Tại hội thảo "Góp ý hoàn thiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), kiến nghị không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Tại dự thảo mới đây của Bộ Tài chính, có 2 đề xuất tác động lớn đến ngành đồ uống. Trong đó, cơ quan quản lý đề nghị bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế với thuế suất 10%.
Nguy cơ tạo sự phân biệt đối xử
Theo đại diện VBA, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường nhiều khả năng không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm thừa cân béo phì do có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
Trên thực tế, bệnh béo phì là căn bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra bao gồm nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất...
Các khuyến cáo được WHO và Bộ Y tế đưa ra trong việc giảm thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm là một chế độ ăn cân bằng tất cả các chất dinh dưỡng; tăng cường các hoạt động thể chất; hạn chế các chất béo, muối, đường, các thực phẩm giàu năng lượng.
"Việc chỉ áp dụng thuế TTĐB đối với một loại sản phẩm chứa đường như nước giải khát trong khi loại trừ các sản phẩm cũng có yếu tố nguy cơ khác sẽ tạo nên chính sách phân biệt đối xử, không đảm bảo nguyên tắc công bằng của Nhà nước và không giải quyết được mục tiêu giảm thừa cân béo phì nếu người tiêu dùng vẫn tiếp tục tiêu thụ đường, chất béo, chất đạm từ các nguồn thực phẩm khác vượt nhu cầu khuyến nghị", bà Vân Anh nhận định.
Ngoài ra, áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế, chuyển sang các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường và calories cao khác trên thị trường.
Bên cạnh các loại nước giải pháp đóng chai, thị trường còn xuất hiện nhiều loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công. Đây là phân khúc khó thu thuế và quản lý về chất lượng hàng hoá, đặc biệt là về hàm lượng đường trong sản phẩm.
Một khảo sát thực hiện vào năm 2018 của Decision Lab cũng cho thấy nếu áp thuế lên nước giải khát thì sẽ có 49% người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế.
Mức tiêu thụ nước giải khát của người Việt chưa cao
Về mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam hiện nay, hiệp hội đánh giá không phải là cao so với nhiều quốc gia khác. Trong đó, nhiều quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB lên sản phẩm này.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Số liệu của Bộ Y tế cũng chỉ ra Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát vào năm 2020, tức là tương đương 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2021.
Như vậy, theo số liệu của 2 cơ quan này, mức độ tiêu thụ đang có chiều hướng giảm.
Trong khi đó tại châu Âu, báo cáo của Hiệp hội ngành giải khát châu Âu (UNESDA) năm 2019 cho biết mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người là 243,9 lít/ người, tức gấp gần 5 lần so với Việt Nam.
Thực tiễn cũng cho thấy một số nước như Đan Mạch đã áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng không đạt được mục tiêu về sức khỏe và phải bãi bỏ chính sách thuế sau một thời gian áp dụng
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA
Trong số 26 quốc gia châu Âu có lượng tiêu thụ trên 100 lít/người/năm, chỉ có 11 quốc gia áp dụng thuế TTĐB.
"Thực tiễn cũng cho thấy một số nước như Đan Mạch đã áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng không đạt được mục tiêu về sức khỏe và phải bãi bỏ chính sách thuế sau một thời gian áp dụng", bà Vân Anh cho biết.
Tại châu Á, nhiều nước cũng có mức tiêu thụ bình quân nước giải khát trên ngưỡng này. Điển hình như Nhật Bản (169,28 lít/người/năm) cũng không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát, đồng thời lại là quốc gia có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực và trên thế giới.
Theo Phó chủ tịch VBA, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường còn có thể tác động đáng kể tới các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo số liệu nghiên cứu của Viện Quản lý kinh tế Trung ương, việc áp thuế TTĐB sẽ khiến doanh thu của ngành nước giải khát thiệt hại khoảng 3.664 tỷ đồng, qua đó điều chỉnh giảm GDP khoảng 0,115%; thu nhập từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,14%; thặng dư sản xuất giảm 0,077% và lao động giảm 0,06-0,08%.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Heineken, Sabeco, Carlsberg, Habeco cung ứng bao nhiêu bia mỗi năm?
Suốt nhiều năm qua, các hãng bia dẫn đầu thị phần Việt Nam đã xây dựng hàng chục nhà máy sản xuất, qua đó có khả năng cung ứng cho người tiêu dùng hàng tỷ lít bia/năm.
Ngành bia, rượu đề xuất đánh giá lại thuế tiêu thụ đặc biệt
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý làm rõ tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn trước khi sửa đổi Luật.
Chuyên gia: Áp thuế là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế đồ uống ngọt
Bên cạnh định nghĩa đồ uống có đường, các chuyên gia cho rằng cần xác định rõ tính hiệu quả, khả năng tác động của sắc thuế mới tới người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất.