Ảnh minh họa: Guardian |
Thỏa thuận Safe Harbour là cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân giữa châu Âu và Mỹ. Với thỏa thuận này, các công ty công nghệ ở Mỹ sử dụng một chuẩn duy nhất đối với việc lưu trữ dữ liệu và bảo vệ tính riêng tư của khách hàng ở cả Mỹ và châu Âu.
Cơ chế Safe Harbour cho phép Facebook chia sẻ dữ liệu của người dùng với cơ quan tình báo Mỹ, Independent nhận định.
Hôm 6/10, Tòa án Công lý châu Âu (EJC) tuyên bố Safe Harbour là thỏa thuận không có hiệu lực về phương diện pháp lý, Business Insider đưa tin.
Với phán quyết mới nhất của EJC, những công ty công nghệ như Facebook hay Twitter có thể sẽ phải chịu sự giám sát của từng nước châu Âu, hay thậm chí phải lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu ở châu Âu, chứ không để dữ liệu ở Mỹ.
Nếu điều đó xảy ra, nó có thể trở thành cơn ác mộng về phương diện hành chính. Về lý thuyết, những công ty Mỹ có khách hàng châu Âu sẽ phải tuân thủ ít nhất 20 quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân của từng quốc gia. Số lượng công ty Mỹ - chứ không chỉ riêng doanh nghiệp công nghệ - phụ thuộc vào thỏa thuận Safe Harbour có thể lên tới 4.500.
EJC mở phiên xử sau khi Max Schrems, một công dân Áo, kiện Facebook tại Ireland (nơi Facebook đặt trụ sở châu Âu ở thủ đô Dublin của Ireland). Schrems nói rằng chương trình theo dõi quy mô lớn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã xâm phạm quyền riêng tư của anh. Edward Snowden, một cựu nhân viên của NSA, đã công bố chương trình do thám rồi chạy sang Nga để tị nạn.