Bức bích họa Chúa tạo ra Adam (Nhà nguyện Sistine, 1508-1512). Ảnh: Kuurth. |
Michelangelo không thể chia sẻ với Leonardo niềm đam mê khoa học và tự nhiên. Nghệ thuật của ông tập trung vào Con người và Tâm hồn. Là một con chiên ngoan đạo, ông tin rằng vẻ đẹp của linh hồn được thể hiện qua vẻ đẹp của cơ thể. Và con đường dẫn đến với Chúa chính là tạo ra và chiêm ngưỡng cái đẹp trên thế gian này.
Đối với người nghệ sĩ cũng như nhà bảo trợ của nền nghệ thuật Phục hưng Italy, cái đẹp đã được xác định bởi quá khứ Cổ điển. Cùng đa số các nghệ sĩ cùng thời, Michelangelo đã nghiên cứu, vẽ tranh và tạc tượng theo những nguyên mẫu Hy Lạp. Vậy thì có gì khó hiểu khi bức tượng David của ông (1501-1504), bức tượng khỏa thân đồ sộ đầu tiên kể từ thế kỷ 5 trước Công nguyên ở Hy Lạp, có nhiều nét tương đồng với Người mang giáo của Polykleitos một cách đáng kinh ngạc như vậy?
Tượng David của Michelangelo. Ảnh: Wikipedia. |
Trước hết, với tư cách là một điêu khắc gia, Michelangelo đã “giải phóng” nhân vật bằng đá cao hơn bốn mét của mình khỏi sự giam cầm của khối đá hoa cương, rồi phủ lên đó sự hoàn hảo của những vị thần.
Michelangelo cho rằng một bức tranh càng giống một bức tượng càng đẹp. Bức bích họa Chúa tạo ra Adam, (Nhà nguyện Sistine, 1508- 1512), là một minh chứng cho quan điểm này của ông. Adam - được vẽ rất giống một bức tượng David đang ngồi dựa - nổi bật lên hẳn khỏi khung cảnh xung quanh. Người nghệ sĩ muốn mắt ta phải hướng về sự kiện trọng đại ở đây.
Theo phong cách Phục hưng tiết chế, ta được chứng kiến khoảnh khắc ngay trước khi chàng Adam lực lưỡng nhưng yếu đuối nhận được “tia lửa” đầy sinh khí từ cái chạm tay của Chúa.
Đặc điểm chính của một bức tượng là nó tách biệt ra khỏi môi trường xung quanh. Michelangelo tách nhân vật của ông khỏi phần hậu cảnh bằng cách viền toàn bộ hình khối. Hình bẹt của Adam được xác định rõ ràng đến nỗi ta có thể dễ dàng hình dung việc chàng bị cắt rời khỏi bức tranh.
Hình bẹt luôn nổi bật. Bằng một cách nào đó, chúng tự tách mình ra khỏi những mẫu hình chung quanh và khiến bản thân trở nên tách biệt và đáng chú ý. Hình bẹt có thể có những ranh giới ảo do màu, sắc độ, hay chất của chúng khác với không gian xung quanh. Hình bẹt có thể nổi bật đơn giản chỉ vì chúng được xác định bằng những đường viền, như Adam của Michelangelo.
Mối liên hệ giữa hình bẹt (“hình”) để thấy và môi trường xung quanh nó (“nền”) được gọi là mối quan hệ hình-nền. Hiểu cách khác, phần “hình” giống một mảng đặc, còn phần nền chính là mảng rỗng.
Tuy nhiên, dù cho phần hình thường giành được sự chú ý, nhưng chính phần nền mới là nơi chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa hơn; cứ tưởng tượng bức Mona Lisa mà thiếu đi phần phong cảnh bí ẩn và hoang vắng đằng sau. Mối quan hệ hình-nền là một trong những màn kịch tính luôn tiếp diễn trong lòng nghệ thuật phương Tây. Và khi thế kỷ 20 đang đến gần, tình trạng căng thẳng này biến thành một cuộc chiến tổng lực và tóe... sơn.