Mỗi khi có cầu thủ ghi bàn, hàng nghìn CĐV giơ chiếc khăn cổ vũ lên trong sự sung sướng và tự hào. Những điều tưởng chừng quen thuộc nhưng lại rất mới mẻ ở Trung Quốc.
Dưới ánh đèn rực rỡ của SVĐ Thượng Hải và tiếng hò reo của 28.829 khán giả, dàn sao của Shanghai SIPG ra sân gặp Yanbian Fude thuộc khuôn khổ China Super League, giải đấu hàng đầu Trung Quốc với 16 đội tham dự. Kết quả sau cùng, Shanghai thắng 3-0 nhờ cú đúp của Elkeson, cầu thủ được CLB mang về với giá trị lên đến 13,88 triệu bảng.
Alex Teixeira (phải) là một trong những bản hợp đồng bom tấn được kích hoạt. |
Chỉ trong kỳ chuyển nhượng hai tháng đầu năm, những CLB hàng đầu của giải chi đến 296 triệu USD cho công tác chuyển nhượng, một con số khổng lồ và thách thức những ai có trí tưởng tượng phong phú nhất.
Jiangsu Suning là đội gây ấn tượng mạnh mẽ nhất bằng bản hợp đồng kỷ lục mang tên Alex Teixeira. CLB này đã chi đến 50 triệu euro (tương đương 56.9 triệu USD) để thuyết phục Shakhtar Donetsk để Teixeira chuyển đến Trung Quốc. Tổng giá trị chuyển nhượng của giải đấu theo đó cũng tăng 244% so với năm 2015, mức tăng trưởng quá ấn tượng và đột ngột.
Tuy nhiên, đó không chỉ là tiền được dùng vào khoản mua cầu thủ mới. Giải đấu ngày càng phát triển và thu hút rất nhiều khán giả theo dõi. Lượng người xem tăng liên tục trong những mùa giải vừa qua giúp China Super League tiếp tục ký hợp đồng bán quyền phát sóng trong 5 năm tới với giá 1,3 tỷ USD, đây chính là một kỷ lục.
Không phải ngẫu nhiên để có được con số trên, chính sự đầu tư mạnh tay cho những cái tên như Teixeira là khởi đầu cho việc tăng trưởng đáng kinh ngạc của giải đấu. Ông Sui Guoyang, tổng giám đốc Shanghai SIPG, nói với CNN: “Rất nhiều cầu thủ xuất sắc đã đến đây từ Brazil, châu Âu, Nam Mỹ cũng như những quốc gia khác. Sự xuất hiện của họ đã làm thay đổi tổng thể bộ mặt của giải đấu. Càng nhiều cầu thủ nước ngoài chất lượng, đẳng cấp của những cầu thủ quốc nội sẽ được tăng lên đáng kể”.
Không chỉ có cầu thủ ngoại, bóng đá Trung Quốc còn mời gọi cả những HLV nước ngoài danh tiếng. |
Thật vậy, dòng chảy tài năng từ nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng đáng kể, đặc biệt trong 2 năm qua, với tốc độ chóng mặt. Đơn cử là Asamoah Gyan, đội trưởng của đội tuyển quốc gia Ghana đã bước ra ánh sáng với màn trình diễn ấn tượng tại World Cup 2010. Người đồng đội của anh ở Shanghai SIPG, Elkeson được CLB mang về từ chính đối thủ Guangzhou Evergrande, cũng là ngôi sao đáng chú ý khi còn thi đấu ở Brazil.
Một cầu thủ khác của Shanghai SIPG là Dario Conca chia sẻ: “Một thử thách mới khi được trở thành một phần của giải đấu này. Tôi nghĩ mình đã đúng với quyết định rời Argentina và đến đây 5 năm trước”.
Có lẽ quyết định đúng đắn nhất của Conca cũng như những ngôi sao khác khi đến với China Super League là lương thưởng. Anh nhận được 11 triệu USD mỗi năm, trong khi Gyan lọt top 10 cầu thủ hưởng lương cao nhất với 300 nghìn USD/tuần. Ngay cả những HLV đẳng cấp thế giới cũng chọn nơi đây làm bến đỗ như trường hợp của Sven-Goran Eriksson. Cựu HLV tuyển Anh được Shanghai mời về với mức lương hậu hĩnh.
Chiến lược gia này phân tích đôi chút về môi trường đang trải nghiệm khi cho rằng những phi vụ chuyển nhượng thường rất điên rồ. Các ngôi sao nước ngoài không chỉ đến đây vì tò mò, tiền bạc là thứ thu hút họ, vì ai cũng muốn kiếm nhiều tiền hơn những gì họ đang có.
Nhiều học viện bóng đá mọc lên ở Trung Quốc. |
Dù vậy, giải đấu cũng có luật lệ riêng để tránh trường hợp các ngôi sao nước ngoài ồ ạt tràn vào Trung Quốc. Ban tổ chức giải Trung Quốc quy định mỗi đội chỉ có tối đa 4 cầu thủ nước ngoài ra sân cùng lúc. Chính sách này giúp cân bằng chất lượng đội hình giữa các đội, đồng thời mở ra cơ hội cho các cầu thủ trong nước.
Nhưng để nội binh có chỗ trong một đội bóng, chất lượng của họ phải được chú trọng hàng đầu và số lượng cầu thủ mới mỗi năm phải có sự đảm bảo. Lúc này, kế hoạch ra đời khoảng 20.000 học viện bóng đá đi vào hoạt động trên toàn lãnh thổ Trung Quốc vào năm 2020 xuất hiện để giải quyết vấn đề, song song với chiến lược đưa bóng đá vào chương trình học.
Học viện Evergrande tọa lạc tại Thanh Viễn, Quảng Đông được xem là trung tâm của trào lưu đào tạo bóng đá của Trung Quốc. “Nhà máy bóng đá” này được đầu tư 185 triệu USD, nhưng đây mới chỉ là những bước đầu tiên nằm trong kế hoạch định nghĩa lại bóng đá dưới bàn tay chủ tịch Tập Cận Bình, người định hướng phát triển Trung Quốc thành một cường quốc bóng đá trong tương lai.
Hiện tại, ĐTQG Trung Quốc xếp hạng 81 theo FIFA, nhưng lại đứng sau những đội tí hon như Cape Verde hay Burkina Faso. Trong quá khứ, họ cũng chỉ duy nhất một lần góp mặt tại World Cup 2002 được tổ chức ở Hàn Quốc và Nhật Bản.