Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty |
Mỹ liên tiếp bị tấn công
Đã từ lâu, tin tặc Trung Quốc bị tố bí mật tấn công các tập đoàn lớn của Mỹ để đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ. Số lượng các vụ tấn công gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo tài liệu mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), tin tặc Trung Quốc thực hiện thành công 600 vụ xâm nhập vào các mục tiêu ở Mỹ trong 5 năm qua, TechCrunch đưa tin.
Trong tháng 10/2014, tin tặc Trung Quốc tấn công người dùng trên Apple iCloud trước khi thực hiện các hoạt động tương tự nhằm vào Microsoft, Yahoo và Google. Ngoài ra, tin tặc Trung Quốc còn nhằm vào các tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin để đánh cắp thông tin liên quan tới các dự án quân sự, bao gồm thiết kế của F-22 và F-35.
Các cuộc tấn công lên tới đỉnh điểm vào cuối tháng 4 vừa qua khi tin tặc đột nhập vào Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ và đánh cắp dữ liệu cá nhân nhạy cảm của hơn 20 triệu quan chức chính phủ, bao gồm số an sinh xã hội, vị trí công tác, tài chính hay thậm chí cả dữ liệu vân tay. Vụ tấn công được gọi là “sự xâm phạm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Giới chức Mỹ đã ngừng đổ lỗi cho chính phủ Trung Quốc đứng sau các vụ gián điệp sau một thời gian ngắn công khai buộc tội. Tuy nhiên, nhiều cơ quan an ninh mạng vẫn khẳng định Bắc Kinh có dính líu tới các vụ tấn công. Ngoài ra, nhiều công ty an ninh mạng khẳng định chính phủ Trung Quốc được lợi nhiều nhất từ hoạt động của tin tặc dù Bắc Kinh liên tiếp phủ nhận các báo buộc.
Phản ứng của Washington
Trong quá khứ, Mỹ thường phản ứng với các cuộc tấn công mạng thông qua biện pháp phòng ngừa và phòng thủ. Tuy nhiên, sự táo tợn của tin tặc và mức độ leo thang của các cuộc tấn công buộc Washington phải thay đổi chiến lược nhằm có các biện pháp phòng ngừa tích cực hơn.
Tháng 5/2014, Tổng chưởng lý Mỹ buộc tội 5 quan chức quân sự Trung Quốc đánh cắp dữ liệu. Đây là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc quan chức của một quốc gia khác tham gia các hoạt động tội phạm mạng. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng đã chuẩn bị hàng loạt biện pháp trừng phạt với công ty và các nhân ở Trung Quốc vì cáo buộc tấn công mạng vào các mục tiêu của Mỹ.
Trong tuyên bố đầu tháng 9, phía Mỹ khẳng định sẽ trừng phạt các tổ chức, cá nhân trục lợi từ hoạt động gián điệp mạng nhằm vào nước Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng không nói rõ quy trình trừng phạt tin tặc Trung Quốc và thời gian bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Trên thực tế, tin tặc từ Trung Quốc không phải mối đe dọa duy nhất đối với Mỹ. Washington cũng phải đương đầu với các vụ tấn công xuất phát từ Nga, Triều Tiên hoặc các thế lực thù địch. Trong năm 2014, tin tặc Triều Tiên đã tấn công hãng Sony Pictures khi họ làm phim nhạo báng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Giải pháp ngăn chiến tranh mạng bùng phát
New York Times cho biết hôm 20/9, Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán để đưa ra quy tắc kiểm soát không gian mạng đầu tiên, bao gồm quy định không bên nào được sử dụng tin tặc để làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương trong thời bình.
Nếu thỏa thuận này được thông qua, nó sẽ đảm bảo các trạm điện, hệ thống ngân hàng, mạng điện thoại di động, bệnh viện… của cả 2 quốc gia không bị tê liệt bởi tấn công mạng. Tuy nhiên, nó không bảo vệ các công ty và tổ chức của Mỹ trước hành vi gián điệp mạng như đánh cắp bí mật thương mại hay dữ liệu cá nhân mà họ đang phải đương đầu.
Các cuộc đàm phán được tiến hành khẩn trương trong những tuần gần đây nhằm đạt được thỏa thuận khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nói bóng gió về cuộc đàm phán này hôm 16/9. Phát biểu tại hội nghị bàn tròn Kinh doanh, Tổng thống Obama cho rằng về số lượng các vụ tấn công mạng ngày càng nhiều có thể trở thành một trong những chủ đề lớn nhất của các cuộc họp thượng đỉnh.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng, tuyên bố chung của ông Obama và Chủ tịch Tập sẽ không chứa “các nội dung cụ thể và chi tiết” của thỏa thuận. Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo sẽ nói về “những điều chung chung” của một quy tắc ứng xử được thông qua gần đây bởi nhóm làm việc tại Liên Hợp Quốc.
Giáo sư Joseph S. Nye của Đại học Harvard, người nổi tiếng với các học thuyết về Sức mạnh Mỹ, cho biết khái niệm “không sử dụng đầu tiên” đối với các vụ tấn công mạng được “thai nghén trong một thời gian” ở hàng loạt các diễn đàn quốc tế. Học thuyết này “có thể khiến một số nước tự kiềm chế” nhưng điểm khó nhất là các bên phải thừa nhận và tuân thủ.