Thị trường vàng và USD Index vẫn biến động dữ dội khi các nhà đầu tư chờ đợi những dữ liệu kinh tế sắp được công bố của Mỹ. Theo Trading Economics, trong vòng 24 giờ qua, USD Index - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền lớn khác trên thế giới - đã rơi một mạch từ gần 102 điểm xuống 101,29 điểm.
Còn giá vàng tăng vọt từ 1.977 USD/ounce lên 1.999,1 USD/ounce, áp sát mốc quan trọng 2.000 USD/ounce.
Một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng chuẩn bị được Mỹ công bố trong tuần này. Đó là thước đo tâm lý người tiêu dùng, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - và số liệu GDP quý I.
Dựa trên những dữ liệu kinh tế mới nhất, các nhà đầu tư có thể phán đoán bước đi tiếp theo của Fed.
Biến động trái chiều của USD Index (trái) và giá vàng (phải) trong 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Đà tăng trưởng của USD bị chặn đứng
Tính đến ngày 26/4, theo dữ liệu của công cụ CME FedWatch, các thị trường đang định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất là 78,7%, giảm từ mức 89,1% trong ngày 21/4, tức thứ sáu tuần trước.
Trong khi đó, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất theo định giá của thị trường là 21,3%, tăng mạnh từ 10,9% của cuối tuần trước.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhỏ lẻ đang nghiêng về kịch bản Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay, nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi.
Cụ thể, khoảng 87% trong số 331 người được hỏi tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất xuống 3% hoặc thấp hơn. 40% dự báo chu kỳ nới lỏng của ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu trong năm nay, cao hơn những gì đang được thể hiện trên thị giá.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp bi quan về USD Index. Nhiều người khẳng định USD sẽ yếu đi vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang được định giá quá cao.
Kinh tế Mỹ đang giảm tốc
Theo báo cáo của Fed Dallas được công bố hôm 24/4, hoạt động của các nhà máy ở bang Texas tiếp tục lao dốc trong tháng 4, ghi nhận tốc độ sụt giảm mạnh nhất trong vòng 9 tháng. Chỉ số sản xuất tại Philadelphia cũng yếu đi đáng kể. Điều này càng làm dấy lên những lo ngại về tác động của các đợt tăng lãi suất dồn dập từ ngân hàng trung ương.
Năm ngoái, các đợt tăng lãi suất của Fed đã hỗ trợ USD. Chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. USD có thời điểm còn đắt hơn euro.
Trong khi đó, giá vàng thường biến động ngược chiều USD. Bởi đồng bạc xanh yếu đi đồng nghĩa với việc cần nhiều USD hơn để mua 1 ounce vàng.
Thêm vào đó, kim loại quý cũng rất nhạy cảm với lãi suất. Lãi suất tăng lên sẽ làm gia tăng chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, từ đó khiến kim loại quý trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư hơn.
Nhưng giới quan sát tin rằng xu hướng này sẽ đảo chiều trong năm nay. Việc Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất có thể triệt tiêu động lực tăng trưởng của đồng bạc xanh.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn đang đẩy mạnh mua vàng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu đối với vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm vào năm ngoái do các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng. Tổng khối lượng kim loại quý được mua vào là 1.136 tấn, cao nhất 55 năm.
"Tôi tin rằng giá vàng sẽ tăng rất nhanh trong những tháng tới. Mọi yếu tố đang hỗ trợ vàng và điều này có thể giúp kim loại quý sớm thiết lập kỷ lục giá mới", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính tại London (Anh) - nói với CNBC.
"Lãi suất đã hoặc đang ở rất gần mức đỉnh. Các thị trường tin rằng việc Fed cắt giảm lãi suất có thể xảy ra sớm hơn do những sự kiện mới nhất trong lĩnh vực ngân hàng", ông Erlam nhận định.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.