Ngọn tháp và hầu hết mái của nhà thờ cổ hàng thế kỷ đã bị phá hủy nhưng hai tháp chuông và tòa nhà chính đã được cứu.
Video do Bộ Nội vụ Pháp công bố cho thấy quy mô của thảm họa. Nhà chức trách đã triển khai khoảng 400 lính cứu hỏa, bơm nước từ sông Seine và triển khai máy bay không người lái để khảo sát thiệt hại.
Các chuyên gia nói rằng vấn đề lớn nhất là việc tiếp cận các dầm trần gỗ tạo thành khung cho mái nhà cao vút.
"Điều khá rõ ràng trong 20 phút đầu tiên là nó sẽ là một đám cháy nghiêm trọng", Gregg Favre, cựu lính cứu hỏa của Sở cứu hỏa St. Louis ở Mỹ, nói với CNN.
Lính cứu hỏa đứng gần Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Reuters. |
Kiến trúc "bẫy" lửa và khói
Các nhân viên cứu hỏa sẽ gặp bất lợi "trước khi họ kịp rời sở cứu hỏa", Favre nói thêm.
Khi các dầm bắt đầu cháy, bề mặt đá phía ngoài giữ nhiệt và khói khiến lính cứu hỏa khó tiếp cận với nguồn lửa phía trong.
Chiều cao của Nhà thờ Đức Bà cũng đặt ra thách thức, cung cấp thêm oxy cho ngọn lửa và làm các nỗ lực để tiếp cận ngọn lửa trở nên phức tạp hơn.
"Vật liệu dễ cháy tăng lên trong không khí và các nhân viên cứu hỏa không thể nhanh chóng tiếp cận nó", Glenn Corbett, phó giáo sư tại Đại học Tư pháp hình sự John Jay của New York, cho biết.
Các biện pháp xử lý trên không như đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được coi là không thực tế.
"Có lẽ thủy phi cơ có thể được sử dụng để dập tắt nó. Phải hành động nhanh chóng!", ông Trump viết trên Twitter.
Tuy nhiên, theo Corbett, không phi công nào có thể thả nước "chính xác ở một chỗ trong khi di chuyển với tốc độ vài trăm dặm một giờ phía trên".
Corbett cũng loại trừ việc sử dụng máy bay trực thăng. "Một trong những vấn đề bạn gặp phải ở đây là luồng nhiệt bốc lên, nó giống như ống khói, bạn không thể lái máy bay trực thăng trong không khí nóng. Không khí rất loãng", ông nói.
Cơ quan an ninh dân sự Pháp cho biết việc đổ nước từ trên không có thể "làm suy yếu cấu trúc của Nhà thờ Đức Bà và dẫn đến thiệt hại tài sản cho các tòa nhà trong vùng lân cận".
Điều tồi tệ nhất không xảy ra
Bất chấp những thách thức lớn, 400 lính cứu hỏa đã cứu được tỷ lệ đáng kể của nhà thờ. Ngọn lửa được dập sau 9 giờ cháy phừng phừng.
Thomas Von Essen, cựu nhân viên của Sở cứu hỏa thành phố New York, người từng tham gia cứu hộ trong vụ tấn công ngày 11/9, cho biết bức ảnh về nội thất của nhà thờ sau vụ cháy rất đáng khích lệ.
Khói bốc lên trước bàn thờ ở thánh đường. Ảnh: AFP/Getty. |
"Mảnh vụn không chất thành đống cao ... thứ sẽ âm ỉ trong nhiều ngày. Có vẻ như họ đã dập tắt đám cháy này", Von Essen nói.
"Việc họ có thể kiểm soát đám cháy lan rộng như vậy và cứu một phần lớn tòa nhà, bao gồm cả hai tháp chuông, là một nỗ lực to lớn", Favre nói.
"Tôi nghĩ rằng bất kỳ nhân viên cứu hỏa nào làm công việc này để kiếm sống sẽ nói rằng đây là một vụ chữa cháy quan trọng và những người lính cứu hỏa nên được khen ngợi", ông nói.
Công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy đã bắt đầu ngay sau khi ngọn lửa được dập tắt. Đến lúc này, các quan chức vẫn xem đây là một tai nạn, có thể bắt nguồn từ việc trùng tu đang diễn ra tại nhà thờ, thay vì một vụ hỏa hoạn do cố ý.
Các "mạnh thường quân" đã bắt đầu tuyên bố sẽ quyên góp cho quá trình sửa chữa lại công trình được mệnh danh là "trái tim của Paris".
Tòa tháp cao nhất của nhà thờ đã bị sập nhưng phần khung chính cùng 2 tòa tháp chính đã "sống sót" qua ngọn lửa. Bên cạnh cấu trúc, các chuyên gia nghệ thuật quan tâm đến số phận của vô số tác phẩm nghệ thuật vô giá bên trong, bao gồm các di vật như vương miện gai, thứ hiếm khi được trưng bày.
Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng vào năm 1163 và hoàn thành năm 1345. Công trình với kiến trúc Gothic được xem là biểu tượng của Paris và là chứng nhân lịch sử của nước Pháp. Đây là tòa nhà đã sống qua những cuộc cách mạng của nước Pháp, 2 cuộc thế chiến, cũng chính là nơi Napoleon Bonaparte đăng cơ.