Đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay. Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2020, nhưng tương lai phục hồi hoàn toàn vẫn còn mờ mịt.
Từ GDP, tỷ lệ thất nghiệp, nợ công cho đến lãi suất ngân hàng, đại dịch Covid-19 tạo ra những con số chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, lệnh giãn cách xã hội và các gói kích thích quy mô lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế đối phó tác động của đại dịch đã giúp một số tài sản tăng kỷ lục, nhất là kim loại quý, tiền mã hóa và cổ phiếu công nghệ.
Trao đổi với Zing, chuyên gia phân tích Edward Moya thuộc hãng nghiên cứu Oanda (Mỹ) nhận định các tài sản hưởng lợi lớn nhất năm 2020 là tiền mã hóa, kim loại quý và cổ phiếu thuộc chỉ số Nasdaq.
Việc các chính phủ bơm tiền ồ ạt để hỗ trợ nền kinh tế giúp nhiều tài sản tăng trưởng kỷ lục. Ảnh: Reuters. |
Cổ phiếu công nghệ tăng trưởng bất chấp suy thoái
Tính từ đầu năm cho đến nay, đồng Ethererum tăng giá 476%, trong khi giá Bitcoin vọt lên 277%. Giá vàng và bạc tăng lần lượt 21% và 45%. Còn chỉ số Nasdaq tăng 45%. Chỉ số Nasdaq được phản ánh giá cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
"Do các lệnh giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, những cổ phiếu 'stay at home', chủ yếu là nhóm big tech (các tập đoàn công nghệ lớn), tăng mạnh mẽ trong năm 2020. Những đợt bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến giới đầu tư đổ xô vào Zoom, Peloton, Amazon, Apple, Facebook và Square", chuyên gia Moya tại Oanda giải thích.
Thuật ngữ cổ phiếu "stay at home" chỉ những cổ phiếu công nghệ tăng trưởng mạnh nhờ xu hướng chuyển sang trực tuyến của người dùng do các lệnh giãn cách xã hội để hạn chế dịch Covid-19 lây lan.
Giá cổ phiếu Apple, Amazon và Facebook tăng lần lượt 88,67%, 75,63% và 33,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá cổ phiếu Zoom tăng vọt 427,3% chỉ trong vòng một năm.
Các cổ phiếu công nghệ tăng mạnh mẽ trong thời kỳ dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Theo giới chuyên gia, giá cổ phiếu công nghệ tăng cao (và tài sản của các doanh nhân đứng sau chúng phình to ra) bởi giới đầu tư tin rằng những công ty này sẽ hoạt động ổn thỏa trong thời gian dài. Nền kinh tế suy thoái hầu như không ảnh hưởng gì đến tâm lý của giới đầu tư.
Chẳng hạn, giá trị vốn hóa thị trường của Apple là 2.320 tỷ USD. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (price-earnings ratio) của Apple lên đến 41,84. Như vậy, các nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu Apple với kỳ vọng lớn về tăng trưởng thu nhập trong tương lai.
Vàng và Bitcoin tăng giá kỷ lục
Cùng với đó, thị trường vàng và Bitcoin cũng chứng kiến dòng tiền lớn chảy vào do cung tiền tăng vọt trên toàn cầu. Các chính phủ trên toàn thế giới phải tăng chi tiêu để bảo vệ việc làm và hỗ trợ người lao động. Tính đến tháng 10, những gói hỗ trợ toàn cầu nhằm giảm thiệt hại của đại dịch đã lên đến 12.000 tỷ USD.
Hôm 27/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký gói kích thích mới có tổng giá trị 2.300 tỷ USD, bao gồm khoản cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD để hỗ trợ hàng triệu người thất nghiệp Mỹ.
Các gói kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có trên toàn cầu tạo áp lực lên tiền pháp định. Trong khi đó, vàng và Bitcoin được coi là những "hàng rào" chống lạm phát. Do đó, rủi ro đồng tiền mất giá sẽ là trợ lực mạnh mẽ cho giá vàng và Bitcoin.
Thứ hai, với lãi suất duy trì thấp, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng giảm đi, khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào.
Bitcoin thiết lập kỷ lục giá mới trong năm 2020. |
Để hỗ trợ nền kinh tế chống chịu tác động từ đại dịch, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất xuống gần mức 0% và cam kết không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt quá mục tiêu 2%.
Những chính sách của FED cũng ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới. "Bitcoin còn thiết lập kỷ lục mới vào tháng cuối năm 2020 sau khi chiếm được lòng tin từ các nhà đầu tư tổ chức", ông Moya nói thêm.
Hai gã khổng lồ thanh toán là Square và PayPal đã cho phép người dùng mua bán Bitcoin và các loại tiền thuật toán khác như Ethereum, Bitcoin Cash và Litecoin trên nền tảng của mình. Những nhà quản lý quỹ tên tuổi như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller và Mike Novogratz đều lạc quan về triển vọng tăng giá của Bitcoin.
Đồng USD sa sút
"Đồng USD sẽ có một năm cực kỳ khó khăn. Chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có thể thúc đẩy một gói cứu trợ dịch Covid-19 khác. Gói chi tiêu quy mô lớn này có khả năng triệt tiêu sức mạnh của đồng bạc xanh, đẩy dòng tiền đầu tư sang các tài sản khác", vị chuyên gia tại Oanda bình luận.
Theo ông, đồng USD sẽ trở thành đồng tiền tài trợ trong các nền kinh tế mới nổi. Những đồng tiền tài trợ thường có lãi suất thấp hơn so với các tiền tệ và tài sản lãi suất cao.
Gói chi tiêu quy mô lớn có khả năng triệt tiêu sức mạnh của đồng bạc xanh, đẩy dòng tiền đầu tư sang các tài sản khác
- Chuyên gia tài chính Edward Moya
Các nhà đầu tư thường vay bằng đồng tiền tài trợ và thực hiện bán khống bằng những tiền tệ hoặc tài sản có lãi suất cao hơn để kiếm lời.
"Đồng bạc xanh có thể suy yếu 5-10% trong năm 2021", ông Moya dự đoán.
Ông Moya dự báo thị trường chứng khoán Mỹ có thể tăng 10% vào năm tới. Tuy nhiên, Phố Wall sẽ đối mặt với một số trở ngại trong quý cuối năm 2021 vì nỗi lo ngại "taper tantrum".
Sự kiện “taper tantrum” hồi năm 2013 đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều nhà đầu tư. Khi đó, giá cổ phiếu và giá đồng tiền của các thị trường mới nổi lao dốc mạnh sau khi Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu, tức thắt chặt tiền tệ.
"Trong khi đó, giá vàng sẽ quay trở lại mức cao kỷ lục và bong bóng Bitcoin tiếp tục phình to", vị chuyên gia tại Oanda khẳng định.