Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà thờ Đức Bà cháy tan hoang, giới nghệ thuật 'khóc ròng'

Nhà thờ Đức Bà, linh hồn của Paris, là "tượng đài vĩ đại cho tinh hoa văn minh nhân loại", khiến giới nghệ thuật toàn cầu xót xa khi chứng kiến ngọn lửa tàn phá nó trong bất lực.

Nhà thờ Đức Bà Paris đã cháy thế nào? Nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng văn hóa và là chứng nhân lịch sử suốt 850 năm qua của nước Pháp, đã bị hỏa hoạn vào ngày 15/4. Nội thất gỗ và tòa tháp cao nhất bị thiêu rụi.

Nhà thờ Đức Bà, công trình sống sót sau các cuộc chiến tranh và các cuộc cách mạng, đã tồn tại hàng thế kỷ không chỉ đơn thuần là nhà thờ lớn nhất của kiến trúc Gothic và viên ngọc của kiến trúc phương Tây.

Theo lời của một chuyên gia nghệ thuật, nó đã đứng vững như "một trong những tượng đài vĩ đại cho tinh túy của nền văn minh".

"Nền văn minh  rất mong manh"

Hôm 15/4, choáng váng và bất lực, giới nghệ thuật toàn cầu khóc ròng cùng người dân Paris khi ngọn lửa khổng lồ tàn phá nhà thờ yêu dấu.

Nha tho Duc Ba Paris anh 1
Nhà thờ Đức Bà trên đảo Ile de la Cite ở Paris, năm 1911. Ảnh: AP.

"Nền văn minh thật mong manh. Công trình đá đồ sộ này đã tồn tại từ năm 1163. Nó đã trải qua rất nhiều gian nan", Giáo sư Barbara Drake Boehm, giám tuyển cấp cao tại Bảo tàng Nghệ thuật thời trung cổ Metropolitan chi nhánh Cloisters ở New York, xúc động nói về ý nghĩa của nhà thờ.

"Nó không phải là một thánh tích, không phải một mảnh thủy tinh. Nó là tổng hòa của tất cả. Nó là linh hồn của Paris, nhưng không chỉ đối với người Pháp. Đối với toàn nhân loại, nó là một trong những di tích vĩ đại cho tinh hoa của nền văn minh", bà Boehm cố gắng tìm từ ngữ đủ sức nặng để mô tả ý nghĩa to lớn của nhà thờ khi bình luận với AP.

Ngay sau đó, người đứng đầu sở cứu hỏa Paris tuyên bố lính cứu hỏa cuối cùng đã cứu được công trình, bao gồm cả hai tòa tháp chính. Phần lớn mái nhà đã bị phá hủy.

Nguyên nhân chính xác của vụ cháy chưa được xác định. Báo chí Pháp dẫn lời đội cứu hỏa nói rằng vụ hỏa hoạn có thể có liên quan dự án trùng tu trị giá 6 triệu euro (6,8 triệu USD) trên mái nhà thờ với 250 tấn chì trên đó. Văn phòng Công tố viên Paris cho biết họ đang coi đó là một tai nạn.

Nha tho Duc Ba Paris anh 2
Ảnh Nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1987. Ảnh: AP.

Việc xây dựng Nhà thờ Đức Bà (tiếng Pháp là "Notre Dame") bắt đầu từ thế kỷ thứ 12 và tiếp tục trong gần 200 năm. Nó bị hư hỏng và rơi vào lãng quên trong Cách mạng Pháp.

Công trình nhận được sự chú ý sau khi tiểu thuyết Thằng gù Nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo xuất bản năm 1831, dẫn tới việc cải tạo trong hai thập kỷ, bao gồm các trụ chống kiểu Gothic và chóp nhọn nổi tiếng.

Napoleon Bonaparte đã lựa chọn Nhà thờ Đức Bà cho lễ đăng quang vào năm 1804 và kết hôn ở đó vào năm 1810.

Các chuyên gia lưu ý rằng Nhà thờ Đức Bà là tổng hợp thẩm mỹ hài hòa của các thế kỷ khác nhau. "Tất cả đều hòa quyện với nhau một cách hài hòa", Nancy Wu, chuyên gia kiến trúc và giáo dục thời trung cổ tại Met Cloisters, nói.

