Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Camilla Mellander. Ảnh: ĐSQ cung cấp |
- Theo bà, các cơ quan chính phủ có thể sử dụng mạng xã hội (MHX) để thực hiện những nhiệm vụ nào?
- Khi Internet ngày càng phổ biến, tôi tin rằng mạng xã hội đem đến cơ hội lớn cho các chính phủ để giao tiếp với công dân của mình và các đơn vị liên quan trên phạm vi rộng. Dù ở bất kỳ địa điểm nào, các bên đều có thể đưa ra phản hồi nhanh chóng và mang tính xây dựng. Mạng xã hội (MXH) chính là một công cụ để tiếp nhận phản hồi liên tục, trực tiếp và không tốn kém.
MXH có thể giúp triển khai nhiều hoạt động, như công bố thông tin, tham vấn với các bên liên quan, theo dõi phản hồi, tiếp nhận khiếu nại… Đối với chính phủ, họ có thể cân nhắc sử dụng MXH là một phần trong các biện pháp hỗn hợp về hợp chính sách và truyền thông.
Quan điểm của tôi là MXH như Facebook, Twitter và YouTube là những công cụ mà các cơ quan nhà nước có thể sử dụng để kết nối với người dân, cung cấp thông tin chính thức, tiếp nhận phản hồi, tham gia vào cuộc thảo luận nếu một chính sách đang gây tranh cãi. Đây là kênh thông tin hai chiều rất tuyệt vời, mở ra cuộc đối thoại trực tiếp.
- Vai trò của MXH đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Thụy Điển như thế nào?
- Thụy Điển là một trong những nước có Internet phát triển nhanh nhất thế giới. Trong tổng dân số 9,6 triệu người, 94% người dân truy cập Internet tại nhà hoặc các thiết bị di động. Chúng tôi đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng kết nối thông tin toàn cầu (NRI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), và xếp thứ 2 về phát triển công nghệ thông tin theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
MXH cũng trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống của 64% người dân Thụy Điển. Nguyên tắc tự do thông tin ở Thụy Điển cho phép người dân và truyền thông biết về những hoạt động của các quan chức. Nó giúp họ hiểu rõ hành động của chính phủ và chính quyền địa phương. MXH là một công cụ tích cực đối với quá trình này, bổ sung cho những loại hình truyền thông truyền thống.
Chính phủ của chúng tôi hiện gồm 24 bộ trưởng. Phần lớn họ đều sử dụng MXH. Tất cả các đại sứ quán Thụy Điển ở các nước đều mở trang trên Facebook và Twitter. Chúng tôi tin rằng, MXH chính là kênh thông liên tục để thông báo về những việc chúng tôi đang làm, với người dân Thụy Điển và người dân sở tại. Qua đó, nó giúp chúng tôi thể hiện tính trách nhiệm và minh bạch thông qua đối thoại cởi mở với nhiều nhóm đối tượng khác nhau như công chúng phổ thông, doanh nghiệp, báo chí…
Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam sử dụng Facebook là một kênh thông tin để thông báo các hoạt động của sứ quán. Trang này hiện đã có hơn 21.000 lượt "Thích". |
- Xin bà chia sẻ một số ví dụ thực tế về cách sử dụng MXH của các cơ quan công quyền Thụy Điển?
- Một ví dụ điển hình ở nước chúng tôi là trang Facebook để giải đáp các vấn đề của những bậc phụ huynh do Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển, Försäkringskassan, thiết lập. Mọi người có thể nêu thắc mắc và luôn được phản hồi nhanh chóng, kể cả vào dịp cuối tuần. Mỗi câu trả lời là sự nối tiếp của những câu hỏi - đáp ở phía trên, phát triển thành cuộc đối thoại đa chiều.
Đối với những vấn đề về người nhập cư, cơ quan này còn lập một trang khác và sử dụng ngôn ngữ đa dạng gồm tiếng Anh, tiếng Ba Lan, tiếng Phần Lan, tiếng Arab, Tây Ban Nha…
Cơ quan Thuế vụ của Thụy Điển, Skatteverket, cũng lập một trang Faecbook để giải đáp thắc mắc về khai báo thuế và hoàn thuế. Họ lắng nghe góp ý về cải thiện dịch vụ, giúp giảm chi phí bảo đảm tuân thủ về thời gian và tiền bạc cho người dân. Do vậy, cơ quan này luôn là một trong những đơn vị nhà nước phổ biến nhất.
Đối với Facebook của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, chúng tôi khuyến khích các bạn thảo luận và đăng comment (bình luận) về nhiều vấn đề trong cuộc sống, như thương mại, giáo dục, văn hóa, bình đẳng giới, người đồng tính và chuyển giới… Những ý kiến có thể tích cực, hoặc phê phán nghiêm trọng, nhưng chúng tôi không bao giờ xóa những bình luận này, trừ phi đó là lời chửi thề, ngôn từ mang tính xúc phạm, hoặc “quảng cáo rác”.
Một tuần sau khi Văn phòng Chính phủ thông báo chính thức về việc thành lập trang trên Facebook, trang đã có hơn 53.000 lượt "Thích" từ người dùng. |
- Bà nhận định thế nào về việc Văn phòng Thủ tướng của Việt Nam đã thành lập một Trang thông tin chính phủ trên Facebook?
- Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng Facebook không phải là công cụ mà chúng ta nghĩ là không cần thiết hay chỉ tạo tài khoản cho có. Vấn đề là mỗi người sử dụng hiệu quả và có chiến lược sử dụng như thế nào.
Xu hướng chung của các cơ quan chính phủ trên thế giới là tăng cường sử dụng MXH kết nối với người dân hiệu quả hơn. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, MXH có thể giúp tăng cường lòng tin giữa những đơn vị công quyền với người dân - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nói với Zing.vn
Tôi dành lời khen ngợi và chúc mừng Văn phòng Thủ tướng của các bạn khi thành lập trang Facebook đầu tiên. Đây cũng là hành động tiên phong trong số những cơ quan nhà nước ở Việt Nam, tạo ra tiền lệ cho những bộ, ngành khác theo dõi và học hỏi.
Tôi cũng hoan nghênh việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vì đã thể hiện quan điểm cấp tiến và quyết đoán khi trở thành bộ trưởng đầu tiên tạo trang trên Facebook để lắng nghe ý kiến dư luận về những vấn đề của ngành y tế.
Hoàn cảnh hiện đại ngày nay mang lại nhiều cơ hội cho các đơn vị nhà nước và quan chức chính phủ để kết nối trực tiếp với người dân, cung cấp thông tin nhanh chóng và rộng rãi, đặc biệt là tìm hiểu tận gốc những vấn đề khiến nhân dân chưa hài lòng, từ đó có hành động hiệu quả để giải quyết những quan ngại này.
Như đã nêu trên, MXH là kênh liên tục để đối thoại hai chiều giữa chính phủ và công dân, giúp chính phủ lắng nghe những góp ý về các chính sách quan trọng, tăng cường sự minh bạch qua việc phản hồi nhanh chóng các thắc mắc của dư luận.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, sự xuất hiện của các cơ quan chính phủ trên Facebook dựa trên nguyên tắc rằng các cơ quan này cần thích nghi với nhu cầu và thói quen của công dân. Nếu người dân đang sử dụng Facebook, thì một đơn vị chính phủ cũng cần phải xuất hiện trên Facebook để cùng bắt nhịp với họ. Nó sẽ xóa nhòa khoảng cách trong tiềm thức về chính phủ và công dân.