Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân đổ xô mua vàng, PNJ vẫn khó khăn vì dịch

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, PNJ phải đóng 85% cửa hàng, gồm toàn bộ hệ thống tại Hà Nội và TP.HCM. Lợi nhuận của công ty trong quý I giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến với nhà đầu tư để cập nhật kết quả kinh doanh quý I. Theo cập nhật của SSI, PNJ đạt doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 5% và báo lãi sau thuế hơn 410 tỷ, giảm 4% so với cùng kỳ 2019.

Doanh thu vàng miếng tăng

Doanh thu riêng trong tháng 3 của PNJ tăng 6% so với năm trước, chủ yếu nhờ doanh thu vàng miếng tăng tới 75%. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ và bán buôn trang sức lần lượt giảm 10% và 6%.

Trong cơ cấu doanh thu quý I, tỷ trọng từ kinh doanh vàng miếng tăng lên 24,1% so với mức 21,9% cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của vàng miếng không cao khiến biên lãi gộp chung của PNJ giảm 0,2%.

Với doanh thu tại cửa hàng, PNJ đạt mức tăng trưởng dương 2 tháng đầu năm. Nhưng đến tháng 3, con số này giảm về mức âm khi công ty phải đóng 85% cửa hàng trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19. Tính riêng trong những ngày cuối tháng 3, doanh thu của PNJ giảm khoảng 39%.

Đại gia bán lẻ trang sức đã phải đóng toàn bộ cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM. Doanh số từ các điểm bán ở 2 thành phố lớn chiếm khoảng 52-55% tổng doanh thu của công ty.

Hệ thống phân phối của PNJ đến cuối 2019 có 346 điểm bán, lớn nhất trong ngành trang sức vàng bạc, đá quý Việt Nam. Con số này gần gấp 5 lần quy mô 70 cửa hàng của đơn vị xếp thứ hai thị trường là Doji.

mua vang anh 1

Một cửa hàng PNJ tại TP.HCM đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Việt Đức.

Trong bối cảnh tạm đóng hàng loạt cửa hàng, doanh thu bán hàng online quý I của PNJ tăng tới 173% so với năm trước. Tuy nhiên, kết quả này chưa giúp ích nhiều cho công ty khi kênh online chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 1% tổng doanh thu.

Ban điều hành giảm nửa lương

Để ứng phó với tác động của dịch bệnh, ban lãnh đạo PNJ cho biết đã đàm phán với các chủ nhà để giảm tiền thuê mặt bằng. Doanh nghiệp đã thảo luận với 40% chủ nhà và đàm phán giảm 15-100% tiền thuê mặt bằng tùy vào vị trí cửa hàng.

Để tiết kiệm chi phí, đại gia lĩnh vực trang sức cũng giảm chi phí nhân viên trong thời gian này bằng cách giảm 50% thu nhập của ban điều hành và yêu cầu nhân viên nghỉ không lương hai ngày mỗi tuần.

Các nhà máy của PNJ vẫn duy trì hoạt động, nhưng khối lượng công việc giảm đáng kể. Từ 2019 đến đầu 2020, nhà máy thường vận hành 2 ca mỗi ngày do nhu cầu cao nhưng hiện chỉ làm 1 ca/ngày và tiến hành giãn ca.

Lãnh đạo doanh nghiệp ước tính có thể phải trả 60 tỷ mỗi tháng cho các chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động kinh doanh trong trường hợp thậm chí phải đóng 100% cửa hàng.

Do đó, công ty đã tăng gấp 4 lần dự trữ tiền mặt và đang thực hiện các biện pháp tăng thanh khoản như ngừng nhập hàng tồn kho, đàm phán với ngân hàng để tái cơ cấu khoản nợ sang kỳ hạn dài hơn và giảm lãi suất, hoãn đầu tư mới.

Lợi nhuận quý I của PNJ đi xuống
Mức tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ và biên lãi ròng theo quý của PNJ
NhãnQ1/2018Q2/2018Q3/2018Q4/2018Q1/2019
Tăng trưởng lợi nhuận % 28-61745-4
Biên lợi nhuận ròng % 95.75.37.28.2

Năm nay, PNJ đặt kế hoạch mở 31 cửa hàng mới, đạt doanh thu thuần 19.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.350 tỷ, tăng 12% và 13% so với 2019. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho biết có thể điều chỉnh kế hoạch năm do diễn biến mới liên quan dịch bệnh phức tạp hơn so với ước tính ban đầu.

Theo bộ phận phân tích của SSI, quý II và quý III là mùa thấp điểm của mảng trang sức, nên tác động của dịch bệnh đến kết quả kinh doanh năm nay của PNJ có thể phần nào giảm nhẹ. SSI Reseach cũng cho rằng PNJ sẽ có cơ hội giành thêm thị phần từ các cửa hàng trang sức nhỏ ra khỏi ngành trong thời gian này.

Trong khi đó, báo cáo của MBS nhận định dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới sức mua của thị trường trang sức và số lượng cửa hàng mở mới của PNJ trong thời gian dài 2 năm.

“Tác động của tình hình dịch bệnh đến mặt hàng trang sức, được xem là nhu cầu xa xỉ, không chỉ trong ngắn hạn mà có khả năng sẽ kéo dài 1-2 năm tiếp theo. Thu nhập bình quân của người dân bị ảnh hưởng dẫn đến nhu cầu làm đẹp và thể hiện đẳng cấp sụt giảm”, MBS dự báo.

PNJ hiện tại là công ty trang sức và đá quý lớn nhất Việt Nam với 40% thị phần tính trong nhóm các doanh nghiệp có thương hiệu đến cuối 2019 theo Mirae Asset. Tuy nhiên, trên toàn thị trường trang sức cả nước, 70% tổng thị phần vẫn là miếng bánh của các cửa hàng bán lẻ nhỏ truyền thống.

Rao bán khoản nợ 512 tỷ của chủ đầu tư dự án chung cư ở quận 12

Tài sản bảo đảm khoản nợ của công ty Nhà Hưng Ngân tại ngân hàng BIDV bị bán đấu giá trong tháng 4 bao gồm nhiều bất động sản ở TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm