: Reuters. |
Để vận hành chương trình, chính phủ thuê hàng trăm công ty tư nhân đi thu mua thực phẩm thừa chưa qua chế biến, từ các nhà hàng, trường học, tàu biển, để vận chuyển tới các ngân hàng thực phẩm.
Thực phẩm tiếp tế tới người dân bao gồm sữa chua, thịt đông lạnh, trứng, trái cây, rau xanh.
Tuy nhiên, chương trình này nhanh chóng bộc lộ nhiều hạn chế.
Thực phẩm thu mua thường xuyên bị dập nát, hư hỏng trước khi được đưa tới nơi bảo quản phù hợp. Nhiều địa điểm tiếp nhận không có tủ lạnh phù hợp.
Một số công ty tham gia các khâu trong chương trình cũng tính chi phí gấp đôi so với thông thường.
Ngoài ra, quá trình vận chuyển hàng tiếp tế tới các địa điểm cứu trợ cũng gặp vấn đề về thời gian.
Khi chính phủ Mỹ quyết định đổi nhà thầu vận chuyển hoặc cung cấp thực phẩm, một số ngân hàng thực phẩm lại từ chối nhận hàng tiếp tế.
Bên cạnh đó, tình trạng phân phối thực phẩm không công bằng trên phạm vi toàn quốc cũng xảy ra.
Bộ Nông nghiệp Mỹ chi 4 tỷ USD trong năm 2020 cho chương trình này, nhiều gấp 6 lần ngân sách cứu trợ thực phẩm khẩn cấp thông thường.
Greg Ibach, cựu bộ trưởng Nông nghiệp dưới thời cựu Tổng thống Trump, cho biết ông cùng các cộng sự phải chạy đua với thời gian để cho ra đời chương trình cứu trợ lương thực.
"Khi đó, chúng tôi không có nhiều thời gian, người dân đói ăn, không có đủ thực phẩm trong cửa hàng, nếu có thì họ cũng không đủ tiền mua", ông Ibach cho biết.