Vẻ đẹp của trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) thường được khắc họa trong điện ảnh như một công cụ cao siêu. Nhưng trước hết, nó phải giải quyết những vấn đề gần gũi với cuộc sống con người.
Tại Việt Nam, các vấn đề trong cuộc sống hiện nay đã và đang được giải quyết nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hội thảo Zalo AI Summit lần 3 vừa diễn ra vào sáng 15/12 đã cung cấp bức tranh mới nhất về việc ứng dụng công nghệ này.
Tính năng tiện lợi cho người khiếm thính, khiếm thị
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Bảo (Zalo) cho rằng, thông tin giao tiếp giữa con người và máy móc sẽ ngày càng nhiều. Để phục vụ được nhu cầu của con người, máy móc cần phải hiểu được lời nói của chúng ta. Đó là lý do đơn vị này đã và đang hoàn thiện AI nhận dạng tiếng nói, và đưa vào hệ sinh thái Zalo để phục vụ người dùng.
Ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ về mô hình nhận dạng tiếng nói và ứng dụng trên hệ sinh thái Zalo. |
Thay đổi đầu tiên về việc xây dựng thành công hệ nhận dạng tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên được thể hiện trên ứng dụng liên lạc Zalo. Thay vì phải nghe tin nhắn thoại, người sử dụng đã có thể đọc nhanh nội dung lời nhắn vì công nghệ tự động đã chuyển tiếng nói sang dạng văn bản (text) và đính kèm file tin nhắn thoại.
Để phục vụ được nhu cầu của con người, máy móc cần phải hiểu được lời nói của chúng ta.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Zalo
Người khiếm thính là đối tượng cảm nhận lợi ích đầu tiên khi họ có thể đọc nội dung dưới dạng văn bản của tin nhắn thoại. Hoặc với người già, người đang lái xe, công nghệ nhận dạng và xử lí tiếng nói giúp con người nhập liệu văn bản từ bộ gõ Laban mà không cần gõ phím. AI nhận dạng tiếng nói cũng sẽ hỗ trợ việc tạo phụ đề tự động cho các bài hát trên Zing MP3 hoặc các bộ phim trên Zing TV.
Ở chiều ngược lại, trí tuệ nhân tạo cũng tự đông chuyển văn bản (text) thành tiếng nói (voice). Điều này giúp cho người khiếm thị nghe được tin tức báo mạng, trước đó họ phải nhờ cậy người khác đọc giùm.
“Chúng tôi đã xây dựng thành công hệ nhận dạng tiếng nói và ứng dụng vào hệ sinh thái Zalo. Mặc dù mới chỉ là bản beta (thử nghiệm) nhưng một năm qua nhóm chúng tôi đã nỗ lực rất lớn. Mong ước của chúng tôi là có thể đưa tính năng này đến 100% người dùng trong hệ sinh thái của Zalo vào năm sau và đang cố gắng hết sức để hoàn thành mục tiêu này” – ông Bảo cho biết thêm.
Giảm 30% chi phí chăm sóc khách hàng với AI
Chia sẻ về ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống hiện tại, ông Trần Mạnh Quân (VTCC) đã lấy ví dụ từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Khoảng 50% phần việc chăm sóc khách hàng đã được AI thay thế. AI có thể hiểu câu hỏi của con người, đưa ra trả lời với độ chính xác cao và gợi ý những dịch vụ hữu ích.
Khi áp dụng AI cho các giải pháp gọi điện hay chăm sóc khách hàng, chúng tôi có thể tiết kiệm nhiều chi phí nhân lực.
Ông Trần Mạnh Quân, Giám đốc sản phẩm AI, VTCC.
“20% cuộc gọi của khách hàng đến trung tâm không được trả lời. Trung bình, mỗi cuộc hội thoại dài 2 phút. Đó là những tổn thất mà chúng ta có thể khắc phục nhờ máy móc với công nghệ tự động trả lời”- Ông Quân cho biết.
Việc áp dụng AI được kỳ vọng sẽ giúp Viettel giảm 30% chi phí so với hiện tại. Tỷ lệ máy móc trả lời khách hàng tăng lên 65-80%.
Ông Trần Mạnh Quân chia sẻ về cách làm AI của Viettel và ứng dụng rộng rãi cả phục vụ khách hàng lẫn nội bộ. |
Bên cạnh việc tiếp nhận cuộc gọi, AI cũng giúp thực hiện các cuộc gọi tự động đến khách hàng mà không cần điện thoại viên. Máy đã tự động gọi điện thoại thông báo hạn mức cước đối với các thuê bao trả sau của nhà mạng Viettel. Trước đó, AI đã hỗ trợ đắc lực trong việc kéo giảm tin nhắn rác, từ hàng triệu tin nhắn một ngày xuống chỉ còn vài chục nghìn.