Bà nói rằng sự tinh tế của cấu trúc, cũng như trong ba cửa sổ hoa hồng kính màu tuyệt đẹp, và các chạm khắc trang nhã bên ngoài đã gây ấn tượng mạnh với bà.

Linh hồn của quá khứ và hiện tại

Bên cạnh cấu trúc, các chuyên gia nghệ thuật quan tâm đến số phận của vô số tác phẩm nghệ thuật vô giá bên trong, bao gồm các di vật như vương miện gai, thứ hiếm khi được trưng bày.

"Nhà thờ này có một số thứ không chỉ nổi tiếng mà còn có ý nghĩa về mặt tôn giáo. Một trong số đó là vương miện gai mà các tín đồ tin rằng từng được Đấng Cứu thế đội lên đầu. Nó được giữ ở nơi rất an toàn nhưng đám cháy có thể gây ra thiệt hại rất lớn", Julio Bermudez, giáo sư khoa kiến trúc và quy hoạch tại Đại học Công giáo ở Washington D.C, nói. 

Ông cũng bày tỏ lo lắng về những ô cửa kính màu đẹp đẽ mà ông nói là "thật sự không thể thay thế".

Nha tho Duc Ba Paris anh 3
Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy bên dòng sông Seine vào ngày 15/4. Ảnh: Reuters.

Những người lo lắng về sức chịu đựng của nhà thờ có lẽ sẽ được an ủi khi biết câu chuyện ly kỳ về Notre Dame. Năm 1977, các công nhân phá dỡ một bức tường ở khu vực khác tại Paris phát hiện 21 cái đầu thuộc về những bức tượng từ thế kỷ 13 của nhà thờ.

Các vị vua của Judea, ví dụ điển hình của nghệ thuật Gothic, bị lấy đi từ Nhà thờ Đức Bà trong cuộc Cách mạng Pháp. Những người chống đối hoàng gia chém đầu các bức tượng vì lầm tưởng chúng đại diện cho các vị vua Pháp. Những cái đầu hiện được trưng bày trong Bảo tàng Cluny của thủ đô.

Sự thương tiếc không giới hạn trong giới nghệ thuật. Các lãnh đạo tôn giáo cũng bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sự tàn phá Nhà thờ Đức Bà.

Đức Hồng y Timothy Dolan, tổng giám mục New York, cho biết ông đang cầu nguyện cho Notre Dame, công trình mà ông cho là "đứng sau Vương cung Thánh đường Thánh Peter trong số các nhà thờ có khả năng nâng tâm trí và trái tim của chúng ta trở lại với Chúa".

"Đối với người Pháp, Thiên Chúa của tôi, đối với thế giới, Nhà thờ Đức Bà đại diện cho những gì nổi bật nhất, cao đẹp nhất, những gì truyền cảm hứng nhất về công trình của con người", ông nói.

Giám tuyển Boehm của Cloisters cho rằng đây là một công trình sống động bất chấp tuổi tác, nơi bà có thể cùng lúc cảm nhận quá khứ và hiện tại khi đứng trong nhà thờ.

"Khi bạn bước vào bên trong nó, bạn ngay lập tức có cảm giác về tất cả mọi thứ từng xuất hiện trước đó và mọi thứ hiện diện ở hiện tại", bà nói.

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris dưới ống kính người dân Paris Tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris đã đổ sập trong vụ hỏa hoạn khủng khiếp bùng phát ngày 15/4. Thế giới theo dõi hình ảnh đau lòng đó bằng hàng nghìn đoạn video do người Paris tự quay.

Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy dữ dội

Vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng hôm 15/4 khi công trình này đang tu sửa, đe dọa phá hủy một trong những dấu ấn kiến trúc hàng đầu châu Âu.

Người dân Paris sững sờ nhìn hỏa hoạn thiêu rụi Nhà thờ Đức Bà

Hỏa hoạn xảy ra ở công trình kiến trúc nổi tiếng của Pháp khiến người dân chết lặng. Họ tụ tập bên ngoài thánh đường để cầu nguyện khi lính cứu hỏa vật lộn để bảo vệ nhà thờ.

Tuyết Mai (Theo AP)

Bạn có thể quan tâm