Đây là thiệt thòi lớn của U22 Việt Nam trước các trận quyết đấu sắp diễn ra.
Dù dẫn trước 2 bàn, chơi hơn 2 người, U22 Việt Nam chưa cho thấy một thế trận thuyết phục trước U22 Malaysia. Nhìn sâu hơn vào trận đấu, những khoảnh khắc khó khăn mà chúng ta vượt qua được không hẳn nhờ năng lực cá nhân hay sức mạnh tập thể mà chủ yếu do đối thủ tự mắc sai lầm khi thì để bị phạt penalty, khi lại liên tiếp mất hai người do dính thẻ...
Chiến thắng của U22 Việt Nam đến nhờ những sai lầm và thẻ phạt của đối phương. Ảnh: Quang Thịnh. |
Thắng từ những bước ngoặt
Đó đều là những bước ngoặt mà ở đó, U22 Việt Nam tạo được lợi thế để bứt lên, cùng lúc sự vụng về, nóng nảy của U22 Malaysia khiến họ đánh mất tất cả.
5 phút bắt nhịp là màn trình diễn đầy chủ động của những chú hổ con dưới tay HLV Elavarasan khi họ dùng ưu thế thể lực và va chạm để lấn át lối chơi kiểm soát của U22 Việt Nam. Nhưng đúng vào lúc U22 Malaysia bắt đầu có những cú dứt điểm tương đối chất lượng, họ lại bị thổi phạt đền vì Adam Akfar để bóng chạm tay khi lấy thân mình cản Võ Minh Trọng sút về hướng cầu môn.
Đôi khi, chỉ một tích tắc may mắn cũng đủ quyết định cả trận đấu bản lề. Ở trường hợp này, chúng ta thậm chí còn may mắn nhân đôi bởi Nguyễn Văn Tùng đã không thắng được thủ môn Izhan trên chấm 11 m nhưng vẫn ghi bàn từ cú đá bồi.
Bàn thua đó có thể chưa phải gáo nước lạnh dội vào quyết tâm của đội bóng áo vàng nhưng nó chắc chắn làm sụt giảm nghiêm trọng khí thế phủ đầu mà họ nỗ lực tạo ra. Mặt khác, khi U22 Malaysia buộc phải chơi mạo hiểm hơn để tìm bàn gỡ, họ không còn duy trì được khối đội hình phòng thủ đã từng trụ vững 73 phút trước U22 Thái Lan.
Khoảng trống mà cầu thủ chạy cánh phải U22 Malaysia dâng lên không kịp lùi về đã bị Phan Tuấn Tài quan sát rất nhanh và khai thác bằng đường chuyền dài cho Minh Trọng xuống biên, tạt một chạm như đặt để Văn Tùng dứt điểm bằng đầu sở trường nhân đôi cách biệt.
Đây cũng là pha bóng chất lượng nhất mà U22 Việt Nam dàn xếp được kể từ đầu SEA Games 32. Nó chứng minh rằng thứ bóng đá mà ông Troussier đang truyền đạt cũng có rất nhiều ưu việt. Chỉ có điều các học trò cần thêm cả thời gian và các tố chất khác để có thể lĩnh hội tối đa.
U22 Việt Nam không cho thấy ưu thế về tranh chấp so với Malaysia. Ảnh: Y Kiện. |
Nỗi lo thể lực
Trong các tố chất mà U22 Việt Nam còn thiếu, đáng lo ngại nhất có lẽ là sức bền. Dàn cầu thủ mà ông Troussier đang chèo lái không có một cá nhân nào thực sự độc đáo về kỹ thuật hay sắc sảo về chiến thuật nhưng ngay cả thể lực vốn là điểm đã tiến bộ khá nhiều của bóng đá Việt Nam 5 năm qua nay cũng có chiều sa sút.
Chúng ta nghỉ nhiều hơn U22 Malaysia một lượt đấu nhưng từ lúc nhập cuộc đến khi đối thủ chỉ còn 9 người trên sân, U22 Việt Nam hầu như không thể hiện được ưu thế về tranh chấp tay đôi hay đua tốc độ.
Trần Quang Thịnh đá ở vị trí “thòng” trong sơ đồ 3 trung vệ nhưng ít nhất hai lần cắt bóng hụt để “lộ mặt thành”. Thêm 3 lần nữa tiền đạo U22 Malaysia lẻn được qua hàng thủ của chúng ta để đối mặt Văn Chuẩn nhưng kết thúc ra ngoài. Dù là vấn đề về phán đoán hay sức rướn, đó đều là tử huyệt của tuyến phòng ngự U22 Việt Nam.
Một lần nữa, sự chắc chắn lại là dấu hỏi cho người gác đền Quan Văn Chuẩn. Tuột bóng khỏi tay trong điều kiện sân trơn, bóng ướt là lỗi sơ đẳng, một lỗi mà khi người thủ môn mắc phải, anh ta sẽ khiến các đồng đội bị tâm lý rất nặng nề. U22 Việt Nam từ chỗ đang phơi phới dẫn trước hai bàn bỗng nhiên bị đẩy vào thế chống đỡ cực nhọc khi đối phương đang ở rất gần hy vọng gỡ hoà.
U22 Việt Nam cũng cần hạn chế sai lầm. Ảnh: Y Kiện. |
Có thể hiểu được ý tưởng của HLV Philippe Troussier khi “đại tu” hàng tiền vệ với Huỳnh Công Đến, Khuất Văn Khang vào sân từ ghế dự bị nhằm bảo toàn chiến thắng. Nhưng liệu có yếm thế quá không khi nhà cầm quân người Pháp rút cả Văn Tùng ra để U22 Việt Nam chơi nốt hiệp hai mà chẳng có tiền đạo thực thụ nào?
Kết quả thì ai cũng thấy khá hiển nhiên: U22 Malaysia tăng cường sức ép trong khi chúng ta phản công yếu ớt vì không có điểm đến ở tuyến đầu. Có những thời điểm khung thành Quan Văn Chuẩn đã rung lên bần bật hoặc thủ môn này phải dùng cả thân mình để chuộc lỗi cho một pha ói bóng tiếp theo.
Nhưng đây là một trận đấu mà thần may mắn hoàn toàn ưu ái U22 Việt Nam. Người Mã tưởng như đã “ngửi” thấy bàn thắng thứ hai thì lại tự chuốc lấy hai thẻ đỏ. Với 9 người, HLV Elavarasan không thể có phép màu nào lật ngược thế cờ.
Tuy vậy, các học trò của ông Troussier cũng không thể tận dụng ưu thế quá lớn này để tái lập cách biệt về tỷ số. Khi đã hơn hai người, ông Troussier mới tung chân sút Nguyễn Quốc Việt vào sân nhưng U22 Việt Nam cũng không cho thấy khát khao ghi thêm bàn thắng.
Có thể tính chất quá quan trọng của trận đấu khiến ban huấn luyện đưa ra những quyết định an toàn. Nhưng cũng có thể trong trạng thái thể lực đã bị bào mòn ở hầu hết vị trí trên sân, U22 Việt Nam đành hài lòng với mục tiêu tối thiểu.
Nếu thực tế diễn ra theo vế thứ hai, sẽ thật khó khăn cho chúng ta trong chặng đua còn lại. Nó đặt ra nhiều toan tính hơn cho ông Troussier khi gặp U22 Thái Lan, trận đấu dù tính chất chỉ là thủ tục phân hạng nhưng sức ép dành cho ông sẽ nhân lên gấp bội.
Và ở bán kết, chờ đợi chúng ta sẽ là U22 Indonesia hoặc Myanmar, những đối thủ đang sung mãn cả nền tảng thể lực lẫn hưng phấn tấn công. Từ thời điểm này, chúng ta mới thực sự đánh giá được bản lĩnh của thầy Philippe.
Mục Thể thao giới cuốn sách nổi tiếng viết về bóng đá châu Phi mang tên "Bàn chân của tắc kè hoa" xuất bản vào năm 2010 của tác giả Ian Hawkey. Chân dung của tân HLV trưởng tuyển Việt Nam, Philippe Troussier, cũng sẽ hiện lên phần nào trong cuốn sách này.