Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vượt Trung Quốc về dân số, kinh tế Ấn Độ sẽ ra sao

Ấn Độ vừa vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Câu hỏi đặt ra là Ấn Độ có thể tận dụng lợi thế như cách Trung Quốc từng làm hay không.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, dân số Ấn Độ đã vượt 1,428 tỷ người, cao hơn mức 1,425 tỷ dân của Trung Quốc.

Theo New York Times, với vị thế quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã tận dụng quy mô dân số khổng lồ để thay đổi chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là Ấn Độ có thể làm điều tương tự hay không.

Dân số tăng nhanh hơn cơ hội việc làm

Ở một số khu vực của Ấn Độ, dân số vẫn đang tăng trưởng quá nhanh so với nền kinh tế. Điều này có nghĩa là không có đủ việc làm dành cho số lượng lớn thanh niên khỏe mạnh.

Tuy nhiên, ở những khu vực phát triển hơn, dân số đã đạt đỉnh. Tại đó, phụ nữ được tiếp cận giáo dục chất lượng cao hơn, các chương trình kế hoạch hóa gia đình thành công, và những gia đình trẻ thường chỉ sinh dưới 2 con.

Nhu cầu vật chất của gần 1,5 tỷ dân đang gây áp lực khủng khiếp lên môi trường của Ấn Độ. Nhưng một khi đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo khổ cùng cực, Ấn Độ sẽ không còn phải hứng chịu nạn đói.

Thay vào đó, đất nước đông dân nhất thế giới sẽ trở thành lực lượng lao động đông đảo. Và nhiều người đã mơ về một "thế kỷ của Ấn Độ".

kinh te An Do anh 1

Tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Ấn Độ và Trung Quốc kể từ năm 1960 theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: New York Times (Zing Việt hóa).

Ấn Độ là một đất nước sẵn sàng lao động. Hơn 2/3 dân số ở độ tuổi 15-59. Tỷ lệ trẻ em và người về hưu (dựa theo độ tuổi lao động của nước này) rất thấp.

Nhưng dĩ nhiên, cơ hội cũng song hành với thách thức. Trong vài năm qua, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất. Nhưng tốc độ đó không đủ nhanh, và nhiều người vẫn chưa có việc làm chính thức.

Đất nước cần có thêm 9 triệu việc làm mới/năm để bắt kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Mọi người không rơi vào nhóm thất nghiệp, nhưng tình trạng thiếu việc làm là mối đe dọa khó nhận thấy hơn.

Con đường tăng trưởng kinh tế ra sao

Theo phân tích của ông Jean Dreza - chuyên gia kinh tế tại Đại học Delhi - tiền lương tại Ấn Độ đã chững lại trong 8 năm qua. Tăng trưởng kinh tế không đi cùng với tăng trưởng việc làm. Điều này khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn và làm gia tăng nguy cơ bất ổn.

Tại Ấn Độ, cứ 5 phụ nữ mới có 1 người có việc làm chính thức. Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ của Trung Quốc gần gấp đôi con số đó, cao hơn mức trung bình của Mỹ và trên thế giới.

Một nền kinh tế sẽ không thể phát huy hết tiềm năng nếu phụ nữ đóng góp quá ít vào tăng trưởng.

Điều này không có nghĩa là phụ nữ Ấn Độ không làm việc. Họ đóng góp tới 41% trong xã hội nông nghiệp và gánh vác gần như mọi gánh nặng trong gia đình.

Nhưng chừng nào vẫn chưa được gia nhập vào lực lượng lao động chính thức, họ sẽ không thể tham gia vào những khu vực năng suất nhất, trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.

kinh te An Do anh 2

Tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ Ấn Độ so với Trung Quốc và Mỹ theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: New York Times (ZingViệt hóa).

Trở lại với câu chuyện của Trung Quốc, vào đầu thập niên 90, Trung Quốc đã đẩy mạnh cải cách thị trường. Đất nước 1,4 tỷ dân gần như đi theo khuôn mẫu của các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, giành ngôi vương trong ngành sản xuất định hướng xuất khẩu.

Nhờ đó, Trung Quốc đã xây dựng một nền kinh tế với quy mô gấp 5 lần Ấn Độ.

Hiện nay, các quốc gia phương Tây đang gấp rút chuyển hướng từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn còn nhiều trở ngại. Đó là sự kém hiệu quả trong quản lý, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, chi tiêu ít ỏi cho giáo dục tiểu học và y tế, luật hạn chế sử dụng đất đai và lao động.

Chương trình "Make in India" (tạm dịch: Sản xuất tại Ấn Độ) được Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng cách đây 8 năm, nhưng đến giờ vẫn chưa khởi sắc.

Có nhiều cách để Ấn Độ vươn lên, nhất là khi ngành sản xuất công nghiệp không còn đóng vai trò trung tâm của kinh tế thế giới như trước đây.

Tờ New York Times

Các công ty đa quốc gia chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng cao. Nhưng Việt Nam và Bangladesh đã đón một phần làn sóng này.

Dù vậy, Ấn Độ có thể không cần phải giống Trung Quốc trong quá trình đổi mới kinh tế. Có nhiều cách để nước này vươn lên, nhất là khi ngành sản xuất công nghiệp không còn đóng vai trò trung tâm của kinh tế thế giới như trước đây.

Ngành công nghiệp dịch vụ đóng vai trò quan trọng và đang rất sôi động tại Ấn Độ, nhờ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không tốn kém do nước này tự phát triển.

Các hãng sản xuất chip đang tìm tới Ấn Độ để thay thế Trung Quốc. Những dịch vụ trực tuyến cũng cho phép hàng triệu người trẻ Ấn Độ làm việc cho các công ty nước ngoài từ xa. Và cuộc sống của những ngôi làng Ấn Độ đã khoác áo mới sau nhiều năm.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Trung Quốc bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế

Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục bơm hàng trăm tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế nhằm hỗ trợ tăng trưởng, sau khi cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng 3.

TP.HCM, Hà Nội cần gì để tăng năng lực cạnh tranh

Ở thành phố lớn, khoảng cách doanh nghiệp và chính quyền xa hơn địa phương khác. Trong khi đó, lúc khó khăn, kỳ vọng của doanh nghiệp đối với sự hỗ trợ từ chính quyền sẽ cao hơn.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm