Không phải loại bia mới, không phải vị trí đại sứ du lịch, thứ Đặng Văn Lâm mang về từ Muangthong có thể là con đường, con đường mới nối bóng đá Việt Nam tiến ra thế giới
17 năm sau ngày Kiatisak Senamuang ra mắt HAGL, Đặng Văn Lâm tới Muangthong United theo chiều ngược lại. Giống như vụ chuyển nhượng năm xưa của “Sắc”, thương vụ Văn Lâm có thể là điểm khởi đầu cho một trang sử mới của bóng đá Việt Nam.
So với Huỳnh Đức, Công Vinh, Xuân Trường, Văn Lâm rời Việt Nam khi đang ở đỉnh cao phong độ. Anh gia nhập một nền bóng đá gần gũi về chuyên môn và địa lý hơn. Anh ra đi theo một lộ trình bài bản, với các thông tin tương đối minh bạch về lương thưởng. Khác với những người đồng hương trước đó, Văn Lâm xuất ngoại khi đang ở đỉnh cao phong độ và vừa đạt những thành tựu phi thường cả ở cấp CLB cũng như đội tuyển.
Anh cần Muangthong để đạt tới nấc thang mới trong sự nghiệp nhưng đội bóng Thái Lan cũng cần có anh. Tất cả cho thấy thương vụ trị giá hơn 500.000 USD là một cái bắt tay có ý nghĩa thuần túy chuyên môn.
Cũng bởi thế, đó có thể là phi vụ tiên phong, mở ra thời kỳ cầu thủ Việt thực sự bước tới thế giới.
Sau thành công rực rỡ của AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, làn sóng ủng hộ cầu thủ Việt Nam xuất ngoại bắt đầu dâng lên mạnh mẽ. Hai người được nhắc tên nhiều nhất, được hậu thuẫn mạnh hơn cả là Đặng Văn Lâm và Nguyễn Quang Hải. Họ đều đã chứng minh được tài năng, thể hiện được đẳng cấp và cho thấy những tố chất đặc biệt không chỉ phù hợp để tỏa sáng ở Việt Nam mà còn để tiến ra bên ngoài.
Nhưng cho tới lúc này, Văn Lâm chứ không phải Quang Hải mới là người cầm lá cờ tiên phong. Vì sao thế?
Hãy nhớ rằng bản thân Văn Lâm vốn đã là một cầu thủ quốc tế. Cầu thủ mang hai quốc tịch Việt Nam, Nga vốn lớn lên tại Moscow. Việt Nam và V.League vốn đã là một giải đấu “nước ngoài” với Văn Lâm. Thủ thành người Nga thông thạo 3 thứ tiếng và từng thể hiện khả năng giao tiếp tiếng Anh - thứ ngôn ngữ quốc tế, nhiều lần trước công chúng. Khả năng thích nghi với văn hóa, với môi trường mới của anh đã được kiểm chứng tại V.League trong màu áo Hải Phòng, tại Lao League dưới màu áo Hoang Anh Attapeu.
Giống như Michal Nguyễn, đến Thai League sẽ chỉ là một lần xuất ngoại khác trong sự nghiệp của Văn Lâm. Giải vô địch Thái Lan cũng chỉ là một V.League mới mới với chàng trai đã chơi bóng trên hai châu lục.
Ở chiều ngược lại, Quang Hải vẫn chưa một lần bước ra khỏi vòng tròn của bóng đá thủ đô. Quả bóng vàng Việt Nam 2018 trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Gia Lâm. Anh chơi cho CLB Hà Nội (nay là Sài Gòn) ở Giải hạng Nhất 2015 trước khi chuyển về Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội) từ mùa giải 2016. CLB chủ quản chưa từng cách nhà Hải quá 30 km. Dù xuất sắc tới đâu, phải khẳng định Quang Hải vẫn chưa phải một cầu thủ quốc tế. Vốn tiếng Anh hạn chế, khả năng thích nghi văn hóa, lối sống của Hải vẫn là những dấu hỏi.
Quang Hải năm nay mới 22 tuổi, ngang ngửa với Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng trong lần xuất ngoại thất bại ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Nên nhớ, cả ba người đó đều nói tiếng Anh tốt hơn Hải, được đào tạo trong môi trường JMG với các điều kiện quy chuẩn quốc tế, được định hướng để thi đấu ở nước ngoài từ năm 11 tuổi. Tất cả những điều đó, Hải đều chưa có.
Thứ Quang Hải chưa có, Văn Lâm đã được trang bị tận răng. 26 tuổi, Văn Lâm đã chơi bóng ở 3 quốc gia khác nhau, khoác áo gần chục CLB cả chuyên nghiệp và nghiệp dư, thi đấu dưới sự hướng dẫn của hàng chục ông thầy với đủ mọi quốc tịch.
Con đường sự nghiệp của Quang Hải được nâng bước bởi tài nghệ và sự bảo bọc từ hệ thống bóng đá của bầu Hiển. Anh lên tuyển U19 năm 17 tuổi, đá chính V.League năm 19 tuổi và đã khiến cả Việt Nam ngước nhìn sau đó không lâu. Mặt trái của thành công sớm khiến Hải chưa từng có trải nghiệm thất bại, chưa từng phải đối diện với những cú sốc.
Bên cạnh Hải, Văn Lâm từng dự bị nhiều năm ở các CLB, từng trải qua những chấn thương kinh hoàng, từng dằn vặt, từng đấu tranh, từng có lúc phải bỏ ngang giấc mơ bóng đá.
Sự khác biệt giữa họ không chỉ là 4 năm tuổi tác. Đó là cả một bầu trời kinh nghiệm sống. Hãy nhớ lại khoảnh khắc trước khi Bùi Tiến Dũng tung cú sút quyết định loại Jordan ở Asian Cup, khi Văn Lâm vững vàng ở đó động viên đồng đội, Quang Hải đang làm gì?
Quang Hải xuất chúng nhưng thời điểm này, Văn Lâm mới xứng đáng là người dẫn đường cho bóng đá Việt ra thế giới.
Ông Hafizan Halim - Giám đốc MVP Sport Agency, một nhà môi giới giàu kinh nghiệm người Malaysia, từng chia sẻ với ESPN: “Không có nhiều cầu thủ Malaysia sang Thái Lan vì mức thu nhập trung bình chỉ từ 3.000 tới 5.000 USD. Ở Malaysia, các cầu thủ nhận lương cao hơn thế rất nhiều”.
Vậy còn thu nhập của Văn Lâm ở Muangthong? Theo nguồn tin của Zing.vn, đội bóng Thái Lan trả cho Văn Lâm hơn 10.000 USD/tháng, chưa kể các khoản thưởng tùy theo thành tích cá nhân và tập thể.
Trả 10.000 USD/tháng, cao hơn gấp đôi mức trung bình của giải đấu, Muangthong rõ ràng không mua Văn Lâm về để ngồi dự bị.
Tình hình đội bóng Thái Lan cũng mang tới cơ hội hoàn hảo cho thủ thành Việt kiều. Thủ môn số một của Muangthong đồng thời là thủ môn số một tuyển Thái Lan Kawin Thamsatchanan đã gia nhập Oud-Heverlee Leuven hồi năm ngoái theo một bản hợp đồng có thời hạn 5 năm. Anh sớm giành suất bắt chính khi tới Bỉ và sẽ không trở lại Muangthong một thời gian dài nữa.
Sự ra đi của Kawin dẫn tới cuộc khủng hoảng trong khung gỗ Muangthong. Mùa trước, Kampol Pathom-attakul (26 tuổi) và Prasit Padungchok (36 tuổi) là hai thủ môn được luân phiên sử dụng. Cả hai đều là những cái tên xa lạ với tuyển Thái. Đặt lên bàn cân, họ hoàn toàn thua kém Đặng Văn Lâm.
Vụ chuyển nhượng của Văn Lâm tới Thai League là sự kiện lớn của bóng đá Việt Nam. Nhưng với người Thái, đó chỉ là một thương vụ trong chuỗi hoạt động hướng về Đông Nam Á. Trước Văn Lâm, Michal Nguyễn (Việt Nam), Soukaphone Vongchiengkham (Lào), Aung Thu (Thái Lan), Michael Falkesgaard (Philippines)... là những cái tên khác đã tới Thái Lan. Văn Lâm cần một bước tiến mới, còn người Thái cũng cần những cầu thủ gốc ASEAN.
7 năm gần nhất, Muangthong 2 lần vô địch, 3 lần về nhì ở Thai League. Nghĩa là họ luôn có một vị trí trong nhóm các CLB tham gia AFC Champions League. Điều đó sẽ rất ý nghĩa nếu chúng ta biết rằng 10 năm qua, bóng đá Việt Nam chỉ 2 lần được góp mặt tại vòng bảng giải đấu lớn nhất châu lục ở cấp độ CLB - nơi mỗi trận đấu đều có đẳng cấp tương đương Asian Cup.
Và nếu phải tìm một lợi ích khác, hãy chú ý: Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Kawin Thamsatchanan và Theerathon Bunmathan là 4 cầu thủ Thái Lan xuất ngoại vài năm gần đây. Họ đều tới từ cùng một đội bóng: Muangthong.
“Tôi muốn mình thực sự ra đi vì các CLB nước ngoài để ý tới phong độ cao của mình. Nếu ra nước ngoài, tôi muốn mình được thi đấu thật nhiều”.
Lương Xuân Trường đã nói điều đó khi trở về Việt Nam sau 2 năm dài đằng đẵng ngồi dự bị tại Hàn Quốc. Đó là thực tế đáng buồn mà bóng đá Việt Nam vẫn phải đối mặt mỗi khi có một cầu thủ xuất ngoại.
Các thống kê không biết nói dối. Xuân Trường đá 6 trận sau 2 năm ở Hàn Quốc, Công Phượng đá chính 1 lần tại Mito Hollyhock, Tuấn Anh thậm chí chưa từng được vào sân ở J.League. Lê Công Vinh khá nhất trong số này cũng chỉ có 2 lần ra sân tại Leixoes (Bồ Đào Nha), đá thêm 9 trận ở Consadole Sapporo vài năm sau đó. Trước họ, những Huỳnh Đức, Việt Thắng, Hữu Thắng, Lương Trung Tuấn... cũng không tạo được dấu ấn.
Quà hồi hương của Công Vinh sau nửa năm ở Nhật là dòng bia mới, thứ Công Phượng, Tuấn Anh đem lại là tăng doanh số cho các tour du lịch Nhật Bản, thứ Xuân Trường mang về là sự quảng bá trước thềm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.
Trong dòng chảy bóng đá nước bạn, chưa có dấu ấn của những ngôi sao người Việt.
Nhưng nếu không đi thì chẳng thành đường, không có thất bại thì không có cả thành công. Bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại đã khác trước rất nhiều. Văn Lâm xuất ngoại sau những chiến công rực rỡ của tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Anh ra đi trong một thời kỳ cởi mở hơn, được sự hỗ trợ của những quy định chuyển nhượng mới từ Thai League. Trước Văn Lâm, những Aung Thu hay Vongchiengkham tới từ các nền bóng đá kém phát triển hơn cũng đang khẳng định được mình tại Thai League. Chẳng ai có thể ngăn cản Văn Lâm làm những điều tương tự.
Lịch sử đã chọn Văn Lâm cho vị trí tiên phong của bóng đá Việt. Anh từng là một trong những cầu thủ Việt kiều đầu tiên đá chính ở đội tuyển, cầu thủ mang hai dòng máu đầu tiên của Việt Nam vô địch AFF Cup. Bây giờ, anh tiếp tục là cầu thủ Việt kiều đầu tiên chơi bóng tại đẳng cấp cao nhất của Thái Lan.
Cả nền bóng đá sẽ dõi theo từng bước chân của anh.