Khi Kin Chai còn là một cậu nhóc ở Trung Quốc những năm 90 của thế kỷ trước, trường học của anh không có một đội bóng thực sự nào. Chẳng có sân bóng, thậm chí là một quả bóng bình thường cũng rất xa xỉ. Bọn trẻ con chỉ dùng một chiếc bình nhựa rỗng làm bóng, còn mặt đường làm sân để đá với nhau.
Kin Chai chia sẻ: “Đó là một ngôi làng nhỏ kém phát triển, chúng tôi cố gắng tạo ra một cuộc thi, nhưng trường học thì không đủ kinh phí”.
Nhiều trẻ em ở Trung Quốc tham gia tập luyện bóng đá, nhưng bao nhiêu trong số này thật sự có tình yêu với bóng đá? |
Hai mươi năm trôi qua như một cái chớp mắt, Trung Quốc lúc này đang trong giai đoạn bùng nổ của sự phát triển bóng đá. Hàng tỷ USD được đầu tư không chùn tay để một ngày nào đó hiện thực hóa giấc mơ hóa rồng của chủ tịch Tập Cận Bình. Một ngày nào đó Trung Quốc sẽ là nơi đăng cai World Cup, rồi xa hơn nữa là vô địch giải đấu.
Đã từ lâu, Trung Quốc là quốc gia rất cuồng nhiệt những giải đấu lớn như Ngoại hạng Anh. Hiện tại, giải đấu trong nước đang đẩy mạnh việc thu hút nhân tài và mở hàng ngàn học viện để đào tạo các thế hệ tài năng nối tiếp sau đó. Tuy nhiên, có một thứ mà tiền không thể nào mua được: Tình yêu với trái bóng.
Nhiều chuyên gia nhận định đây chính là cốt lõi của việc phát triển tài năng trong bóng đá. Kin Chai biết điều này. Anh cùng với những thành viên trong nhóm hàng ngày làm công việc truyền cảm hứng chơi bóng cho trẻ em Trung Quốc, những người đang trong tình trạng quá tải với việc học và không có thời gian để chơi thể thao.
Với tinh thần trên, một tổ chức với tên gọi “Dreams Come True” ra đời. Đây là tổ chức phi lợi nhuận nhằm cố gắng xây dựng một mạng lưới trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Mục tiêu của tổ chức là hướng đến những chương trình bóng đá ngoài giờ học để nâng cao thể chất và khuyến khích niềm đam mê cho trẻ em với môn thể thao này.
Chủ tịch Zhou Weihao của tổ chức cho biết: “Chúng tôi tổ chức các buổi huấn luyện ngắn trong thời gian rỗi của các em. Điều quan trọng theo mục tiêu của chương trình này là, chúng tôi muốn các em trở thành người có ích cho xã hội. Mỗi học viên sẽ thể hiện khả năng của mình để có thể tiếp tục những bài tập nâng cao khác.”
Phương pháp này có vẻ trái ngược với những gì mà ngành công nghiệp bóng đá Trung Quốc đang hướng đến, điển hình là đại gia bất động sản Evergrande. Họ là sở hữu của CLB Guangzhou Evergrande, đương kim vô địch Trung Quốc và châu Á.
CLB này đã xây dựng một học viện bóng đá rất lớn kết hợp với gã khổng lồ của Tây Ban Nha – Real Madrid. Nơi đây quy tụ 2.000 học viên tham gia tập luyện miệt mài mỗi ngày để trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp.
Bằng cách này, Trung Quốc đã trở thành cường quốc thể thao và luôn đi đầu trong những kỳ Olympic gần đây. Họ tạo ra một nền công nghiệp thể thao, nơi sản sinh rất nhiều tài năng thể thao tầm cỡ, nhưng đi lên bằng cách luyện tập vô cùng khắt khe và cực khổ. Tuy nhiên, phương pháp này không thể áp dụng vào bóng đá.
Chuyên gia phân tích thể thao Mark Dreyer đồng ý với quan điểm này: “Phương pháp mà Trung Quốc làm với những môn thể thao khác không thể thành công với bóng đá. Đơn giản là không thể buộc trẻ con chơi những thứ mà chúng không muốn. Xây dựng từ cơ sở, hoàn thiện nền bóng đá theo mô hình kim tự tháp là điều quan trọng nhất.”
Bóng đá gắn liền với chính trị
Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào công tác đào tạo trẻ. |
Quy mô và tham vọng của Evergrande cho thấy những công ty lắm tiền nhiều của ở Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh mẽ để đạt được mục đích cuối cùng bằng bóng đá. Các ông trùm tài chính hiểu rằng bóng đá sẽ tác động rất lớn đến chính trị, điều này bắt nguồn từ việc chính quyền Trung Quốc đưa thể thao trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Năm ngoái, tỷ phú Wang Jianlin của tập đoàn Wanda đã mua lại 20% cổ phần của Atletico Madrid. Đến tháng 3 năm nay, họ tiếp tục ký hợp đồng tài trợ với FIFA. Trong quyển sách mới đây của mình, ông Wang đã viết: “Những nhà lãnh đạo của chính quyền rất quan tâm đến thể thao, đặc biệt là bóng đá. Vì thế tôi đã trở lại và giúp đỡ cho nền bóng đá nước nhà.”
Bóng đá Trung Quốc từ lâu đã bị tụt lại phía sau so với những cường quốc trong khu vực. Họ chỉ đứng hạng 81 trên thế giới và duy nhất một lần góp mặt ở World Cup năm 2002. Tháng 3 vừa qua, họ cũng cần rất nhiều may mắn để đi đến vòng loại cuối cùng cho World Cup 2018 được tổ chức ở Nga.
Chính quyền đã đưa ra nhiều mục tiêu phát triển lâu dài cho bóng đá Trung Quốc. Cụ thể, họ muốn đưa nền bóng đá nước nhà dẫn đầu nhân loại trong năm 2050. Trong vòng 4 năm tới, Trung Quốc sẽ phát triển 20.000 học viện bóng đá và 30 triệu trẻ em sẽ được chơi bóng thường xuyên.
Giấc mơ của người Trung Quốc
Những chuyên gia bóng đá cho biết văn hóa Trung Quốc đang là trở ngại lớn của họ trong việc phát triển bóng đá. Kỳ thi đại học hàng năm thường tạo áp lực rất lớn cho các học sinh, các em không thể nào cân bằng để dành chút thời gian cho bóng đá.
Trung Quốc mở rất nhiều học viện bóng đá trong thời gian qua. |
Bà Mary Gallagher đến từ đại học Michigan cho biết: “Trẻ em có rất ít thời gian cho thể thao. Liệu rằng các bậc làm cha mẹ có để con em của mình có cơ hội để chơi bóng hay không?”
Cựu HLV tuyển Anh, Sven-Goran Eriksson, hiện đang là thuyền trưởng của CLB Shanghai SIPG, phàn nàn: “Tham gia chơi bóng ở Trung Quốc gần như là không có ở đất nước này. Những người trẻ chọn chơi cầu lông, bóng bàn, bóng rổ thay vì bóng đá.”
Tuy nhiên, tổ chức Dreams Come True đã tạo ra một luồng dư luận khác. Một bà mẹ khi xem con trai của mình chơi bóng theo chương trình định hướng của tổ chức đã cho biết: “Thằng bé không xem TV, không đọc truyện tranh. Tất cả những gì nó nghĩ đến là bóng đá. Nâng cao trình độ của bản thân để thực hiện ước mơ của mình, đó là ước mơ của chúng tôi, ước mơ của Trung Quốc.”