Cúp Quốc gia xưa nay vốn bị coi là “mặt trận không tiếng súng”. Hầu hết các đội đánh trống ghi tên ở giải đấu này vì trách nhiệm hơn là vì những mục tiêu cụ thể, và do đó, cuộc chơi cũng diễn ra quấy quả và hời hợt.
Vậy mà ở sân chơi tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy, các cầu thủ Quảng Ninh vẫn phải bức xúc kêu trời vì nỗi trọng tài xử ép.
Sau trận bán kết lượt đi (hoà 1-1) trên sân Bình Dương chiều 20/7, những Xuân Tú, Hải Huy… đã phải cay đắng chia sẻ những dòng đầy tâm trạng trên trang cá nhân của họ. Theo đó, “Vua áo đen” Phùng Đình Dũng đã bỏ qua nhiều lỗi cho đội chủ nhà, trong khi lại quá khắt khe phạt 11 m khiến Quảng Ninh đánh rơi chiến thắng.
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà được coi là nguyên nhân khiến ông Lê Thuỵ Hải bức xúc và phải nhận án phạt từ BTC. Ảnh: Quốc Bảo |
Như cách những cầu thủ và CĐV Quảng Ninh mô tả, ông Dũng “tưởng tượng” ra quả phạt đền, trong tình huống hậu vệ Tuấn Tú cẩn thận đến mức gần như không chạm vào người Ivan Firer, nhưng tiền đạo Bình Dương vẫn ngã lăn ra.
Để phân định đúng sai, BTC giải, Ban trọng tài lại sẽ phải họp, mổ băng, phân tích… Nhưng điều đáng nói và đáng lo ngại là một thói quen đã bắt đầu bám rễ ở các đội bóng: hễ bất như ý là “xả” lên trọng tài trước hết.
Ngày 10/7, GĐKT Lê Thuỵ Hải đã phản ứng gay gắt với trọng tài Hoàng Ngọc Hà trong trận Thanh Hoá – Quảng Nam (vòng 15 V.League). Ông điềm nhiên đón nhận án phạt 5 triệu đồng và truất quyền chỉ đạo 2 trận, nhưng thái độ rõ ràng là bất phục. Chính BTC giải cũng phải thừa nhận là trọng tài Hà đã sai vì không nhìn thấy cầu thủ Quảng Nam dùng tay chơi bóng trước tình huống ghi bàn.
Tuy nhiên, không hẳn lúc nào lẽ phải cũng thuộc về đội bóng. Đôi khi, trọng tài cũng bị… oan.
Ngay cả một người thích đùa như HLV Trương Việt Hoàng cũng phải "tố" trọng tài. Ảnh: Quốc Bảo |
Cùng ở vòng 15, HLV Trương Việt Hoàng, người vốn rất giỏi kiềm chế đã buông lời phê phán tổ trọng tài Trần Xuân Nguyện, Nguyễn Thành Trung, Lê Xuân Vũ thiên vị HAGL và thổi ép Hải Phòng. Vụ này rốt cuộc chẳng đi đến đâu vì trận đấu không được truyền hình trực tiếp, và một đoạn clip lại chứng minh pha công nhận bàn thắng cho HAGL là đúng.
Sau đó, ngày 17/7, đến lượt HLV Hoàng Văn Phúc – cũng có tiếng là người hiền và chịu nhịn – tố trọng tài Ngô Duy Lân “cướp” một bàn thắng của Quảng Nam. Nhưng ông Lân đã được “cứu” khi BTC khẳng định trái bóng vẫn còn dính vạch vôi ở cầu môn của Đồng Tháp, và trọng tài không phải là… kẻ cướp.
Mặc cho BTC nỗ lực bảo vệ các trọng tài, dư luận chung vẫn mất niềm tin trầm trọng vào các vua sân cỏ. Ông Lê Thuỵ Hải khảng khái bảo trọng tài sai lè lè, nếu ông không phản ứng là hèn. Những đồng nghiệp khác dĩ nhiên phải chấp nhận quyết định từ BTC, nhưng rõ ràng trạng thái của họ là ngậm bồ hòn làm ngọt.
Có một sự thật là Ban trọng tài, sau khi xử Hà Anh Chiến rất nặng và có phần nghiệt ngã, đã không đạt được mục tiêu như họ từng mong muốn. Không những không xoa dịu được bức bối của người hâm mộ và các đội bóng, họ còn tạo ra cảm giác đang “bịt mắt” thiên hạ bằng sự cứng rắn nguỵ tạo, nửa vời, để che giấu những yếu kém và nhập nhằng ở công tác điều hành.
Tội đồ và cũng là nạn nhân Hà Anh Chiến lúc này đã bình tâm trở lại sau “tai nạn” trong nghiệp cầm còi. Anh chia sẻ, mình sai mình chịu, nhưng nhiều đồng nghiệp khác bỗng nhiên bị áp lực nặng nề khi nhìn vào trường hợp của anh.
Như một phản ứng dây chuyền, các trọng tài càng bị chỉ trích nhiều thì lại càng mắc thêm sai sót. Trong khi đó, các đội bóng lúc nào cũng tự kỷ ám thị rằng mình luôn phải chịu thiệt thòi từ những tiếng còi oan trái.
Chuyện HLV này, đội bóng nọ tuyên bố cạch mặt trọng tài A, trọng tài B vốn đã quá phổ biến trong làng bóng Việt Nam. Giải pháp thuê trọng tài ngoại từng được áp dụng trong một số mùa giải trước, nhưng lúc này, gánh nặng chi phí dường như là quá sức đối với VPF.
Và V.League, hạng Nhất hay thậm chí Cúp quốc gia, hễ cứ bóng lăn là phải nhai đi nhai lại cái điệp khúc phản ứng trọng tài…
2 trận bán kết Cúp Quốc gia 2016 đã diễn ra chiều 20/7 với kết quả Bình Dương hoà Than Quảng Ninh 1-1, còn Quảng Nam thua HN T&T 2-3 ngay trên sân nhà