Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc đồng ý thêm doanh nghiệp tham gia đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố.
Trước đó vào cuối 2018, UBND TP.HCM đã xin ý kiến Bộ GTVT về việc cho 2 ứng dụng VATO (Công ty cổ phần thương mại điện tử Vận Thông) và Be (Công ty cổ phần Be Group) thí điểm cơ chế giống với Grab trên địa bàn.
Đầu năm 2016, Bộ GTVT ban hành quyết định 24/2016 thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý và kết nối hoạt động vận tải. Chỉ có Grab và một số doanh nghiệp khác được tham gia đề án này kéo dài đến nay.
Cả Be và VATO đề muốn có cơ chế giống Grab ở TP.HCM. Ảnh: PLXH. |
Be và VATO là những doanh nghiệp thành lập sau, không có trong danh sách các doanh nghiệp ban đầu nên muốn xin cơ chế tương tự để hoạt động. Nếu không được cho phép, hoạt động của VATO và Be được coi là không hợp pháp ở Việt Nam nếu muốn triển khai xe công nghệ 4 bánh.
Cơ chế này cho phép doanh nghiệp được triển khai hình thức vận tải xe 4 bánh tương tự như Grab, kết nối bằng ứng dụng trên địa thoại. Các cơ chế với lái xe, hợp tác xã vận tải, quy định về thuế… cũng tương tự như cách mà Grab đang được cho phép thực hiện.
Cùng được triển khai cơ chế như Grab nhưng Mai Linh và Vinasun có phần “yếu thế” trong việc triển khai xe công nghệ 4 bánh ở TP.HCM. Từ đó Grab đang vươn lên trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần tại thành phố lớn nhất Việt Nam.
Một đối thủ đág gờm của Grab là Go-Viet khi sang Việt Nam cũng mới chỉ dám triển khai xe công nghệ 2 bánh theo Luật thương mại điện tử chứ chưa được chấp thuận vận hành xe 4 bánh. Hiện doanh nghiệp này cũng đang xin cơ chế hoạt động tương tự như Grab.
Trả lời UBND TP.HCM, Bộ GTVT thống nhất với đề xuất. Bộ này cho rằng việc có thêm các doanh nghiệp được thí điểm theo cơ chế tương tự quyết định 24/2016 sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền, đống thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Thời hạn mà Be và VATO được triển khai cơ chế này cho đến khi có nghị định thay thế Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực thi hành.
Việc có thêm Be và VATO được chấp thuận cơ chế hoạt động hoạt động gọi xe 4 bánh ở TP.HCM hứa hẹn sẽ giúp người tiêu dùng có thêm các lựa chọn. Sự cạnh tranh của các loại hình vận tải ở TP.HCM sẽ ngày càng khốc liệt.
Ở một diễn biến khác, Be cũng xin thành lập doanh nghiệp vận tải, không giống như Grab nhận là “doanh nghiệp kinh doanh phần mềm kết nối”. Dự thảo mới nhất của nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 có xu hướng coi các doanh nghiệp giống như Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh trên thị trường mà còn cạnh tranh trên cuộc chiến pháp lý.