Hợp đồng của ông Jurgen Gede với bóng đá Việt Nam chỉ có thời hạn 2 năm. Ảnh: Thanh Hà |
Cần bao nhiêu thời gian để thay đổi một nền bóng đá? Người Đức mất 8 năm để thay đổi triết lý trước khi vô địch World Cup 2014, Trung Quốc muốn thành siêu cường trước năm 2050, Nhật Bản có kế hoạch dài hạn mang tên “Tầm nhìn 100 năm”. Còn Việt Nam thì sao?
2 năm, chỉ đúng 2 năm. Đó là thời hạn hợp đồng của VFF dành cho tân Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede. Chia sẻ trong buổi lễ ra mắt Giám đốc kỹ thuật mới hôm 20/6, Tổng thư ký Lê Hoài Anh nói: “Chúng tôi ký hợp đồng 2 năm với ông Jurgen Gede để bước đầu bắt tay vào việc xây dựng lại bóng đá trẻ. Chúng tôi hy vọng có cơ hội gia hạn hợp đồng với ông ấy sau khi đánh giá kết quả làm việc 2 năm đầu tiên.”
Theo VFF, ông Gede có ba nhiệm vụ chính phải thực hiện: Định hướng và xây dựng lại hệ thống đào tạo trẻ, đào tạo đội ngũ huấn luyện viên theo chuẩn và tư vấn cho các đội tuyển quốc gia. Với từng ấy nhiệm vụ, VFF chỉ cho ông Gede đúng 2 năm.
Quy trình đào tạo chuẩn của một cầu thủ trẻ bắt đầu ở tuổi U11, kết thúc ở tuổi U18 hoặc U19 tùy theo các hệ thống đào tạo khác nhau. Tới tuổi U21, cầu thủ trẻ được coi là cầu thủ trưởng thành. Lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG cũng tuân thủ quy tắc ấy với giáo trình 7 năm đào tạo bắt đầu từ tuổi 11. Đó là chưa kể tới thời gian nghiên cứu nền tảng, xây dựng lại hệ thống trẻ, thống nhất triết lý chung. Như vậy, chúng ta cần tối thiểu 6 tới 7 năm để thay đổi một triết lý, một nền bóng đá.
6 cũng là con số “thần thánh” cho những kế hoạch dài hạn trong bóng đá. Không hề tình cờ khi Manchester United lại ký hợp đồng 6 năm với David Moyes hồi năm 2013. Người tiềm nhiệm của Moyes là Alex Ferguson cũng mất đúng 6 năm để trình làng thế hệ 1992 huyền thoại.
Nếu nền bóng đá là một cái cây thì đội tuyển quốc gia là đỉnh, triết lý, đào tạo trẻ là gốc rễ. Chiến thuật đội tuyển có thể thay đổi theo từng trận. Còn chiến lược gốc rễ phải vững vàng, xuyên suốt. Làm bóng đá, không kiên nhẫn không được.
Để một chiến lược phát huy hiệu quả, thời gian là điều kiện tiên quyết. Yêu cầu tối thiểu ấy của ông Gede cũng chính là thứ mà VFF không có. VFF tin rằng 2 năm là đủ để ông Gede tạo ra khác biệt, là đủ để họ đánh giá hiệu quả công việc của ông.
VFF yêu cầu ông Gede một sự dài hạn nhưng chỉ cho ông thời gian ngắn hạn. Họ đòi hỏi ông một chiến lược cho hàng chục năm nhưng chỉ cho ông hai năm thực hiện. Họ muốn những danh hiệu đỉnh cao nhưng luôn nóng vội trong xây dựng chân đế. Họ kỳ vọng một sự thay đổi vĩ đại nhưng lại sợ đặt một niềm tin tối thiểu.
Ông Gede từng nói ông tưởng tượng được những khó khăn khi làm việc trong môi trường bóng đá châu Á. Nhưng khó khăn kiểu này, chắc ông chưa lường trước được.
Để thành công, ông Gede cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía lãnh đạo VFF. Ảnh: Thanh Hà |
Lịch sử bóng đá Việt Nam đã có những bằng chứng nhãn tiền về thứ tư duy ngắn hạn của VFF. Kể từ năm 2008 tới nay, đội tuyển quốc gia trải qua 6 đời HLV chính thức với vô sô triết lý khác biệt. Henrique Calisto đá bóng ngắn, Falko Gotz đá dãn biên, Toshiya Miura chuộng thể lực... Đến Hữu Thắng, đội tuyển lại quay về với bóng ngắn. Thời gian trung bình cho 1 HLV ở tuyển Việt Nam chỉ là 1,3 năm. Thành công như Calisto cũng phải ra đi 3 năm sau ngôi vô địch.
Ngay khi đã sở hữu những con người hợp lý, VFF cũng không có giải pháp nào để hỗ trợ họ phát huy năng lực chuyên môn. Trưởng giải Tanaka Koji phải ra đi sau một năm làm việc, không tạo được dấu ấn nào vì thiếu sự hợp tác. HLV Alfred Riedl từng nói một câu nổi tiếng về tư duy ngắn hạn của bóng đá Việt Nam. Câu nói ấy đến hôm nay đã trở thành kinh điển: Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc.
Với cái nền hoang tàn ấy, nhiệm vụ của ông Gede có khác gì nhiệm vụ “bất khả thi”?