Thị trường kim loại quý thế giới đóng cửa phiên giao dịch tuần này (6-12/4) với mức tăng gần 70 USD, tương đương 4,3%, hiện ở mức 1.685,6 USD/ounce. Đây là giá đóng cửa cao nhất từ đầu năm của tài sản này, đồng thời là vùng giá đóng cửa cao nhất của vàng trong hơn 7 năm gần đây, kể từ đỉnh 1.790 USD/ounce đạt được năm 2012.
Tính từ đầu năm, kim loại quý thế giới đã tăng gần 170 USD/ounce, tương đương 11% sau 4 tháng. Còn nếu so với vùng giá hồi đầu năm 2019, vàng thế giới đã tăng hơn 400 USD, xấp xỉ 31%.
Đặc biệt, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 6 đã tăng hơn 61 USD lên mức 1.745,9 USD/ounce cuối tuần này, cũng là mức cao nhất trong vòng 7,5 năm trở lại đây.
Việc vàng tương lai cao hơn nhiều so với giá giao ngay cho thấy giới đầu tư đang lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu thời gian qua vẫn chưa phải điều xấu nhất có thể xảy ra.
Trong ngày 11/4, báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có hơn 6,6 triệu người nộp đơn thất nghiệp vào tuần trước, đưa tổng số người mất việc làm tại nước này lên hơn 17 triệu trường hợp kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Thậm chí, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ được dự báo có thể lên tới 13%, theo một số chuyên gia kinh tế, bao gồm cả cựu chủ tịch FED Janet Yellen.
Vàng thế giới được dự báo sẽ sớm đạt mức 1.800 USD/ounce ngay trong quý II năm nay. Ảnh: Lam Yik Fei/Bloomberg. |
Kinh tế Mỹ đang xấu đi với tốc độ đáng báo động. Các chuyên gia kinh tế và phân tích thị trường đã ghi nhận rủi ro giảm phát ngày càng tăng trên thị trường khi nền kinh tế toàn cầu đã chứng kiến sự ảnh hưởng lớn về phía nguồn cầu do dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, hơn 95% dân Mỹ cũng đang ở nhà để thực hiện việc cách ly làm chậm sự lây lan của virus.
Trên thị trường tiền tệ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cuối tuần trước cũng đã phải công bố chương trình cho vay mới với gói cứu trợ 2.300 tỷ USD. Số này bao gồm chương trình cho vay 600 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi.
Theo tờ Washington Post, các hành động mới nhất của FED thậm chí còn đi xa hơn những gì ngân hàng trung ương này đã làm trong cuộc đại suy thoái năm 2009.
Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới đang phải trực tiếp mua nợ từ các tập đoàn và tiểu bang, điều chưa từng xảy ra trước đây.
Những thông tin về dòng tiền khổng lồ được FED dự kiến bơm vào thị trường đã khiến cả chứng khoán và các tài sản trú ẩn như vàng, bạc tăng vọt cuối tuần qua.
Thậm chí, đây là thời điểm những dòng tiền mà FED bơm ra vẫn chưa được thị trường hấp thụ hết.
Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, giá vàng có thể đạt mức 1.800 USD/ounce trong quý II năm nay, tăng thêm 100 USD so với dự báo ban đầu của nhà băng này đưa ra trước đó khi dòng tiền hàng nghìn tỷ USD mà FED bơm ra được thị trường hấp thụ.
Ngân hàng ANZ cũng đưa ra mức dự báo giá vàng có thể chạm mức 2.000 USD/ounce ngay trong quý 2 năm nay.
Ngân hàng đầu tư TD Securities dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.800 USD/ounce vào thời gian không xa và đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay.
Với thị trường trong nước, các chuyên gia đều cho rằng do những yếu tố chênh lệch giá mua - bán, chênh lệch giá so với thế giới, rất khó để dự báo giá trong ngắn hạn.
“Tuy nhiên về dài hạn, khi dịch bệnh vẫn chưa được khống chế, những tác động tiêu cực sẽ lớn hơn trong quý II nên rất khó để vàng giá giảm. Xu hướng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Vị này cũng cho rằng, dù không liên thông với vàng thế giới theo từng phiên nhưng kim loại quý trong nước vẫn không thể chệch khỏi diễn biến chung của thị trường thế giới. Và khi kim loại quý thế giới tăng do tác động của dịch bệnh, vàng trong nước cũng sẽ tăng theo. Tậm chí, mức tăng còn lớn hơn theo tỷ giá quy đổi như những lần trước đó.