Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vespa và những bất ngờ sau 75 năm tồn tại

Vespa có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành biểu tượng thời trang. Tuy nhiên Vespa cũng gặp phải sự cạnh tranh từ các hãng xe châu Á.

Vespa vừa tròn 75 tuổi. Vốn là người yêu thích tốc độ, Vespa không phải là dòng xe mà tôi yêu thích. Bản thân Vespa cũng không phải là mẫu xe bán chạy nếu so với xe máy tới từ Nhật Bản.

Tuy nhiên phong cách Vespa vẫn có những nét riêng để tôi phải tìm hiểu xem những giá trị gì đã giúp hãng xe Italy tồn tại trong suốt thời gian qua, khi mà không ít thương hiệu xe máy đã lặng lẽ biến mất.

Và tôi tìm ra Vespa không chỉ là những "con ong" đẹp mà còn có những dấu ấn trên đường đua trong suốt chiều dài lịch sử.

Vespa 98: "Bước chân" đầu tiên của thương hiệu

Vespa có khởi đầu không hề dễ dàng, nhà thiết kế Roberto Spolti tạo ra mẫu xe thử nghiệm MP5 để cạnh tranh với Fiat Topolino.

Tuy nhiên sản phẩm này không được lòng của ông chủ Enrico Piaggio, người muốn một chiếc xe dễ tiếp cận và phải hoàn toàn khác với những đối thủ trên thị trường.

diem nhan cua thuong hieu Vespa anh 1

Vespa 98. Ảnh: Vespa.

Enrico Piaggio đã trao đổi với Corradino D'Ascanio (nhà phát minh máy bay trực thăng) để tạo ra một mẫu xe hoàn toàn mới.

Với kiến thức trong ngành hàng không, D'Ascanio đã tạo ra một chiếc xe có bộ khung hoàn toàn khác với những sản phẩm hiện có trên thị trường, cho phép người lái không cần phải trèo qua để bước lên xe.

Năm 1946, Vespa 98 được Piaggio giới thiệu lần đầu tiên với khách hàng tại Italy. Vào thời điểm ấy, một chiếc Vespa 98 có giá khoảng 55.000-61.000 lire (tương đương 33.000-36.500 USD), trong khi thu nhập người dân chỉ khoảng 6.000 USD.

Chiếc xe sử dụng động cơ 98 cc, 2 thì. Khối động cơ này có khả năng sản sinh công suất 3 mã lực tại 4.500 vòng/phút. Xe sử dụng hộp số côn tay 3 cấp và sang số trên tay lái. Tốc độ tối đa Vespa 98 có thể đạt được là 60 km/h.

Có thể thấy Vespa 98 mang rất nhiều những đường nét của những chiếc Vespa hiện tại. Đây là điều hiếm có trên thị trường xe máy vốn thay đổi thiết kế không ngừng và những sản phẩm chậm thay đổi đều nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Vespa 125 Corsa: Chiếc Vespa dùng bộ khung xe đua

Năm 1949, Vespa 125 Corsa ra đời như một bước tiến trong ngành công nghiệp xe máy tại Italy. Khung xe dùng chất liệu hợp kim nhôm dùng trong sản xuất máy bay, các phần khung được ráp với nhau bằng đinh tán - đây là công nghệ tiên tiến vào thời điểm ấy.

diem nhan cua thuong hieu Vespa anh 2

Vespa 125 Corsa. Ảnh: Vespa

Khung xe của 125 Corsa là sự kết hợp giữa bộ khung quen thuộc của xe tay ga với kiểu ngồi ôm bình xăng, thay đổi này giúp chiếc xe ổn định khi chạy nhanh và vẫn giữ được sự thoải mái, dễ chịu khi điều khiển.

Bộ mâm là loại hợp kim giúp giảm khối lượng nhưng vẫn giữ được độ cứng cáp tương đương mâm truyền thống.

Mẫu xe này đã mang về nhiều chiến thắng cho Vespa tại các cuộc đua như Grand Prix of Bologna hay Circuit of Perugia vào năm 1950.

Chiếc xe trông không giống Vespa nhất này rõ ràng sinh ra không phải để chứng minh Vespa đẹp, mà mục đích của nó là khoe khả năng vận hành của Vespa không thua kém gì các mẫu xe máy chạy nhanh vào thời điểm đó.

Vespa Siluro: "Viên đạn" có tốc độ hơn 170 km/h

Sau 6 năm giới thiệu Vespa 98, thương hiệu Italy tiếp tục chinh phục kỷ lục về tốc độ - điều mà bất kỳ ai cầm lái xe máy đều từng thử ít nhất một lần trong đời. Vespa lựa chọn thử thách đạt tốc độ cao nhất trong quãng đường 1 km.

Ngày 9/2/1951, tay đua Dino Mazzoncini đã cầm lái chiếc Vespa Siluro và hoàn thành quãng đường 1 km trong 21,4 giây.

Tốc độ trung bình đo được là 171,1 km/h. Con số này là chuyện quá bình thường với những chiếc môtô phân khối lớn ngày nay, tuy nhiên đây lại là điều đặc biệt vào những năm 50 của thế kỷ trước.

diem nhan cua thuong hieu Vespa anh 3

Vespa Siluro. Ảnh: Vespa.

Vespa Siluro không mang thiết kế của những chiếc Vespa thông thường, mẫu xe này được tạo hình như một tên lửa với thiết kế tròn ở phía trước và vuốt gọn về phía sau nhằm tăng tính ổn định khi chạy nhanh.

"Trái tim" của Siluro là động cơ 2 thì dung tích 125 cc, 2 piston đối xứng, làm mát bằng dung dịch. Công suất mà động cơ này có thể đạt được là 17,2 mã lực tại 9.500 vòng/phút. Xe được trang bị hộp số 4 cấp.

Siluro có lẽ là chiếc xe gây ấn tượng với tôi nhất khi tìm hiểu về Vespa. Tốc độ là mục tiêu lớn nhất và có lẽ là duy nhất của các nhà thiết kế khi tạo ra một chiếc xe Vespa có hình viên đạn, và bất kỳ ai đam mê tốc độ cũng đều muốn được cầm lái thử một lần chiếc xe huyền thoại này.

Vespa 125 U: Cột mốc thay đổi thiết kế

Đây là dòng xe đầu tiên của Vespa có thiết kế cụm đèn chiếu sáng đặt phía trên ghi-đông thay vì ở vị trí chắn bùn quen thuộc.

Chữ U trong tên gọi là viết tắt của Utility (thực tiễn), ám chỉ chiếc xe này hướng đến nhóm khách hàng tìm một chiếc xe để sử dụng hàng ngày.

diem nhan cua thuong hieu Vespa anh 4

Vespa 125 U. Ảnh: Vespa.

Động cơ của xe là loại 125 cc 2 thì quen thuộc vào thời điểm đó, sản sinh công suất 4,5 mã lực tại 5.000 vòng/phút. Tốc độ tối đa Vespa 125 U có thể đạt được là 78 km/h.

Chỉ có khoảng 7.000 chiếc Vespa 125 U được sản xuất, điều này khiến cho giới sưu tầm đánh giá cao mẫu xe này và là một trong những mẫu xe được săn lùng nhiều nhất.

Những dòng xe hiện tại của Vespa

Ngày nay, Vespa đã không còn sản xuất các mẫu xe 2 thì vì các quy chuẩn khí thải nghiêm ngặt. Tuy nhiên thiết kế vốn có từ những năm 1946 vẫn được duy trì trên các mẫu xe tay ga ngày nay của thương hiệu Vespa. Có thể nói, Vespa như một biểu tượng thời trang.

Các dòng xe Vespa hiện đại như Vespa ET, Vespa LX từng trở thành xu hướng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Khi ấy, giá Vespa luôn cao hơn các mẫu xe khác, cộng với thiết kế khác biệt, khiến đây giống như một sản phẩm của sự sành điệu, chất chơi.

diem nhan cua thuong hieu Vespa anh 5

Vespa kỷ niệm 75 năm ra mắt với nhiều sản phẩm đặc biệt. Ảnh: Vespa.

Hiện tại, các dòng xe Vespa như Sprint, Primavera hay GTS là những cái tên quen thuộc. Vespa 946 còn là một hiện tượng của làng xe máy khi nó lần đầu xuất hiện với những sự phá cách về thiết kế.

Sự hấp dẫn của Vespa về cơ bản vẫn không thay đổi sau nhiều năm, vẫn đến từ sự đặc biệt của thiết kế mang phong cách Italy cũng như giá trị thời trang.

Có được thì cũng có mất. Vespa là dòng xe không dành cho số đông do giá bán cao và khối lượng có phần nặng nề. Thương hiệu Italy vấp phải sự cạnh tranh về doanh số đến từ những thương hiệu xe Nhật Bản, đặc biệt là Honda.

So với các đối thủ, chất nghệ sĩ của Vespa khiến nó kém tiện dụng hơn, có giá bán cao hơn, chi phí sử dụng cũng đắt hơn. Nếu chỉ mua một chiếc xe máy để phục vụ nhu cầu di chuyển, rõ ràng Vespa không phải là lựa chọn tốt nhất và toàn diện nhất.

diem nhan cua thuong hieu Vespa anh 6

Vespa Elettrica là mẫu xe điện mới nhất của hãng xe Italy. Ảnh: Phong Vân.

Nhìn chung, Vespa sau 75 năm tuổi vẫn giữ được những nét truyền thống và trở thành một niềm tự hào của người Italy, một nét văn hóa Italy xuất hiện ở các nước khác trên thế giới.

Trong bối cảnh thị trường xe máy ngày càng thu hẹp trên thế giới để nhường chỗ cho các phương tiện cá nhân khác, Vespa có lẽ sẽ sớm chuyển sang sản xuất xe điện. Chiếc xe điện Vespa Elettrica từng được giới thiệu, nhưng vẫn chưa chính thức ra mắt tại Việt Nam.

Mua xe tay ga cao cấp, chọn Honda SH 350i hay Vespa Sei Giorni 300?

Honda SH 350i nhỉnh hơn về tính năng trang bị và thông số vận hành, trong khi Vespa Sei Giorni 300 có thiết kế ấn tượng và giá bán hấp dẫn.

Xe tay ga giá 150 triệu, chọn Honda SH 350i hay Vespa GTS 300 HPE?

Sự xuất hiện của SH 350i chính hãng khiến cho GTS 300 HPE không còn "cô đơn" trong nhóm xe tay ga phân khối lớn giá dưới 200 triệu đồng tại Việt Nam.

75 năm Vespa và những trải nghiệm cảm xúc sau tay lái

75 năm trước, chiếc xe máy đầu tiên của hãng Vespa đã ra đời từ khung máy bay cũ, mở đường cho sự phát triển của một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Vĩnh Phúc

Ảnh: News18

Bạn có thể quan tâm