Có nhiều chuỗi cà phê đã khẳng định được vị thế trên thị trường với số cửa hàng lớn và lượng khách hàng quen. Tuy nhiên, cũng có không ít thương hiệu lớn nước ngoài vấp phải sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Việt Nam, nên thất bại và phải rút lui.
Nhiều chuỗi cà phê đang mở rộng nhanh, số lượng điểm bán lớn nhưng lợi nhuận thu về không cao. Các chuyên gia cho rằng để cạnh tranh trên thị trường, các chuỗi cần giải cùng lúc nhiều bài toán như thuê mặt bằng, chi phí vận hành, chất lượng dịch vụ...
Chuỗi cà phê ngoại vào Việt Nam nhưng không "dễ ăn"
Giới trẻ TP.HCM từng bị thu hút bởi đồ uống và các món tráng miệng kiểu Mỹ của chuỗi cà phê New York Dessert Café - NYDC vào giai đoạn 2009-2010. Với khoản đầu tư từ Tập đoàn SUTL (Singapore), thời điểm hoàng kim NYDC sở hữu 6 cửa hàng tại TP.HCM.
SUTL thậm chí dự định nâng số cửa hàng lên 20 trong 5 năm kế tiếp. Tuy nhiên, lượng khách rời bỏ NYDC cũng nhanh như khi đến khiến tình hình kinh doanh của chuỗi dần đi vào bế tắc. Tháng 7/2016, cửa hàng cuối cùng của NYDC tại Metropolitan (TP.HCM) đóng cửa, kết thúc hơn 7 năm kinh doanh tại thị trường Việt.
Gloria là chuỗi cà phê nổi tiếng tại Australia nhưng thất bại ở thị trường Việt Nam. Ảnh: Gloria. |
Chuỗi Gloria Jean’s Coffee (Australia) cũng chung số phận với nhiều chuỗi cà phê ngoại khác khi vào Việt Nam. Mở cửa lần đầu vào năm 2006 qua hợp đồng nhượng quyền thương mại, Gloria tham vọng đạt kết quả kinh doanh ở Việt Nam như từng có tại Thái Lan và Malaysia.
Trong 6 năm đầu, chuỗi này mở 6 cửa hàng tại TP.HCM và 1 tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc thua lỗ liên tục đã khiến nhiều cửa hàng trong chuỗi sớm phải đóng cửa. Tháng 4/2017, cửa hàng cuối cùng tại Việt Nam trong chuỗi cà phê nổi tiếng của Australia cũng đã đóng cửa.
Kết quả tương tự cũng xảy ra với Coffee Bar, chuỗi cà phê nổi tiếng châu Âu, hay Coffee Bene của Hàn Quốc. Mang theo tham vọng lớn vào thị trường Việt nhưng các chuỗi này đều phải rời đi khi số cửa hàng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không chỉ các chuỗi cà phê ngoại, không ít chuỗi cà phê bản địa cũng từng là "nạn nhân" trên chính sân nhà của mình.
Thành lập năm 2013, The KAfe của nhà sáng lập Đào Chi Anh từng được coi là biểu tượng của startup Việt với mô hình mới lạ. Chuỗi này từng nhận được 5,5 triệu USD vốn đầu tư từ Cassia Investment (Hong Kong).
Mở rộng với hàng chục cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng chỉ sau 3 năm hoạt động và hơn một năm nhận vốn "khủng", nhà sáng lập kiêm CEO Đào Chi Anh đã bất ngờ rời khỏi ban lãnh đạo The KAfe.
Kết quả kinh doanh của chuỗi sau đó cũng nhanh chóng đi xuống. Tháng 4/2017, các cửa hàng của The KAfe tại Hà Nội và TP.HCM đều lần lượt đóng cửa.
Tương tự, The Coffee Inn từng là thương hiệu nổi tiếng Hà Nội, doanh thu của chuỗi tăng rất mạnh ở giai đoạn 2013-2014. Tuy nhiên, cũng từ năm 2014, sự nổi lên của một số thương hiệu trà sữa cùng nhiều chuỗi cà phê lớn khác khiến các cửa hàng của The Coffee Inn dần vắng khách. Đến tháng 9/2016, chuỗi này đã phải đóng 3/4 số cửa hàng của mình.
Lý do các chuỗi cà phê lớn thất bại?
Thời điểm Gloria Jean’s Coffee đóng cửa hàng cuối cùng của mình tại Việt Nam, doanh nhân Hoàng Khải, chủ cửa hàng, cho biết nguyên nhân của sự rút lui này vì công ty mẹ bên Australia đã hết hợp đồng nhượng quyền.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Gloria đã không biết cách thâm nhập vào một thị trường cà phê "béo bở" như Việt Nam. Bên cạnh đó, việc gia nhập thị trường mới mang tính chất may rủi, do thị trường quyết định chứ không phải cứ thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài mang vào Việt Nam là sẽ thành công.
Ông Nguyễn Phi Vân, người đầu tiên mang Gloria về Việt Nam, cũng cho rằng sự sụp đổ này là do việc áp dụng một mô hình kinh doanh đã được phát triển ở Australia cho thị trường không phù hợp.
Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành nhận định thực đơn đắt tiền và vị trí kinh doanh là những vấn đề chính khiến NYDC phải ra đi.
Ngoài việc phải chi rất nhiều tiền để có được các vị trí đẹp ở mặt tiền các trung tâm thương mại, đồ uống đắt tiền của NYDC khiến số lượng khách quen quay lại không nhiều. Ngoài ra, chuỗi này xuất hiện cùng thời điểm và phải cạnh tranh với các chuỗi nội địa khác như Phúc Long, The Coffee House, Urban Station, Trung Nguyên...
Áp lực chi phí, chủ yếu ở chuyện thuê mặt bằng cũng được cho là nguyên nhân khiến The Coffee Inn thất bại. Trước thời điểm đóng cửa hàng loạt, hầu hết cửa hàng của chuỗi này đều kinh doanh trong tình trạng không đủ bù chi phí.
Với những chuỗi không phải lo về chi phí, câu chuyện quản trị lại là thành trở ngại như với The KAfe. Không thiếu tiền khi nhận đầu tư của Cassia Investment nhưng sau sự ra đi không lý do của nhà sáng lập, chuỗi này nhanh chóng đi xuống và phải đóng toàn bộ cửa hàng vì thua lỗ.
Chi phí khiến nhiều chuỗi cà phê "nặng gánh"
Ngay những chuỗi cà phê đang vận hành hiện nay, chi phí (chủ yếu là bán hàng và thuê mặt bằng) cũng là bài toán "đau đầu".
Theo đó, chỉ một số chuỗi lớn như Highlands Coffee, The Coffee House, hay Starbucks… hiện kinh doanh có lãi. Còn những The Coffee Bean & Tea Leaf, Trung Nguyên, Aha Cafe, Gemini… đều đang thua lỗ. Thậm chí lỗ nhiều năm liên tiếp.
Nguyên nhân thua lỗ của The Coffee Bean & Tea Leaf và Aha Cafe là do kinh doanh dưới giá vốn khi tỷ suất lãi gộp của 2 chuỗi này năm 2018 ghi nhận số âm. Năm 2018, The Coffee Bean lỗ tới 29 tỷ đồng, trong khi số lỗ của Aha Cafe cũng gần 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, Trung Nguyên và Gemini vẫn ghi nhận tỷ suất lãi gộp dương, nhưng không đủ bù chi phí, một phần trong đó là tiền thuê mặt bằng quá lớn, bào mòn toàn bộ lợi nhuận của chuỗi.
Ngay những chuỗi cà phê đang có lãi hiện nay, chi phí để vận hành và duy trì kinh doanh cũng rất lớn. Năm 2018, Highlands Coffee ghi nhận hơn 1.628 tỷ đồng doanh thu, với biên lãi gộp lên tới 69%, lãi gộp trước chi phí của chuỗi này vào khoảng 1.123 tỷ.
Tuy nhiên, riêng chi phí bán hàng năm vừa qua đã lên tới gần 850 tỷ. Cùng với các chi phí khác, lợi nhuận sau thuế chuỗi này thu về chỉ còn hơn 99 tỷ đồng.
Với The Coffee House, chuỗi đạt 669 tỷ đồng doanh thu cùng năm, và biên lãi gộp lên tới 69%, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt chưa đầy 2 tỷ. Nguyên nhân khiến chi phí của The Coffee House tăng cao được lý giải do chuỗi đang trong giai đoạn mở rộng, và phải gia tăng số lượng cửa hàng nhanh chóng.
Chỉ trong năm 2018, số lượng cửa hàng của chuỗi này đã tăng từ 80 lên 140 cửa hàng, điều này khiến hàng loạt chi phí từ bán hàng, vận hành, nhân viên tới thuê mặt bằng tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tương tự là các chuỗi Starbucks Việt Nam, Phúc Long dù ghi nhận doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cùng biên lãi gộp 20-35%, nhưng lợi nhuận thu về chỉ vài tỷ đồng mỗi năm.