Văn Tùng đang đạt phong độ cao tại SEA Games 32. Ảnh: Y Kiện. |
Giống trường hợp của Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Tùng là cái tên được đích thân HLV Philippe Troussier nhận diện và nuôi dưỡng tài năng từ rất sớm. Thậm chí, tiền đạo trẻ thuộc biên chế CLB Hà Nội còn được đánh giá cao hàng đầu.
Cụ thể từ tận 4 năm trước, trong bài phỏng vấn với Zing vào năm 2019, “Phù thủy Trắng” đã khẳng định Văn Tùng là cái tên đẳng cấp nhất trong thế hệ 2001-2003 của bóng đá Việt Nam. Đồng thời, ông cũng tỏ ra tiếc nuối vì các CLB V.League không sớm tạo điều kiện thi đấu cho những mầm non “tài không đợi tuổi” như Tùng vì áp lực thành tích:
“Nguyễn Văn Tùng là tiền đạo tài năng, nhưng thật đáng tiếc khi cậu ấy chưa có cơ hội thi đấu ở các giải vô địch quốc gia. Có thể 2-3 năm nữa, cậu ấy mới được thi đấu ở V.League. Chỉ có đá V.League thì các cầu thủ trẻ mới được phát triển năng lực chuyên môn”, HLV Troussier chậc lưỡi. Thời điểm đó, Văn Tùng chỉ mới 18 tuổi.
Quân bài mạnh nhất của Phù thủy Trắng
Khi ấy, cựu chuyên viên phân tích của CLB Cần Thơ và CAHN - Thành Vũ cũng đánh giá rất cao tiềm năng của trung phong này: “Nói về Tùng thì đơn giản là bạn này trên tầm so với lứa tuổi U19. Tùng thậm chí đã là cầu thủ đá chính của đội U21 Hà Nội vô địch giải U21 Quốc gia năm 2019. Một mẫu trung phong toàn diện và mình không biết điểm yếu của bạn ấy là gì. Tì đè, càn lướt, không chiến, làm tường và băng cắt, nói không quá Tùng có thể làm tất cả một cách gọn gàng”.
Đúng như ông Troussier dự đoán, không thể sớm có đường băng cất cánh, Tùng phải chờ thêm 3 năm để bước ra ánh sáng khi được HLV Park Hang-seo trao cơ hội ở SEA Games 31. Ở giải đấu trên sân nhà, tiền đạo mang áo số 11 ghi được 1 bàn thắng vào lưới Timor-Leste và cùng các đàn anh bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng.
Để rồi đến SEA Games 32, Tùng từ vai phụ thăng lên kép chính và càng tuyệt vời hơn, được thi đấu dưới chính trướng HLV hiểu và có thể sử dụng anh tốt nhất.
Văn Tùng đã ghi hai bàn thắng bằng đầu đẳng cấp ở SEA Games 32. |
Trong những buổi tập trước trận gặp U22 Malaysia, hình ảnh HLV Troussier gọi tên Văn Tùng để “nắn chỉnh” xuất hiện rất thường xuyên. Rõ ràng “Phù thủy Trắng” muốn trung phong của mình bung thật mạnh khả năng trong trận đấu bản lề của vòng bảng.
Văn Tùng không làm thầy thất vọng với cú đúp quan trọng, ghi toàn bộ bàn thắng của U22 Việt Nam trong chiến quả sát nút tối qua. Sau bàn mở tỷ số từ chấm phạt đền, Văn Tùng một lần nữa chứng tỏ khả năng băng cắt không phải dạng vừa ở bàn thứ hai. Đó là một lời tái xác nhận, sau cú đánh đầu tinh tế “mở hàng” cho U22 Việt Nam trong trận ra quân.
Cao 1m80, thường xuyên băng cắt trong vòng cấm để làm bàn - hình ảnh này có khiến bạn ngờ ngợ? Không sai, đó vốn là thương hiệu của tiền đạo số một đội tuyển Việt Nam Nguyễn Tiến Linh. Và cũng chẳng hề xa cách: Linh chính là thần tượng của Văn Tùng.
“Tôi thần tượng anh Nguyễn Tiến Linh. Đi cùng nhiều nên tôi biết anh ấy là mẫu cầu thủ dứt điểm rất hay. Tôi sẽ nỗ lực rèn luyện để được như vậy”, Văn Tùng tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Zing giữa năm 2022.
Nhưng không chỉ “Linh Ốc hương”, một lần nữa, chính sự rèn dạy của Phù thủy Trắng ảnh hưởng lớn đến vũ khí mạnh nhất của Văn Tùng. “Từ khi khoác áo U19 dưới thời HLV Troussier, tôi đã được thầy rèn rất nhiều về dứt điểm bóng sống. Về CLB Hà Nội tôi cũng hay rèn kỹ năng này, cứ sau mỗi buổi tập là tôi lại dành ra khoảng 15 phút để luyện dứt điểm như thế. Khi đó thì Nguyễn Hai Long là người thực hiện các đường chuyền giúp tôi. Ở khoảng cách 25 m trở xuống so với khung thành, tôi hay dứt điểm bằng cách bẻ lòng, bằng cả 2 chân”, anh chia sẻ.
