Sau khi tăng mạnh vào cuối tuần trước, vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch tuần này (13-19/4) đang có xu hướng giảm khi giá giao ngay rên sàn Kitco hiện ở mức 1.676,7 USD/ounce, giảm gần 9 USD so với chốt phiên liền trước.
Trong khi đó, giá vàng trên sàn New York (Mỹ) vẫn chưa trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Phục Sinh.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Kitco với 15 chuyên gia tại Wall Street cho kết quả 100% đồng thuận vàng sẽ tăng giá trong tuần này. Trước đó, báo cáo của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai tại đây cũng cho biết, tuần kết thúc ngày 31/3, các nhà quản lý tiền tệ đã nắm giữ gần 157.000 hợp đồng tăng giá đối với vàng tương lai, trong khi chỉ hơn 4.000 hợp đồng giá giảm.
Cuộc khảo sát với các nhà đầu tư trên Main Street cũng cho kết quả áp đảo tương tự khi có tới 821 người (70%) kỳ vọng vàng sẽ tăng giá tuần này, 222 người khác (19%) cho rằng giá sẽ giảm và 129 người còn lại (11%) giữ quan điểm trung lập.
Vàng thế giới giao dịch tuần này với hàng loạt thông tin hỗ trợ bao gồm nền kinh tế Mỹ đang xấu đi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lần đầu tiên phải bơm tiền ra thị trường bằng cách mua nợ trực tiếp từ các công ty và các bang.
Vàng thế giới đang giảm phiên đầu tuần nhưng được dự báo sẽ tăng trong tuần này (13-19/4). Ảnh: Bloomberg. |
Cũng trong đêm qua, OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu đã đồng ý giảm sản lượng khai thác dầu kỷ lục để kỳ vọng đẩy giá dầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây là thỏa thuận chưa từng có với các quốc gia dầu mỏ này, bao gồm cả Mỹ, để hạn chế nguồn cung dầu toàn thế giới 20%.
Nhóm này cho biết đã đồng ý giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6 để chấm dứt đà giảm giá của hàng hóa này thời gian qua. Đây là lần cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất từ trước đến nay, nó lớn hơn 4 lần so với mức cắt giảm kỷ lục trước đó vào năm 2008.
Những biến động lớn trên thị trường hàng hóa này được dự báo cũng sẽ tác động tới giá vàng thế giới.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng sáng nay có xu hướng ổn định hơn so với thế giới, thậm chí một số doanh nghiệp còn tăng giá bán ra.
Giá vàng giao dịch tại các cửa hàng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay ở mức 47,45-48,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối tuần trước, giá vàng tại đây đã tăng 50.000 đồng mỗi lượng.
Mức 48,3 triệu đồng/lượng cũng là giá bán ra cao nhất mà nhóm doanh nghiệp trong nước đưa ra cho kim loại quý sáng nay.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, chốt phiên cuối tuần trước giá vàng miếng niêm yết ở mức 47,3 triệu/lượng (mua) và 48,1 triệu/lượng (bán). Đại diện tập đoàn này cho hay giá vàng được giao dịch ở mức cao trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương tung ra các gói hỗ trợ tài chính nhằm cứu nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện tại, giá mở cửa đầu tuần này của DOJI vẫn được niêm yết tương đương cuối tuần trước.
Tương tự, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay cũng giữ nguyên giá giao dịch cuối tuần trước ở mức 47 triệu/lượng (mua) và 48,2 triệu/lượng (bán). Cả Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý hiện vẫn niêm yết giá bán ở mức trên 48 triệu/lượng.
Như vậy, kim loại quý trong nước vẫn cao hơn 500.000-700.000 đồng so với thế giới (theo tỷ giá quy đổi cùng ngày 13/4).