AI nhập thông tin khách hàng chỉ mất 2 giây
Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng (VVN AI), sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo của đơn vị này đang giúp việc nhận dạng thông tin trên giấy tờ trở nên nhanh chóng và hiệu quả. Chỉ cần chụp hình hai mặt của CMND, ứng dụng do VVN AI phát triển sẽ bóc tách thông tin và tự điền vào biểu mẫu. Một số nhà mạng viễn thông ở Việt Nam đang phối hợp với công ty này để chuẩn hóa lại thông tin khách hàng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng (VVN AI) đang giới thiệu giải pháp EKYC dựa trên công nghệ nhận dạng hình ảnh. |
Trước đây, việc đăng ký thông tin thuê bao cần 2 bước thực hiện: Bước một, người sử dụng khai báo thông tin và ký tên vào giấy đăng ký; Bước hai, nhân viên tại điểm giao dịch sẽ quét (scan) giấy CMND của khách hàng và nhập liệu vào phần mềm quản lý. Với việc ứng dụng AI, thời gian được rút ngắn xuống còn 2 giây – bằng thời gian chụp CMND.
Trí tuệ nhân tạo tự hiểu đâu là tên, ngày sinh, quê quán,…để bóc tách và điền vào biểu mẫu một cách chính xác. Điều này sẽ giúp nhân viên lễ tân hay nhân viên chăm sóc khách hàng không cần lạch cạch gõ phím và tiêu tốn chi phí hàng tỷ đổng.
“Tôi nghĩ công nghệ này sẽ giúp ích nhiều cho việc thiết lập dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang thực hiện” – ông Tùng nói.
AI giúp nhận dạng và khoanh vùng “đường lưỡi bò”
Ngay trước sự kiện Zalo AI Summit 2019, hơn 160 kỹ sư AI đã cùng tụ hội trong một cuộc thi ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết bài toán rất thực tế của người Việt. Đó là nhận dạng và khoanh vùng “đường lưỡi bò” trong các bức ảnh hoặc đoạn video, giúp ngăn chặn kịp thời việc phát tán những hình ảnh này ra đại chúng.
Vẻ đẹp của AI không chỉ đến từ thuật toán mà còn đến từ tác động của nó đến cuộc sống hàng ngày.
Ông Vương Quang Khải, lãnh đạo Zalo.
Dư luận Việt Nam gần đây dậy sóng vì hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện rất tinh vi trong đời sống, vượt qua các khâu kiểm duyệt bằng mắt thường. Nhờ sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, phát hiện và loại bỏ những hình ảnh bất hợp pháp này sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Hơn 160 kỹ sư đã tham gia Zalo Hackathon để giải quyết bài toán nhận diện hình ảnh. |
Khi nói đến AI, con người thường nghĩ đến những gì cao siêu, giống như trong các bộ phim kỳ diệu. Nhưng qua những phần trình diễn demo của các công ty tại Zalo AI Summit, chúng ta thấy sức mạnh của AI. Vẻ đẹp của AI không chỉ đến từ những thuật toán, những giải pháp… mà đến từ sức mạnh của AI trong cuộc sống hàng ngày.
“Vẻ đẹp của AI không chỉ đến từ thuật toán, giải pháp mà còn đến tác động của nó lên cuộc sống. Đấy cũng là mục tiêu của chúng tôi khi phát triển AI” - Ông Vương Quang Khải, lãnh đạo của Zalo, chia sẻ.
Zalo Summit là diễn đàn thường niên lớn nhất Việt Nam của các kỹ sư và chuyên gia AI. Tại sự kiện, những người đang làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam sẽ cùng nhau thảo luận về những vấn đề chung của nganh để giúp AI Việt Nam đi nhanh hơn, bắt kịp thế giới.
Năm 2017, Hội thảo mở đầu cho kỉ nguyên AI ở Việt Nam qua việc các công ty trong nước quyết tâm đưa AI Việt Nam xuất hiện trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Năm 2018, sự kiện bàn về các khó khăn và các giải pháp của ngành.
Zalo AI Summit 2019 đã mang đến bức tranh mới về AI ở Việt Nam cùng nhiều tín hiệu lạc quan. Chỉ trong 2 năm, từ lúc các công ty chập chững với AI, trí tuệ nhân tạo đã nhanh chóng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, thậm chí vươn ra thế giới.