Còn nhớ trước khi ra mắt cương vị HLV trưởng ĐT Việt Nam, HLV Troussier đã ghé CLB Pau ở quê nhà Pháp đã thăm và trò chuyện cùng Nguyễn Quang Hải. Hẳn ông nhận định “Hải con” vẫn sẽ là hạt nhân trong hành trình tương lai gần của những Chiến binh Sao Vàng.
Song xét theo độ gần gũi và thời gian thấu hiểu, không hề vội khi dự đoán Văn Tùng có khả năng trở thành nhân vật trung tâm trong tương lai xa. Tiền đạo năm nay mới 21 tuổi sẽ phát triển “độ tuổi vàng” cùng HLV Troussier, và đáng nói nhất là anh cực kỳ phù hợp với các tiêu chí của HLV lão luyện này.
Hai gương mặt Văn Tùng
Trong bài phỏng vấn với Zing năm ngoái, Văn Tùng khẳng định: “Tính tôi máu chiến từ xưa. Tôi được thầy Philippe Troussier rèn giũa từ U19 Việt Nam. Ông ấy thích mẫu tiền đạo biết ‘dọa’ đối phương”.
Và rồi chia sẻ với truyền thông trên sân tập ở Campuchia, tiền đạo quê Đông Anh cũng đúc kết rằng HLV Troussier có cá tính rất mạnh, thường khá nóng tính trong tập luyện, thi đấu nhưng khi ra ngoài thì lại rất thoải mái, thân thiện.
Có lẽ anh cũng nhận ra, đó là nét giao thoa tính cách của hai thầy trò. Tiền đạo này có quan điểm là vào sân phải biết dằn mặt, phải tạo được sự đe dọa và ức chế hậu vệ đối phương thì mình mới có nhiều cơ hội ghi bàn. Chính quan điểm đó giúp anh lọt vào mắt xanh của các HLV ở đội trẻ Hà Nội, rằng “các thầy nói rất thích tinh thần máu chiến và xả thân của tôi”.
Tiền đạo người Hà Nội luôn thi đấu với tinh thần rực lửa. |
Dẫu vậy, anh cũng là dạng “cháy trên sân” nhưng “ấm áp bên ngoài” hệt ông Troussier: Tùng được những người thân cận nhận xét là giàu tình cảm. Anh từng xăm hình trái tim kèm ngày sinh nhật của bạn gái lên bắp tay, thậm chí từng đổi số áo sang 23 cho trùng với ngày sinh của người mình thương.
Ở SEA Games lần này, sau mỗi trận đấu, Tùng đều cẩn thận nhờ tìm và xin phép phóng viên ảnh trước khi đăng ảnh họ chụp mình lên trang cá nhân. Một chàng trai hiểu chuyện và biết nghĩ cho người khác.
Những nét tính cách đối lập nhưng bù trừ cho nhau ấy, rất có lợi trong một môn thể thao giàu cảm xúc như bóng đá. Cùng với chuyên môn ngày càng được mài dũa tốt hơn, tính cách ấy hứa hẹn giúp Văn Tùng tiến xa.
Trước mắt là giai đoạn quan trọng trong giải đấu chính thức đầu tiên của HLV Troussier, nơi anh đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới, cùng có 4 bàn thắng với Fajar Fathur Rahman. Với nét tính cách máu chiến, Tùng có thể không muốn “chung đụng” danh hiệu này với bất cứ ai.
Thực tế tính từ SEA Games 2001 đến nay, chưa có cầu thủ Việt Nam nào độc chiếm ngôi Vua phá lưới: Năm 2005, Phạm Văn Quyến chia sẻ danh hiệu với Teeratep Winothai (5 bàn); 2013, Mạc Hồng Quân đồng Vua phá lưới cùng năm người khác (3 bàn); 2015, Võ Huy Toàn về đích cùng hai đối thủ đồng hành (5 bàn) và gần nhất là 2019, Hà Đức Chinh chia sẻ vinh dự với Osvaldo Haay của Indonesia (8 bàn).
Song, sự tình cảm và suy nghĩ cho tập thể sẽ lại xuất hiện để bù trừ: thành quả sau cùng của U22 Việt Nam mới là điều quan trọng nhất. Việc HLV Troussier sớm rút Văn Tùng ra nghỉ trong hiệp hai khi anh đang có cơ hội lập hattrick là thông điệp rõ ràng - hãy giữ sức mà chờ phá lưới Thái Lan.
Tùng cũng từng làm được điều đó với cú volley tuyệt đẹp ở vòng bảng giải U23 Châu Á.