Theo CNN, đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay. Đến nay, tương lai phục hồi hoàn toàn vẫn còn mờ mịt.
Những tiến triển mới nhất của vaccine chống Covid-19 thắp hy vọng phục hồi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định việc triển khai vaccine chậm ở một số quốc gia đang phát triển có thể cản đường kinh tế toàn cầu trở lại mức trước đại dịch.
Đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước đây nay. Ảnh: Getty Images. |
Không những vậy, ngay cả ở các nền kinh tế phát triển, làn sóng phong tỏa nhằm ngăn chặn những đợt bùng phát mới cũng có thể đẩy lùi quá trình phục hồi kinh tế. "Việc phát triển thành công vaccine là một liều thuốc tiêm vào cánh tay", các chuyên gia của Citi nhận định.
Tuy nhiên, họ cho rằng phải đến năm 2022, nền kinh tế toàn cầu mới có thể phục hồi hoàn toàn. "Sẽ có sự cải thiện rõ rệt vào năm 2021, một phần vì không khó để tốt hơn năm 2020", các chuyên gia nhận định.
Hoạt động kinh tế sa sút
Sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa vào năm 2020, khiến hoạt động kinh tế sa sút rõ rệt. Nhiều nền kinh tế chứng kiến GDP rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19. |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể lao dốc 4,4% trong năm nay, trước khi tăng trưởng 5,2% vào năm 2021. Hồi tháng 10, IMF cho biết nền kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo quá trình trở lại mức trước đại dịch "rất dài, không đồng đều và không chắc chắn".
Hạn chế đi lại
Các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 khiến hoạt động di chuyển quốc tế bị đình trệ. Tính đến ngày 1/11, hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nới lỏng những hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc.
Các hạn chế đi lại vẫn được áp dụng trên toàn cầu. |
Tuy nhiên, việc di chuyển qua biên giới vẫn bị áp dụng nhiều hạn chế, bao gồm chỉ mở cửa biên giới cho du khách có quốc tịch cụ thể hoặc từ một số điểm đến nhất định, yêu cầu du khách xuất trình xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi nhập cảnh, yêu cầu du khách cách ly hoặc tự cách ly khi đến.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt
Hệ quả chính của suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra là sự gia tăng tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết ở một số quốc gia, tác động ban đầu của dịch Covid-19 đối với thị trường lao động "gấp 10 lần những gì xảy ra trong các tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008".
Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong thời kỳ dịch Covid-19. |
Các đối tượng lao động dễ bị tổn thương đang phải hứng chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng. Người lao động được trả lương thấp là chìa khóa để tiếp tục các dịch vụ thiết yếu trong thời kỳ phong tỏa. Tuy nhiên, họ thường có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao trong khi làm việc", tổ chức này viết trong một báo cáo.
"Họ cũng bị thiệt hại về việc làm và thu nhập nhiều hơn", OECD nhấn mạnh.
Nợ chính phủ tăng kỷ lục
Các chính phủ trên toàn thế giới phải tăng chi tiêu để bảo vệ việc làm và hỗ trợ người lao động. Tính đến tháng 10, những gói hỗ trợ toàn cầu nhằm giảm thiệt hại của đại dịch đã lên đến 12.000 tỷ USD.
Theo IMF, mức chi tiêu chưa từng có đã đẩy nợ công toàn cầu lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, các chính phủ không nên dừng việc hỗ trợ tài chính quá sớm.
Tỷ lệ nợ công trên GDP tăng kỷ lục vì các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế chống chịu đại dịch. |
"Với nhiều công nhân vẫn thấp nghiệp, doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn và 80-90 triệu người có khả năng rơi vào cảnh nghèo cùng cực năm 2020 do đại dịch, còn quá sớm để các chính phủ dừng những chương trình hỗ trợ đặc biệt", IMF nhận xét.
Ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất
Các ngân hàng trung ương cũng vào cuộc bằng cách cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất xuống gần mức 0% và cam kết không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt quá mục tiêu 2%. Những chính sách của FED sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới mở rộng bảng cân đối và hạ lãi suất, tạo ra một môi trường tiền tệ được nới lỏng chưa từng có. |
Các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế đang phát triển - bao gồm FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu - cũng tăng mua tài sản để bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính. Để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó đại dịch, nhiều nền kinh tế mới nổi khác cũng sử dụng biện pháp này.