"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang đối mặt với 3 trở ngại lớn. Và tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn", ông Mohamed El-Erian - nhà kinh tế, doanh nhân người Mỹ gốc Ai Cập - nói với Bloomberg Television hôm 20/4.
Theo ông, Fed phải cùng lúc đối mặt với "bộ 3 bất khả thi", đó là ổn định giá cả, việc làm và hệ thống tài chính. Hồi cuối tháng 3, ông El-Erian cũng chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell đã "mắc phải sai lầm lớn nhất trong vòng 40 năm qua".
"Họ phải cùng lúc hạ nhiệt lạm phát, giảm thiểu những căng thẳng trong ngành ngân hàng và tránh một cuộc suy thoái kinh tế. Rất khó để đạt được điểm cân bằng vì Fed đã vào cuộc quá muộn trong việc tăng lãi suất", ông lập luận.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed diễn ra vào tháng 5. Giới đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp này. Ảnh: Reuters. |
Rắc rối chồng rắc rối
Sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng bắt đầu bằng vụ phá sản của Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 17 tại Mỹ. Trong khi đó, Credit Suisse - nhà băng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - cũng bị đối thủ UBS mua lại sau khi giá cổ phiếu tụt dốc không phanh.
Ông El-Erian cho rằng ngành ngân hàng của Mỹ không trải qua một cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, ông ví von nó giống một "vụ động đất nhẹ". Vị chuyên gia cũng chỉ ra điểm khác biệt giữa một cuộc khủng hoảng và sự thu hẹp của các hoạt động tín dụng.
Một cuộc khủng hoảng sẽ tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, khi các hoạt động tín dụng bị thu hẹp, những doanh nghiệp nhỏ có thể chịu tác động nặng nề hơn các công ty lớn.
Theo ước tính của ông El-Erian, sự sụt giảm của hoạt động tín dụng sẽ tác động lên nền kinh tế giống như các đợt tăng lãi suất của Fed.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ cách đây một năm. Fed tăng lãi suất điều hành tổng cộng 4,75 điểm phần trăm nhằm kìm hãm lạm phát đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.
Các tín hiệu diều hâu
Trong những ngày qua, các quan chức Fed liên tục phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất tiếp theo trong cuộc họp chính sách tháng 5.
Bà Loretta Mester - Chủ tịch Fed Cleveland - ủng hộ việc tăng lãi suất lên 5% "vì lạm phát vẫn còn quá cao". Tuy nhiên, giọng điệu của bà đã bớt "diều hâu".
Bà cho rằng Fed vẫn cần thận trọng, bởi các điều kiện tín dụng thắt chặt có thể giáng đòn lên tuyển dụng và chi tiêu.
Việc thắt chặt đến khi nào sẽ phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của nền kinh tế và hệ thống tài chính, cũng như những bước tiến trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của chúng tôi
Bà Loretta Mester - Chủ tịch Fed Cleveland
"Việc thắt chặt đến khi nào sẽ phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của nền kinh tế và hệ thống tài chính, cũng như những bước tiến trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của chúng tôi", vị quan chức nói thêm.
Trong khi đó, ông John Williams - Chủ tịch Fed New York - cho biết các quan chức vẫn còn nhiều việc phải làm để hạ nhiệt giá cả. Vị quan chức thừa nhận lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Theo dự báo trung bình được đưa ra vào tháng trước, 18 quan chức Fed cho rằng lãi suất sẽ đạt khoảng 5,1% vào cuối năm nay.
Về phía các thị trường, giới đầu tư dự đoán Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5, rồi bắt đầu cắt giảm vào cuối năm.
Nhưng theo ông Williams, thị trường đang đặt cược vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng, khiến lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn những gì các quan chức Fed dự đoán.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...