Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trump can thiệp, Nga và Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến giá dầu

Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia kết thúc sau khi các quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác gần 10%.

Theo Bloomberg, sau một tuần đàm phán, vận động qua điện thoại và video đầy căng thẳng giữa quan chức hàng loạt quốc gia thành viên OPEC và G20, cuối cùng các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác.

Theo đó, nhóm OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Mỹ, Brazil và Canada cam kết trên giấy tờ cắt 3,7 triệu thùng/ngày. Trên thực tế, sản xuất dầu mỏ của Mỹ, Brazil và Canada đã bị thu hẹp do giá dầu lao dốc.

Tuần trước, cuộc đàm phán rơi vào bế tắc vì sự phản đối quyết liệt của Mexico. Cuối cùng, Mexico giành được một chiến thắng ngoại giao quan trọng khi chỉ đồng ý cắt giảm 100.000 thùng/ngày, thấp hơn 10% sản lượng của nước này.

Ngay lập tức, giá dầu Brent tăng 3% lên 32,5 USD/thùng.

cuoc chien gia dau ket thuc anh 1

Nga và Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến giá dầu. Ảnh: Washington Examiner.

Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia kéo dài hơn một tháng khiến giá dầu Brent sụt xuống tới 20 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng gần 2 thập kỷ. Hồi đầu tháng 1, giá dầu Brent dao động ở mức trên 70 USD/thùng.

Với việc dịch Covid-19 lây lan, ngành hàng không và du lịch quốc tế tê liệt, nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay lao dốc, đe dọa ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, nguồn thu của các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ và chặn đứng dòng chảy tài chính dầu thô trong nền kinh tế toàn cầu.

Giới quan sát nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump là người thắng trong thỏa thuận chấm dứt chiến tranh giá dầu. Ông Trump từ chối cắt giảm sản lượng khai thác của Mỹ và ra tay can thiệp để các bên ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Trump đã gọi điện cho Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Vua Salman của Saudi Arabia để thuyết phục các nhà lãnh đạo này.

Theo thỏa thuận, Saudi Arabia sẽ duy trì sản lượng ở mức 8,5 triệu thùng mỗi ngày, thấp nhất kể từ năm 2011. Trước đó, nước này từng nâng sản lượng lên mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày nhằm tranh giành thị phần với Nga.

Thỏa thuận sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/5. Theo Bloomberg, sau tháng 6, mức cắt giảm 10 triệu thùng sẽ giảm xuống còn 7,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm, sau đó là 5,6 triệu thùng/ngày từ năm 2021 cho đến tháng 4/2022.

Tranh thủ giá dầu chạm đáy, Trung Quốc mua dự trữ ồ ạt

Theo nguồn tin của Bloomberg, Trung Quốc bắt đầu ồ ạt mua dầu thô để bổ sung vào kho dự trữ khẩn cấp trong thời điểm giá dầu thế giới đang rơi tự do.

Hương Giang

Bạn có thể quan tâm